Bà Liz Truss. Ảnh: CNN
Theo kênh CNN (Mỹ), bất chấp nhiệm kỳ ngắn ngủi, bà Truss vẫn có quyền nhận các khoản hỗ trợ theo chương trình Trợ cấp Chi phí Công vụ (PDCA), do Chính phủ Anh lập ra vào năm 1990 để "hỗ trợ các cựu Thủ tướng vẫn công tác trong đời sống cộng đồng".
Khoản trợ cấp này sẽ hoàn trả cho các cựu thủ tướng, để họ chi trả chi phí hành chính và khoản phát sinh từ các nhiệm vụ công. Trang web của Chính phủ Anh cho biết: "Số tiền chỉ được chi trả dựa trên chi phí thực tế khi các cựu thủ tướng tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ công. Mọi cựu thủ tướng đều đủ điều kiện tham gia PDCA".
Từ năm 2011, số tiền tối đa mà PDCA chi trả cho mỗi cá nhân được quy định ở mức 129.000 USD. Khoản tiền này sẽ do Thủ tướng Anh xem xét hàng năm. Các cựu thủ tướng cũng có thể đòi hỏi khoản trợ cấp cho nhân viên của mình, miễn là không vượt quá 10% giá trị của PDCA.
Từ năm 2020 đến năm 2021, các cựu thủ tướng Theresa May, David Cameron, Gordon Brown, Tony Blair và John Major đều được cung cấp khoản hỗ trợ này, với mức tiền khác nhau, theo Báo cáo thường niên của Văn phòng Nội các Anh.
Tuy nhiên, các chính trị gia đối lập và công đoàn đã kêu gọi bà Truss từ chối nhận khoản trợ cấp này, trong bối cảnh người dân nước Anh đang phải đối mặt với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt do giá năng lượng tăng vọt và lạm phát ở mức cao nhất trong 40 năm.
Khi được hỏi về quyền được hưởng trợ cấp của bà Truss, ông Keir Starmer, lãnh đạo Công đảng Anh, cho rằng bà nên từ chối nó. Ông nói: "Bà ấy không thực sự có quyền nhận khoản tiền này, bà ấy nên từ chối và không nhận nó".
Trên Twitter, một người dùng đã viết: "Trong khi người dân đang ohar vật lộn để thanh toán các hóa đơn và tiết kiệm năng lượng, bà Liz Truss sẽ nhận được khoản trợ cấp hàng năm lên tới 129.000 USD cho đến hết cuộc đời chỉ với 6 tuần thảm họa trên cương vị thủ tướng. Số tiền này lại được tài trợ bởi người đóng thuế ".
Phố Downing chưa trả lời yêu cầu bình luận của CNN về việc liệu bà Truss có nhận khoản trợ cấp này hay không.
Sau khi tuyên bố từ chức vào hôm 20/10, bà Truss - người chủ trì các kế hoạch tài chính thất bại trong bối cảnh nội bộ đảng cầm quyền chia rẽ sâu sắc - sẽ trở thành thủ tướng tại vị ngắn nhất trong lịch sử Anh với chỉ 45 ngày tại nhiệm.
Bà Truss nhậm chức Thủ tướng Anh vào thời điểm kinh tế nước này có nhiều bất ổn, người dân và doanh nghiệp chật vật với giá cả leo thang, nợ chính phủ gia tăng, nền kinh tế năng suất thấp và có nguy cơ rơi vào suy thoái kéo dài. Theo giới chuyên gia, những kế hoạch của bà Truss đã để lại những “vết sẹo” lâu dài cho nền kinh tế Anh sau khi làm rung chuyển thị trường tài chính, chi phí đi vay tăng vọt, giá trị đồng bảng sụt giảm.
Phát biểu tại số 10 Phố Downing, bà Truss cũng thừa nhận bà không thể thực hiện những lời hứa khi tranh cử lãnh đạo Đảng Bảo thủ vì đã đánh mất niềm tin trong nội bộ đảng. Tuyên bố từ chức của bà đã kích hoạt một cuộc chạy đua vào chiếc ghế Thủ tướng. Theo đó, nước Anh sẽ tiếp tục chứng kiến quá trình bổ nhiệm thủ tướng Đảng Bảo thủ thứ 5 chỉ trong hơn sáu năm.
Truyền thông nước này đã điểm tên một số ứng cử viên có thể tranh cử, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Rishi Sunak, bà Mordant, cựu Thủ tướng Boris Johnson, cựu Bộ trưởng Nội vụ Suella Braverman, Bộ trưởng Thương mại Quốc tế Kemi Badenoch và Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace.