Thỏa thuận hạt nhân Iran được ký năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước ủy viên thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc là Nga, Trung Quốc, Mỹ, Anh, Pháp và thêm Đức), có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).
Theo bình luận của BBC, rút Mỹ khỏi JCPOA là một động thái đã được ông Trump đề cập và suy tính nhiều tháng nay. Trong thời gian đó, các đồng minh của Mỹ và những người ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran trong nước đã nỗ lực đến phút chót để thuyết phục ông Trump giữ nguyên hiện trạng.
Trong thông báo rút Mỹ khỏi thỏa thuận, Tổng thống Trump cho biết ông để ngỏ khả năng đàm phán lại thỏa thuận. Nói về cuộc đàm phán hạt nhân Iran năm 2016, ông nhận định: “Lẽ ra một thỏa thuận mang tính xây dựng có thể dễ dàng đạt được lúc bấy giờ. Nhưng nó đã không xảy ra”.
Sau khi rút khỏi thỏa thuận này, Tổng thống Trump sẽ có cơ hội để chứng tỏ ông có thể đàm phán các điều khoản tốt hơn. Nhưng tại sao ông Trump lại chọn thời điểm này?
Khảo sát dư luận cho thấy đa số người Mỹ ủng hộ thỏa thuận hạt nhân Iran. Về phần mình, ông Trump cho biết ông chỉ đơn giản là đang giữ lời hứa và sau đây chính là lý do tại sao ông dần trở nên không ưa thỏa thuận Iran và đưa ra động thái trên vào ngày 9/5.
Xóa bỏ di sản Obama
Theo BBC, ông Trump định hình quan điểm phản đối thỏa thuận hạt nhân Iran vì những lý do rất cá nhân. Ông liên tục chế giễu cựu Ngoại trưởng Mỹ John Kerry, một trong những kiến trúc sư của JCPOA. Nỗ lực của ông Kerry trong tiếp cận với phía Iran những ngày gần đây đã góp phần khiến ông Trump đẩy nhanh quyết định từ bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran.
Ông Trump dần xóa hết di sản của ông Obama. Ảnh: CNN
Kể từ khi nhậm chức, Tổng thống Trump luôn nhằm vào các thành tựu nổi bật của người tiền nhiệm là Tổng thống Barack Obama.Sáng 8/5, Tổng thống Trump đăng trên Twitter: “John Kerry không thể quên được thực tế là ông ấy đã có cơ hội và đã làm đổ bể nó. Hãy tránh xa các cuộc đàm phán, John. Ông đang làm tổn thương quốc gia”.
Chỉ trong vòng một tuần sau khi nhậm chức, ông Trump đã rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tháng 6/2017, ông tuyên bố rút Mỹ khỏi Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu.
Ông Trump cũng xóa bỏ những biện pháp bảo vệ người nhập cư bất hợp pháp được áp dụng thời ông Obama.
Cùng với phe Cộng hòa, ông Trump coi việc bãi bỏ Đạo luật chăm sóc sức khỏe hợp túi tiền (Obamacare) là một trọng tâm trong chương trình nghị sự năm đầu tiên làm tổng thống.
Ông Trump cũng áp đặt lại các biện pháp trừng phạt và hạn chế đi lại tới Cuba, hủy bỏ đề xuất về biện pháp kiểm soát khí thải của các nhà máy điện, bỏ quy định về tiêu chuẩn hiệu quả nhiên liệu với ô tô mới và các quy định bảo vệ môi trường khác.
Trong một bài viết trên trang web “The Federalist”, nhà báo Sean Davis nhận định: “Khi thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu đã chết, thỏa thuận hạt nhân Iran đang cần trợ thở, Obamacare bị moi ruột, thì di sản thực sự duy nhất của ông Obama tại thời điểm này chính là chức tổng thống của ông Donald Trump”.
Xoay trục về Israel
Khi ông Trump lần đầu tiên chạy đua chức tổng thống Mỹ, ông không có tư tưởng chỉ trích thỏa thuận hạt nhân Iran như hiện nay. Mặc dù có nói rằng thỏa thuận Iran là một sai lầm và là kết quả của một quá trình đàm phán tồi tệ, nhưng ông luôn để ngỏ sẽ giữ cam kết của Mỹ.
Thủ tướng Israel Netanyahu (trái) và ông Trump tại Phòng Bầu dục ngày 5/3. Ảnh: AP
Sự thay đổi của ông Trump sang quan điểm phản đối JCPOA mạnh mẽ gắn liền với quan điểm ủng hộ hết mình Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và phe Israel theo đường lối cứng rắn trong đàm phán hòa bình Trung Đông.Hồi tháng 8/2015, ứng cử viên Trump trừng nói: “Cho dù hợp đồng có tồi tệ như vậy nhưng tôi sẽ tuân thủ nghiêm ngặt thỏa thuận đó”.
Năm 2016, ông Trump từng bị các Thượng nghị sĩ Ted Cruz và Marco Rubio chỉ trích kịch liệt vì quan điểm trung lập trong đàm phán giữa Israel và Palestine. Ông nói: “Không có ích gì nếu tôi bắt đầu nói tôi rất ủng hộ Israel”.
Tháng sau đó, ông Trump đã phát biểu trước hội nghị thường niên của Ủy ban các vấn đề công Israel – Mỹ rằng “ưu tiên số một của ông là xóa bỏ thỏa thuận hạt nhân thảm họa với Iran”. Ông nói rõ rằng ông coi thỏa thuận là một thất bại khi không thể xóa bỏ ảnh hưởng của Iran trong khu vực và không giải quyết được việc Iran phát triển chương trình tên lửa đạn đạo.
Ông Trump khi đó cũng tuyên bố rằng ngày mà Israel bị đối xử như "công dân hạng hai" trong đàm phán hòa bình Trung Đông sẽ chấm dứt khi ông thành tổng thống.
Kể từ khi ông Trump là tổng thống Mỹ, ông đã bắt đầu quy trình chuyển Đại sứ quán Mỹ tới Jerusalem, đe dọa áp đặt trừng phạt mới với người Palestine, tiếp tục chỉ trích chính phủ Iran và giờ đây đã rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran dựa trên những bằng chứng mà Thủ tướng Netanyahu cung cấp.
Tác động của những gương mặt mới
Tổng thống Trump đã lúc tiến, lúc lùi với thỏa thuận hạt nhân Iran vài lần trong năm đầu nhiệm kỳ.
Tân Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton có quan điểm cứng rắn với Iran. Ảnh: Getty
Giờ đây, ông Mattis là quan chức duy nhất còn ở trong chính quyền của ông Trump và ảnh hưởng dường như đang mờ nhạt dần.Theo BBC, ông được cho là đã được các cố vấn cấp cao khuyên không nên bỏ thỏa thuận hạt nhân Iran, trong số đó có lời khuyên của cựu Ngoại trưởng Rex Tillerson, cựu Cố vấn An ninh Quốc gia HR McMaster và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis.
Hai người kia đã bị thay thế bằng ông Mike Pompeo và John Bolton. Cả hai đều được coi là có thái độ cứng rắn với Iran.
Từ chỗ ông Trump được khuyên thận trọng trong rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran, nay quan điểm phản đối chủ nghĩa đa phương nói chung và Iran nói riêng đã được hai nhân vật mới ủng hộ nhiệt tình.
Hai quan chức mới trong êkíp an ninh của Tổng thống Trump đều được coi là những nhân vật nổi tiếng cứng rắn, nhất là về đường lối đối ngoại, và đó có thể là một trong những lý do ông chủ Nhà Trắng đi tới quyết định trên.