Hội nghị An ninh Munich bao gồm 28 quốc gia thành viên EU, đã thảo luận về ý tưởng thành lập quân đội châu Âu do Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đề xuất vào năm ngoái, nhằm bảo vệ châu Âu khỏi Nga, Trung Quốc và "thậm chí cả Mỹ".
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Jean-Claude Juncker cũng đã bày tỏ quan điểm đồng thuận, đảm bảo rằng một quân đội đích thực của châu Âu sẽ giúp giữ gìn hòa bình trong lòng lục địa già, Russia Today đưa tin.
Tuy nhiên, hiện tại nội bộ EU vẫn chưa thống nhất trước ý kiến trên. Áo và Hà Lan vẫn chưa hoàn toàn đồng thuận với ông Macron. Đáng chú ý, Ba Lan đã thẳng thừng bác bỏ đề xuất của ông chủ điện Elysee.
Ngoại trưởng Ba Lan Jacek Czaputowicz không ngần ngại bảo vệ sự hiện diện quân sự của Mỹ tại châu Âu là yếu tố then chốt để "ngăn ngừa các mối đe dọa tại khu vực Đông Âu". Đại diện Ba Lan cũng đánh giá vai trò của Anh trong lĩnh vực chính trị và an ninh của EU vô cùng quan trọng, với vị thế là một trong năm quốc gia thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Nhằm bảo vệ an ninh trước "mối đe dọa" từ phía Nga, Ba Lan đã không ngừng tăng cường quan hệ với Mỹ. Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda đã phê duyệt khoản kinh phí lên đến 2 tỷ USD để duy trì một căn cứ sư đoàn xe bọc thép Mỹ có tên "Fort Trump".
Mới đây, Warsaw đã ký kết hợp đồng trị giá 414 triệu USD để trang bị hệ thống vũ khí M142 HIMARS , có thể phóng rocket và tên lửa chiến lược với tầm bắn lên đến 480 km. Moscow đã lên tiếng cáo buộc Warsaw gây căng thẳng, đồng thời cảnh báo hành động này có thể gây hậu quả nghiêm trọng tới toàn châu Âu.