Ba Lan khiến Nga gặp nguy hiểm cao độ?

Kiệt Linh |

Mỹ đang tìm cách tăng cường triển khai vũ khí hạt nhân ở trên lãnh thổ Ba Lan như một phần của thỏa thuận “chia sẻ hạt nhân” trong NATO. Động thái này sẽ chỉ làm gia tăng nguy cơ chiến tranh thay vì là biện pháp răn đe.

Đây là lần thứ hai trong vòng chỉ hơn một năm, các Đại sứ Mỹ tại Đức và Ba Lan đã đề cập về vấn đề an ninh của NATO theo cách có thể làm phương hại đến sự đoàn kết của liên minh quân sự Bắc Đại Tây Dương đồng thời đe dọa an ninh Châu Âu bằng cách làm thay đổi cán cân sức mạnh theo cách khiêu khích một cách cao độ đối với Nga, tờ RT của Nga đã bình luận như vậy.

Ông Richard Grenell – Đại sứ Mỹ tại Đức và quyền Giám đốc Cơ quan Tình báo Quốc gia Mỹ, đã đề cập trở lại vấn đề bằng một bài viết trên báo Die Welt của Đức, trong đó chỉ trích các chính khách trong liên minh cầm quyền của Thủ tướng Angela Merkel về việc công khai kêu gọi Mỹ rút vũ khí hạt nhân ra khỏi lãnh thổ nước Đức.

Sau đó, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher đã “đổ thêm dầu vào lửa” bằng phát biểu: “Nếu Đức muốn giảm năng lực hạt nhân và làm suy yếu NATO, có lẽ Ba Lan – nước luôn sòng phẳng, hiểu được về các nguy cơ và đang nằm trên sườn phía đông của NATO – có thể sẽ tiếp nhận những năng lực đó”. Phát biểu của bà Georgette Mosbacher ám chỉ Ba Lan sẵn sàng thay thế Đức để đón nhận các vũ khí hạt nhân của Mỹ.

Mỹ hiện đang triển khai khoảng 20 quả bom hạt nhân B-61 trên lãnh thổ nước Đức. Số bom này sẽ được trang bị cho các máy bay Đức trong trường hợp có chiến tranh. Kể từ năm 1979, Đức đã duy trì một lực lượng chiến đấu cơ Tornado để thực hiện nhiệm vụ chia sẻ hạt nhân trong NATO.

Theo RT, nếu NATO thực sự triển khai vũ khí hạt nhân trên lãnh thổ Ba Lan như một phần của thỏa thuận chia sẻ hạt nhân được sửa đổi, mối đe dọa với Nga sẽ lớn đến mức không thể chấp nhận được – mỗi lần một máy bay ném bom của Ba Lan xuất kích đều được xem là một mối đe dọa tiềm năng, buộc Nga phải tăng cấp độ cảnh báo dọc biên giới phía tây của nước này cũng như tăng cường năng lực vô hiệu hóa một cách nhanh chóng những mối đe dọa như vậy nếu một cuộc chiến tranh nổ ra.

Viễn cảnh trên chắc chắn sẽ khiến Nga cực kỳ lo ngại. Moscow sẽ tìm kiếm các biện pháp để đối phó với tình huống nếu nó trở thành hiện thực.

Việc Ba Lan có thể sẵn sàng thay thế Đức trở thành địa điểm triển khai vũ khí hạt nhân của Mỹ là diễn biến mới nhất trong hàng loạt bước đi mà nước này thực hiện nhằm chống lại Nga trong những năm gần đây.

Ba Lan là một nước thành viên NATO nằm gần với Nga và Ukraine. Ba Lan là một trong những nước Đông Âu hàng đầu có lập trường thân phương Tây và xa rời Nga. Ba Lan luôn mong muốn và kêu gọi NATO tăng cường sự hiện diện quân sự tại nước này để đối phó với Nga.

Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine trong những năm vừa qua, Ba Lan đã thể hiện thái độ phản đối Nga mạnh mẽ, cáo buộc Nga can thiệp vào tình hình xáo trộn ở nước láng giềng và thường xuyên kêu gọi phương Tây trừng phạt Nga.

Ba Lan là nước được Mỹ và NATO chọn làm nơi lắp đặt các bộ phận trong hệ thống phòng thủ tên lửa được cho là nhằm vào Nga. Ba Lan cũng là nơi thường xuyên diễn ra các cuộc tập trận của Mỹ và NATO. Chưa hết, Ba Lan còn từng công khai tuyên bố, nước này đang đàm phán với Mỹ về khả năng đưa “kho vũ khí hạng nặng” của Washington đến đặt trên đất Ba Lan.

Có thể nói, trong thời gian qua, Ba Lan đã thể hiện lập trường cứng rắn hơn nhiều quốc gia Châu Âu khác trong việc phản ứng với “sự can thiệp” của Nga vào Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại