Chuyện không tưởng: Bà lão ăn cắp, cả tòa nộp tiền phạt
"Mùa đông năm ấy là khoảng thời gian mà nền kinh tế của nước phương Tây nọ tiêu điều nhất. Không khí ảm đạm bao trùm toàn bộ thành phố, nơi cư ngụ của những đứa trẻ lang thang, những mảnh đời vất vưởng, và những gia đình túng thiếu không có bữa ăn no…
Vào một đêm lạnh giá, một phiên tòa được tổ chức trong khu phố nghèo nhất thành phố. Đứng ở vị trí thẩm phán là ngài thị trưởng đáng kính của thành phố, và bên dưới bục là một bà lão đã gần 60 tuổi, áo quần cũ rách cùng với dáng vẻ sầu não.
Gương mặt tiều tụy của bà hiện lên vẻ xấu hổ, bà đã bị buộc tội vì lỡ ăn cắp một ổ bánh mì.(Ảnh minh họa)
Ngài thị trưởng, cũng đồng thời là quan tòa, hỏi: "Bị cáo, bà bị tố là đã lấy trộm bánh mì, có đúng vậy không?"
Bà lão cúi mặt xuống, ấp úng đáp: "Vâng thưa quan tòa, tôi thật sự đã lấy trộm".
"Vì sao bà lại lấy trộm? Có phải vì bà đói bụng không?" – quan tòa lại hỏi.
"Thưa quan tòa, tôi đã rất đói. Nhưng nếu chỉ vì đói thì tôi đã không làm như vậy", bà lão trả lời. "Đứa con rể của tôi đã bỏ ra đi, còn con gái tôi thì ốm liệt giường. Tôi cần chiếc bánh mì này để nuôi hai đứa trẻ đang chết đói…Chúng thực sự rất đói…" - Nói đến đây bà bật khóc.
Ngài thị trưởng thở dài. Ông nhìn khắp gian phòng một lượt, rồi quay sang bà lão và nói: "Bị cáo, tôi sẽ phải xử phạt bà, luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào. Bà phải nộp phạt 10 đô-la hoặc bị giam 10 ngày trong tù. Bà chọn cái nào?"
Trong sự bế tắc tột cùng, bà lão đáp: "Thưa quan tòa, tôi xin bằng lòng chịu phạt. Nếu tôi có 10 đô-la thì đã không lấy cắp bánh mì. Vậy tôi xin được giam 10 ngày. Nhưng còn đứa con gái và hai đứa trẻ, ai sẽ chăm sóc chúng đây?"
Ngài thị trưởng khẽ mỉm cười. Ông rút trong túi ra 10 đô-la và bỏ vào chiếc mũ nổi tiếng của mình.
"Đây là 10 đô-la tiền phạt, bà đã được tự do!"
Rồi ông lại hướng cặp mắt về phía những người tham dự phiên tòa: "Và bây giờ, mong các vị hãy nộp 50 xu tiền phạt.
Tiền phạt để trừng phạt cho sự hờ hững của chúng ta, vì đã để một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói. Hãy nộp tiền và đưa tất cả cho bị cáo".
Tất cả mọi người có mặt tại phiên tòa khi ấy đều không khỏi kinh ngạc. Không khí im lặng đến nỗi một cây kim rơi xuống đất cũng có thể nghe thấy.
Trong phút chốc, tất cả mọi người lặng lẽ đứng dậy, lấy ra 50 xu và bỏ vào chiếc mũ của ngài thị trưởng"
Luôn cần có tình yêu và sự cảm thông với những mảnh đời khó khăn
Cách xử án của vị thẩm phán tuy có đôi chút ngược đời, nhưng lại khiến tất cả mọi người xúc động và đồng tình.
Mặc dù hoàn cảnh của bà cụ rất đáng thương, nhưng tòa vẫn phải xử phạt bà, bởi luật pháp luôn công bằng và không có ngoại lệ đối với bất kỳ cá nhân nào.
Tuy nhiên, ông lại là người bỏ tiền ra để bà cụ không phải ngồi tù. Sau đó, bất ngờ hơn, ông còn tiếp tục xử phạt, nhưng không phải phạt bị cáo, mà người chịu án phạt là tất cả những ai đang chứng kiến sự việc, những con người thờ ơ, vô tâm, khiến một bà lão khốn khổ phải đi ăn cắp bánh mì nuôi những đứa trẻ đang chết đói.
Thời buổi kinh tế thị trường với những áp lực của chuyện cơm, áo, gạo, tiền đã khiến cho nhiều người trở nên ích kỷ, thờ ơ, vô cảm với những vấn đề của người khác.
Dường như đối với những người mắc chứng vô cảm, ứng xử "thương người như thể thương thân" là một điều gì đó quá xa xỉ đối với họ.(Ảnh minh họa)
Căn bệnh vô cảm, coi như "không nghe, không thấy, không biết" đã và đang ngấm ngầm làm băng hoại những giá trị đạo đức tốt đẹp trong tâm hồn mỗi con người và cả xã hội.
Trong y học không có bệnh vô cảm. Đó là căn bệnh của cách hành xử, căn bệnh của lối sống.
Sự vô cảm là một căn bệnh đang có chiều hướng lan rộng trong xã hội, len lỏi khắp mọi nơi. Người ta có thể thản nhiên đứng nhìn cảnh một kẻ mạnh ăn hiếp kẻ yếu; một vụ nữ sinh lột áo, giật tóc, đánh hội đồng; một vụ làm nhục người khác… như xem một màn kịch, lấy điện thoại ra quay rồi tung lên mạng.
Người ta coi như không nhìn thấy kẻ gian móc túi trên xe buýt mặc dù việc đó xảy ra sờ sờ trước mắt. Từ những chuyện tranh cãi hay xô xát lặt vặt nhưng không ai lên tiếng can ngăn và thế là dẫn tới án mạng.
Tại sao người ta không can thiệp? Bởi người ta vô cảm trước nỗi đau của đồng loại. Bởi người ta sợ liên lụy, mang vạ vào thân.
Thái độ ứng xử trước nỗi đau, tai họa của người khác là phản ứng tự nhiên mang tính người, là thước đo đạo đức, là sự sát hạch đạo đức xã hội một cách nghiêm khắc nhất.
Trước nỗi đau, tai họa và bất công mà người khác phải chịu đựng, nhưng ai đó không phản ứng được tức là đã bị tê liệt về tinh thần xã hội.
Khi căn bệnh này không được ngăn chặn thì xã hội sẽ không tránh khỏi bị sụt lở nền tảng đạo đức và tinh thần, gây hoang mang, làm nảy nở cái xấu, cái ác.
Tất cả chúng ta đều phải day dứt trước câu hỏi: Bây giờ đời sống của con người khấm khá hơn trước rất nhiều nhưng tại sao bệnh vô cảm lại nặng hơn? Như thế càng thấy rõ, không phải cứ nghèo là vô cảm, không phải cứ túng là làm liều.
Thuốc chữa bệnh vô cảm nằm ở sự truyền phổ sâu sắc những giá trị truyền thống của dân tộc, thẩm thấu vào trong đời sống xã hội. Không gì có thể thay thế việc khơi dậy lòng nhân ái và dũng khí trong mỗi con người.