Kế thừa kho vũ khí khổng lồ do Liên Xô để lại, nước Nga sau này đã thiết kế nhiều mẫu khí tài mới dựa trên nền tảng cũ hoặc phát triển thêm những mẫu vũ khí, tên lửa hoàn toàn khác biệt, giúp họ giành ưu thế trong trường hợp xung đột nổ ra.
Tên lửa chiến thuật Iskander
Xuất hiện lần đầu từ năm 1996 và biên chế cho quân đội Nga vào năm 2006, tổ hợp tên lửa đạn đạo chiến thuật 9K720 Iskander được thiết kế để thay thế các tên lửa chiến thuật Tochka-U đời cũ dưới thời Liên Xô, với khả năng tấn công chính xác mục tiêu trong tầm bắn từ 50-480km.
Tên lửa Iskander của Nga. Ảnh: Vitaly Kuzmin
Iskander hoạt động theo nguyên tắc bán đạn đạo, có trần bay 50km và hồi quyển để lao vào mục tiêu với đường bay độc đáo. Iskander sở hữu khả năng tàng hình và phòng thủ chủ động để đánh lừa radar đối phương, biến nó thành một trong những loại vũ khí răn đe hiếm hoi đủ sức xuyên thủng mọi hệ thống phòng thủ tên lửa trên thế giới.
Mỗi tên lửa Iskander phiên bản đầu có trọng lượng khoảng 4 tấn, dài 7,3m, đường kính thân 0,92m, tốc độ bay trên Mach 7 (9.000-9.500km/h). Riêng phiên bản Iskander-M được trang bị các đầu dò điện tử, để kết hợp với hình ảnh từ máy bay chỉ huy trên không (AWACS) giúp nó đánh trúng mục tiêu di động với sai số chưa đầy 3m.
Về hỏa lực, đạn tên lửa Iskander có phiên bản hạt nhân, nhưng thông thường, nó được thiết kế để mang theo các loại đầu đạn phi hạt nhân như đạn nổ mảnh, đạn chùm, nhiệt áp, xuyên phá hầm ngầm và xung điện từ (EMP).
Moscow hiện sở hữu trên dưới 100 tổ hợp Iskander, triển khai dọc đất nước và ở Kaliningrad – vùng lãnh thổ nằm giữa Litva và Ba Lan. Với uy lực khủng của Iskander, Nga tự tin rằng đây là loại vũ khí răn đe hữu hiệu khiến các đối thủ buộc phải cân nhắc kỹ nếu muốn gây hấn.
Tên lửa Iskander được khai hỏa từ bệ phóng. Ảnh: ITN
Năm 2019, khi Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm Trung (INF), vốn cấm các mẫu vũ khí mặt đất có tầm bắn từ 500-5.500km, chuyên gia quân sự nổi tiếng của Nga Viktor Murakhovsky tiết lộ, Moscow có thể sẽ cân nhắc gia tăng tầm bắn của Iskander lên cao hơn ngưỡng 480km để phù hợp với các điều kiện tác chiến mới.
Các chuyên gia quân sự Mỹ từng thừa nhận Iskander là mẫu tên lửa "có một không hai" và rằng các nước khác trên thế giới sẽ không thể chế tạo ra một loại tên lửa có tính năng tương tự hệ thống Iskander của Moscow trước năm 2025.
Theo truyền thông phương Tây, Nga từng sử dụng Iskander trong cuộc xung đột với Gruzia năm 2008. Năm 2017, Fox News cho hay 4 quả Iskander đã được bắn vào các mục tiêu của khủng bố ở tỉnh Idlib, Syria. Năm 2018, Phó Thủ tướng Nga khi đó là ông Yury Borisov tuyên bố Iskander đã chứng minh được hiệu quả của chúng trong chiến đấu ở Syria.
"Hỏa thần" Kalibr
Năm 2015, một tuần sau khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Syria, quân đội Nga đã gây chấn động thế giới khi nã một loạt hơn 20 tên lửa hành trình Kalibr vào các mục tiêu của IS, đánh dấu lần thực chiến đầu tiên của loại tên lửa này.
Tên lửa Kalibr được khai hỏa từ tàu chiến Nga. Ảnh: RT
Loạt tên lửa được bắn đi từ tàu chiến trên biển Caspian, bay qua không phận Iran và Iraq, trước khi đánh trúng nhiều mục tiêu IS trong lãnh thổ Syria từ khoảng cách 1.500 km với sai số chưa tới 3m. Đòn tấn công bất ngờ và hiệu quả ngoài sức tưởng tượng đã biến Kalibr thành nỗi khiếp sợ của các tay súng cực đoan.
Theo Sputnik, Kalibr là loại tên lửa hành trình đặc biệt được thiết kế cho cả tàu ngầm tấn công hiện đại cũng như tàu chiến mặt nước của Hải quân Nga. Tuy nhiên, nó cũng có thể được hoán cải để khai hỏa từ các bệ phóng mặt đất, giống những gì Mỹ đang thực hiện.
Kalibr có nhiều mẫu đạn, gồm 3M-14T, 3M-14E, 3M-54E và 3M-54E-1 cho tàu ngầm, tàu nổi. Trong đó, đáng chú ý nhất là biến thể 3M-14T được bắn từ tàu nổi có tầm hoạt động 2.500km, mang đầu nổ 400kg và bay ở vận tốc cận âm, khá giống tên lửa Tomahawk của Mỹ. Các biến thể còn lại thường có tầm bắn từ 200 đến 660km, nhưng bay ở tốc độ cao (lên đến Mach 3).
Tên lửa Kalibr phiên bản 3M-14E. Ảnh: Vitaly Kuzmin
Kalibr sử dụng các hệ thống dẫn đường bằng định vị vệ tinh GLONASS, dẫn đường quán tính và radar chủ động ARGS-14E kèm theo một hệ thống đo độ cao và khớp ảnh địa hình giúp nó tự điều chỉnh đường đi theo thực địa và bám sát mặt đất cũng như mặt nước để tránh sự phát hiện của radar đối phương.
Theo một số nguồn tin quân sự, khi cách mục tiêu khoảng 60 km, hệ thống điều khiển của tên lửa sẽ tách đầu đạn khỏi phần thân chính, sau đó động cơ nhiên liệu rắn sẽ đẩy quả đạn tới mục tiêu ở tốc độ 3.600 km/h, khiến việc đánh chặn trở nên cực kỳ khó khăn.
Hiện gần như toàn bộ tàu chiến và tàu ngầm thế hệ mới của Nga đều được thiết kế để mang tên lửa Kalibr.
Quân bài bí mật 9M729
Mẫu tên lửa phi hạt nhân độc đáo tiếp theo mà Nga sở hữu là mẫu 9M729 Novator. Tuy chưa từng được xác nhận tham gia cuộc chiến nào và cũng không liên quan đến hạt nhân, song mẫu tên lửa lại là nguyên nhân Mỹ kiên quyết rút khỏi INF.
Tên lửa 9M729. Ảnh: ITN
Theo Independent, năm 2017, Nga lần đầu thừa nhận đang phát triển biến thể tên lửa hành trình mang định danh Iskander-K, trang bị đạn 9M728 có tầm bắn 500 km. Đáng chú ý, mẫu đạn tên lửa 9M728 được mô tả là phiên bản mặt đất của tên lửa hành trình Kalibr, trần bay 6km, tầm bắn 500km và có thể tự điều chỉnh quỹ đạo.
Có thể nói, Iskander và Kalibr đều có những ưu điểm riêng và người Nga đã cho thấy sự táo bạo và khả năng của họ trong việc tích hợp các ưu thế đó vào cùng một bệ phóng tên lửa.
Hình ảnh tên lửa, được cho là 9M728, khai hỏa trong tập trận. Ảnh: Getty
Theo RBTH, đạn 9M728 có hình dáng gọn gàng hơn đạn tên lửa thông thường của Iskander với chiều dài lớn, hẹp ngang, giống tên lửa Kalibr. Moscow cho hay mẫu tên lửa này được trang bị cho các tổ hợp Iskander-M nhằm tăng uy lực và lựa chọn tác chiến cho các chỉ huy.
Tuy nhiên, các nước phương Tây cáo buộc 9M728 chỉ là bình phong cho phiên bản cải tiến 9M729, vốn có độ chính xác cao và đầu đạn lớn hơn, và tầm bắn trên 2.000 km, tức vi phạm điều khoản INF. Bên cạnh đó, các đặc tính kĩ thuật cho phép 9M729 có thể được khai hỏa từ nhiều phương tiện khác nhau.
Tên lửa 9M728 và phiên bản đạn truyền thống trên xe phóng Iskander. Ảnh: ITN
Các chuyên gia quân sự phương Tây không ít lần bày tỏ lo ngại với 9M728 và 9M729, khi chúng có thể xuyên thủng các lá chắn hiện đại nhờ hành trình bay phức tạp. Hồi tháng 4/2018, Tướng John Hyten, chỉ huy Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ, từng thừa nhận 9M729 có thể đánh bại mọi lá chắn phòng thủ của Mỹ và đồng minh châu Âu, nhất là khi phóng với số lượng lớn.
AVIAPRO nói rằng tên lửa 9M729 còn có thể tùy biến cho mục đích chống lại tàu chiến mặt nước. Ở chặng cuối trước khi lao vào mục tiêu, phiên bản tên lửa này sẽ giảm độ cao xuống cách mặt nước 5-10m để gây khó cho phòng không đối phương.