Bà Hứa Thị Phấn qua đời, trách nhiệm bồi thường nghìn tỷ đồng xử lý thế nào?

Nguyễn Văn Duẩn |

Bị án Hứa Thị Phấn qua đời, vấn đề tiếp theo là số tiền bồi thường còn lại trong phần trách nhiệm dân sự sẽ được xử lý thế nào?

Bị án Hứa Thị Phấn qua đời, vấn đề tiếp theo là số tiền bồi thường còn lại trong phần trách nhiệm dân sự sẽ được xử lý thế nào? Ai sẽ phải trả thay bị án này?

“Bà trùm” của các đại án

Bị án Hứa Thị Phấn (SN 1947), cựu cố vấn cấp cao HĐQT Ngân hàng Đại Tín - TrustBank đã qua đời vào trưa 13/2. Được biết, bị án Phấn qua đời khi đang điều trị tại một bệnh viện tư ở Quận 7, TPHCM.

Bà Hứa Thị Phấn quê quán tại tỉnh Đồng Tháp, nguyên là Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần đầu tư và phát triển Phú Mỹ. Năm 2007, bà Hứa Thị Phấn đại diện cho công ty trên cùng người thân mua 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín (tương đương 2.500 tỷ đồng) và giữ chức vụ cố vấn cấp cao HĐQT của ngân hàng này.

Dù giữ chức vụ cố vấn của Ngân hàng Đại Tín nhưng bà Hứa Thị Phấn lại là cổ đông sở hữu 85% cổ phần và là người đứng sau điều hành toàn bộ hoạt động của Ngân hàng Đại Tín. Năm 2012, bà Hứa Thị Phấn tham gia HĐQT Tập đoàn SSG và rút khỏi HĐQT SSG vào năm 2016.

Bà Hứa Thị Phấn sau đó là bị can, bị cáo liên quan đến 2 vụ án lớn xảy ra tại Ngân hàng Đại Tín. Trong vụ án thứ nhất, bà Hứa Thị Phấn đã thông qua nhiều người chỉ đạo Công ty TrustAsset (thuộc Ngân hàng Đại Tín, không có chức năng thẩm định giá) thẩm định giá, nâng khống giá trị căn nhà số 5 Phạm Ngọc Thạch thuộc sở hữu cá nhân lên 1.268 tỷ đồng (cao gấp 8 lần giá thị trường).

Bà Hứa Thị Phấn còn chỉ đạo việc mua bán lòng vòng căn nhà, sau đó bán cho Ngân hàng Đại Tín, chiếm đoạt và gây thiệt hại hơn 1.105 tỷ đồng của ngân hàng này.

Ngoài ra, bà Hứa Thị Phấn còn bị truy tố về hành vi cố ý làm trái vì hạch toán thu chi khống, vi phạm các quy định của pháp luật. Tổng số tiền bà Phấn chỉ đạo thu khống để sử dụng bất hợp pháp hơn 5.256 tỷ đồng.

Ngày 31/5/2018, TAND TPHCM đã xét xử sơ thẩm và tuyên phạt bà Hứa Thị Phấn 30 năm tù về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản và tội Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng.

Phần trách nhiệm dân sự, tòa cũng tuyên bị cáo là nữ đại gia lừng lẫy một thời này phải bồi thường thiệt hại gần 16.000 tỷ đồng cho Ngân hàng Đại Tín. Bà Hứa Thị Phấn sau đó đã kháng cáo nhưng cũng không được cấp phúc thẩm chấp thuận.

Ở vụ án thứ 2, ngày 22/11/2019, TAND TPHCM tuyên phạt bị cáo Hứa Thị Phấn với mức án 20 năm tù. Vụ án này có liên quan đến thiệt hại 1.338 tỷ đồng tại Ngân hàng Đại Tín. Bà Hứa Thị Phấn cùng 5 bị cáo khác đều bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Sau phiên tòa, bị cáo Phấn đã kháng cáo.

Ngày 25/8/2020, TAND Cấp cao tại TPHCM đã tuyên án phúc thẩm đối với bị cáo Hứa Thị Phấn và đồng phạm. Theo đó, HĐXX đã bác kháng cáo xin giảm án đối với bà Hứa Thị Phấn. Tòa nhận định bị cáo Phấn là chủ mưu, người đưa ra chủ trương thực hiện các hành vi trái pháp luật.

Bị cáo lợi dụng việc nắm giữ gần 85% cổ phần của Ngân hàng Đại Tín để thâu tóm, lũng đoạn hoạt động của Ngân hàng Đại Tín, gây thiệt hại cho ngân hàng này hơn 1.338 tỷ đồng.

Bà Hứa Thị Phấn bị tuyên án tổng cộng 30 năm tù (mức án cao nhất của hình phạt có thời hạn) cho các vụ án. Bị án này phải chịu trách nhiệm bồi thường hơn 16.791 tỷ đồng. Bị án Phấn sau đó được tạm hoãn thi hành án do bị mất 93% sức khỏe rồi qua đời khi đang điều trị bệnh.

Hơn 9.700 tỷ thu hồi thế nào?

Về trách nhiệm bồi thường với những thiệt hại do bà Hứa Thị Phấn gây ra, tại cuộc họp báo thường kỳ diễn ra cuối năm 2022, ông Nguyễn Thắng Lợi (Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự, Bộ Tư pháp) cho biết cơ quan chức năng đã tổ chức thi hành được gần 7.000 tỷ đồng và còn phải thi hành trên 9.700 tỷ đồng nữa nhưng đang gặp khó khăn, vướng mắc trong quá trình xử lý tài sản kê biên.

Xoay quanh nội dung này, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho biết, về trách nhiệm hình sự, khi bị án Phấn qua đời, phần còn lại của bản án hình sự sẽ bị đình chỉ thi hành. Đối với phần trách nhiệm dân sự có thể vẫn được thực hiện đối với phần di sản do bị án Phấn để lại (nếu có).

“Theo Luật thi hành án hình sự Việt Nam, chỉ có người còn sống mới phải chấp hành hình phạt. Trong trường hợp người phải thi hành án hình sự tử vong, bản án đó sẽ bị đình chỉ thi hành”, Luật sư Cường cho biết.

Về trách nhiệm bồi thường của bị án Phấn, luật sư Cường phân tích, theo quy định của pháp luật, người bị kết án còn có thể phải bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả do hành vi phạm tội gây ra.

Bởi vậy, đối với các tài sản do phạm tội mà có hoặc tài sản của bị án Phấn đã bị cơ quan tiến hành tố tụng kê biên sẽ tiếp tục xử lý theo quy định của Luật Thi hành án.

“Về nguyên tắc, khi một người chết đi có để lại di sản thì di sản đó sẽ thuộc về những người thừa kế, đồng thời những người thừa kế có trách nhiệm phải thanh toán nghĩa vụ do người chết để lại”, luật sư Cường cho hay.

Trao đổi với Báo GD&TĐ, các chuyên gia pháp lý chung quan điểm rằng: Khi bị án Hứa Thị Phấn qua đời mà để lại tài sản, giá trị tài sản đó sẽ được thanh toán để thực hiện các nghĩa vụ trả nợ, nghĩa vụ đối với bản án đã có hiệu lực pháp luật về phần bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả.

Sau khi thực hiện hết nghĩa vụ mà vẫn còn tài sản mới chia cho những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại