Lính biên phòng Ba Lan tuần tra dọc theo bức tường kim loại ở biên giới Ba Lan-Belarus. Kể từ năm 2021, Ba Lan đã lắp đặt một hàng rào cao 5,5 mét dọc theo các phần đất của mình trên biên giới với Belarus. Ảnh: AP
Ba Lan cho biết động thái này diễn ra trong bối cảnh gia tăng các vụ vượt biên trái phép, mà họ cáo buộc là được hỗ trợ bởi lực lượng biên phòng Belarus, và sau khi các thành viên của nhóm bán quân sự Wagner xuất hiện gần biên giới.
Tại sao Ba Lan thực hiện động thái này?
Bộ Quốc phòng Ba Lan cho biết việc triển khai là "do tình hình biến động ở biên giới Ba Lan-Belarus" và theo yêu cầu từ chính lực lượng biên phòng.
Khoảng 2.000 binh sĩ quân đội Ba Lan hiện đang hoạt động ở biên giới với Belarus, hỗ trợ 5.000 lính biên phòng.
Thứ trưởng Nội vụ Maceij Wasik cho biết áp lực di cư bất hợp pháp ở biên giới với Belarus ngày càng lớn. Ông nói, các cuộc vượt biên, nếu không do lực lượng biên phòng Belarus tổ chức, thì "sẽ không thể vượt qua."
Thứ trưởng Wasik cũng cho biết các lực lượng Belarus đã sử dụng nhiều công cụ để làm hỏng hàng rào biên giới, cho phép người di cư đi qua.
Vị quan chức Ba Lan nói thêm rằng đã có sự gia tăng hành vi gây hấn chống lại lực lượng biên phòng, binh lính và cảnh sát Ba Lan ở biên giới. Ông cho biết, chai lọ, đá và cành cây đã được sử dụng để ném vào lực lượng chức năng Ba Lan, và trong một sự cố vào tháng 6, một vật thể được cho là bắn ra từ súng hơi đã đâm thủng cửa kính ô tô của lực lượng biên phòng.
Hôm 7/8, người đứng đầu lực lượng biên phòng Ba Lan, Tomasz Praga, cáo buộc các cơ quan mật vụ Belarus đã trở thành "một nhóm chủ mưu việc di cư bất hợp pháp". Ông Praga nói rằng cơ quan này đang kiếm được "lợi nhuận khổng lồ" từ hoạt động đó.
Phía Belarus chưa có phản hồi chính thức về những cáo buộc nói trên.
Theo ông Praga, 19.000 người di cư đã tìm cách vào Ba Lan từ Belarus chỉ trong năm nay, so với 16.000 người trong cả năm 2022.
Một cuộc khủng hoảng vượt biên trước đó bắt đầu vào năm 2021 đã chứng kiến hàng chục nghìn người di cư đã vượt biên hoặc cố gắng vào Ba Lan từ Belarus.
Những người tìm cách vượt biên từ Belarus vào Ba Lan, một điểm trung chuyển để vào EU, đến từ các quốc gia như Afghanistan, Algeria, Bangladesh, Sri Lanka và Syria.
Kể từ năm 2021, Ba Lan đã lắp đặt một hàng rào cao 5,5 mét dọc theo các phần đất liền của biên giới với Belarus.
Nhóm Wagner gây lo ngại
Những tay súng từ nhóm bán quân sự Wagner của Nga đã xuất hiện gần biên giới Belarus trong những tuần gần đây, một diễn biến cũng khiến Litva phải tăng cường an ninh biên giới.
Các chiến binh Wagner đã đến Belarus, đồng minh của Nga, như một phần của thỏa thuận chấm dứt cuộc nổi loạn vũ trang của họ vào cuối tháng 6, cho phép thủ lĩnh Wagner, Yevgeny Prigozhin và các thành viên tham gia nổi loạn thoát khỏi cáo buộc hình sự.
Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki cho biết sự xuất hiện của lực lượng Wagner có thể gây bất ổn tình hình ở sườn phía đông của NATO.
Các nhà lãnh đạo của Litva và Ba Lan cho biết họ đang chuẩn bị tinh thần để đối phó với những hành động khiêu khích tiềm tàng từ Nga và Belarus, hai nước đồng minh mới tổ chức các cuộc diễn tập quân sự ở khu vực Grodno của Belarus.
Vùng Grodno nằm gần Suwalki Gap - một dải đất thưa dân chạy dài 96km dọc theo biên giới Ba Lan-Litva.
Hành lang Suwalki là dải đất "sống còn" kết nối ba quốc gia vùng Baltic là Litva, Latvia và Estonia với phần còn lại của liên minh NATO và ngăn cách Belarus với vùng Kaliningrad của Nga nằm bên Biển Baltic.