Chúng tôi có mặt ở lớp học của bà Nguyễn Thị Thông (xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa), người được bà con nơi đây gọi với cái tên thân thương là bà giáo già xứ biển, khi miền Bắc đã đón thêm những đợt rét thứ hai.
Khoác thêm hai lớp áo mỏng, bà giáo già chậm rãi đón từng em học trò mới vào lớp.
“Hôm nay lớp học có thêm anh học trò rất già, mà chắc là già nhất rồi đó. Ông già nhặt ve chai ngoài biển mới xin tôi đi học bổ túc vài bữa trước, hôm nay nhập học” - bà giáo Thông nói.
Mở lớp miễn phí
Gần 7 giờ sáng, lớp học bắt đầu với chín thành viên. Đủ mọi lứa tuổi, tám, 11, 17 tuổi, thậm chí cả “em học trò” nay đã tròn 45 tuổi cắp sách đi học.
Thế nhưng tất cả đều bắt đầu từ một cuốn giáo án, từ cùng một bài học vỡ lòng đến bài toán phép cộng hai chữ số.
Mọi người đều nghiêm túc lắng nghe bà giáo già hướng dẫn đọc, viết cho đến khi bà giáo “gõ trống” tự chế báo hiệu tan lớp.
Gắn bó với nghiệp gieo trồng con chữ từ năm 1966, sau khi tốt nghiệp trường sư phạm, bà giáo Thông về dạy tại Trường Tiểu học Đa Lộc (huyện Hậu Lộc).
Năm 1987, bà đảm nhiệm chức hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngư Lộc 2. Đến năm 2001, sau khi về hưu, bà quyết định mở lớp học tình thương tại nhà.
“Nghỉ hưu gần được bốn tháng, tôi nhớ nghề, nhớ mùi phấn, nhớ tiếng “o, a” của học trò quá không chịu nổi.
Lâu nay tôi biết được người dân ở đây còn quá nghèo nên nảy ra ý tưởng mở lớp học tình thương cho người dân, khuyến khích các em học trò khuyết tật, học trò nghèo được đến lớp” - bà giáo Thông kể lại.
Nhớ lại những ngày đầu gõ cửa từng nhà để vận động người dân cho con đi học, khó khăn lắm bà mới tập hợp được 16 em, trong đó có tám em mồ côi.
“Ngày đó bao nhiêu là khó khăn chồng chất, phải dùng cửa làm bàn, ghép ba, bốn em vào một chiếc ghế chật chội, nhìn rất thương nhưng thấy các em hào hứng học nên tôi phải củng cố tinh thần cho mình và các em cũng cố gắng” - bà giáo Thông nói tiếp.
Trải qua khó khăn một thời gian ngắn, bà nhận được sự đồng lòng rất lớn từ UBND xã Ngư Lộc cũng như dân làng vùng biển nên lớp học phần nào bớt khó khăn.
Bàn ghế đã chỉn chu, phấn viết đã đầy đủ hơn và đối với bà đó là điều vô cùng quý giá.
Đến nay lớp học miễn phí của bà giáo Thông đã góp phần xóa mù chữ cho hơn 100 phụ nữ, đồng thời đưa được khoảng 300 học sinh nghèo, khuyết tật tìm đến con đường mới nhờ con chữ bà Thông dạy dỗ.
Tiếng lành đồn xa
Hơn 16 năm dạy học miễn phí, bà giáo Thông dù tuổi đã cao, mắt có mờ nhưng bằng hết sức của mình bà vẫn mang con chữ cho các học trò nghèo.
Bên cạnh dạy học miễn phí cho hàng trăm học trò nghèo bậc tiểu học tại lớp tình thương, bà còn đến từng nhà vận động những người trưởng thành tham gia học lớp xóa mù chữ vào buổi tối, có những người dân độ 30 đến 45 tuổi vẫn đến lớp tìm con chữ.
Tháng 11-2017 bà Nguyễn Thị Thông được vinh danh tại hạng mục giải thưởng Sống đẹp nhân 15 năm giải thưởng Kova: Tự hào người Việt Nam.
Đây là giải thưởng thường niên uy tín do cựu Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình và PGS-TS Nguyễn Thị Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Sơn Kova, sáng lập vào năm 2002.
Với số tiền từ giải thưởng bà Thông đã trích ra gần như toàn bộ để hỗ trợ học trò của mình mua sách vở, quần áo mới đến trường.
Có lẽ với bà giáo Thông, thành công nhất là đào tạo cô học trò khó khăn Bùi Thị Xuyến. Bà kể, Xuyến khuyết tật khuôn mặt, hai tay lại không có ngón nên đến năm 14 tuổi cũng chỉ lầm lũi theo mẹ ra biển nhặt ngao.
“Mãi đến năm 2006, sau nhiều lần thuyết phục gia đình, Xuyến mới được đến lớp học của tôi. Người ta học mỗi ngày một chữ thì em này phải mất đến ba, bốn ngày vì bàn tay không thể cầm bút.
Hướng dẫn mãi, cầm nắm mãi em mới viết được những nét cơ bản nhất. Được cái em Xuyến tiếp thu rất nhanh, dần dần quen với bút và bây giờ viết chữ rất đẹp.
Em theo học xong chương trình tiểu học, đến cấp II, cấp III theo khóa bổ túc. Đến nay thành tài rồi, là cô giáo tiểu học ở ngoài tỉnh, tháng nào cũng về ghé qua đây phụ tôi dạy học” - bà giáo Thông tự hào kể lại.
Tiếng lành đồn xa, không chỉ được nhiều người ở xã biết đến mà cả huyện Hậu Lộc dường như hỏi ai cũng biết bà giáo Thông mở lớp dạy học miễn phí.
Ngay trên đường ra ghé quán nước ở Hậu Lộc về lại Hà Nội, chúng tôi bất ngờ gặp bà Phạm Thị Nở, mẹ của ba học sinh nghèo được bà Thông dạy dỗ suốt nhiều năm qua.
“Chúng tôi mang ơn bà giáo Thông đến hết cả đời, trả không biết bao giờ mới trọn hết tình, hết nghĩa. Từ ngày chồng tôi gặp nạn trên biển rồi chết, tôi bươn chải nuôi ba anh em nó trong túng quẫn, khó khăn.
May nhờ trời đâu cho bà giáo Thông tốt bụng, tận tâm dạy dỗ các cháu lớn khôn, biết được con chữ để rồi nay đi làm kiếm tiền chân chính bằng sức lực của mình.
Chúng tôi chưa có sức đền đáp ơn của bà, chỉ mong bà có nhiều sức khỏe thôi” - bà Nở xúc động.
Việc làm bình dị của cô giáo Thông mang tính nhân văn rất cao, giúp hàng trăm học trò nghèo địa phương được học hết bậc tiểu học, có điều kiện tiếp cận với kiến thức phổ thông để vững bước vào đời.
Sự đóng góp tận tâm của cô đối với sự nghiệp giáo dục xã nhà thật đáng trân trọng.
Chúng tôi biết cô vẫn hay trích tiền lương hưu, cộng với sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm để may cho mỗi em học sinh một bộ quần áo mới vào dịp lễ, Tết. Cô làm không vì thứ gì mà vì tình yêu với học trò.
Ông NGUYỄN VĂN NGỮ, Chủ tịch UBND xã Ngư Lộc, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa