'Bà đồng nát' xương thủy tinh 32 tuổi: 'Tôi có nhiều người yêu lắm!'

Phương Anh |

Dù có thân hình chỉ bằng em bé 4 tuổi nhưng “bà đồng nát” Ngọc Tâm khiến nhiều người cảm phục và yêu mến bởi sự lạc quan, hài hước.

Sống ở tuổi “thượng thọ”

Nguyễn Thị Ngọc Tâm, ở huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định, từng bị bác sĩ chẩn đoán “chỉ sống đến tuổi 30”, vì căn bệnh xương thủy tinh. Hiện chị đã 32 tuổi, tiến đến ngưỡng “thượng thọ”, với cơ thể chưa đầy 15 kg và nhiều bệnh tật.

“Nói về xương thủy tinh chắc ai cũng biết nó đáng sợ thế nào, số lần gãy xương nhiều gấp vài lần số tuổi. Lục phủ ngũ tạng cũng vì thế mà hỏng cả. Thế nhưng, hỏng là việc của nó, còn cố gắng nỗ lực là việc của mình”, chị Tâm nói với giọng bình thản.

Tâm nhớ lần gần nhất bị gãy xương cách đây khoảng 2-3 năm, khi trượt khỏi ghế. Chiếc xương đùi bên phải gãy làm đôi, khiến chị nhập viện bó bột và theo dõi 2 tháng. Có lần vừa bó bột xong, đang ra về thì lại gãy tiếp. Một lần khác, Tâm đang ngồi trên sàn nhà, vừa đưa tay ra trước lấy đồ thì xương lại gãy. Nhiều lúc bị gãy mà chị không hiểu tại sao.

Bà đồng nát xương thủy tinh 32 tuổi: Tôi có nhiều người yêu lắm! - Ảnh 1.

Ngọc Tâm vẫn lạc quan, vui vẻ dù số lần gãy xương nhiều như cơm bữa.

“Người bình thường đứt tay một chút là kêu đau, nhưng tôi không muốn kêu. Chẳng phải tôi không biết đau là gì, mà vì nó đau quá nhiều nên chai sạn. Đôi lúc tôi tự nhủ: mạnh mẽ không phải tự nhiên có, mà do vượt khó tạo nên”, Ngọc Tâm chia sẻ.

Từ nhỏ, chị Tâm đã học cách đương đầu với hiện thực, coi những khác biệt của bản thân như điểm đặc biệt tạo hóa dành cho mình. Ngay cả khi đau yếu nhất, chị cũng bình thản nói “tất cả đều vượt qua được, nó khiến mình mạnh mẽ và biết trân quý cuộc sống hơn”.

Với những suy nghĩ tích cực, Tâm thấy cuộc đời nhẹ nhàng và bình yên hơn. Cô tìm cách khiến mình hạnh phúc như làm thơ, dạy học, hay tham gia các hoạt động xã hội,... ngay cả khi "thần chết" đang giơ lưỡi hái đe dọa.

“Tôi không quan trọng việc mình sống được bao lâu, quan trọng là sống sâu và ý nghĩa như thế nào. Buồn hay vui thì cũng phải sống, tại sao không lạc quan lên”, cô nói.

“Bà đồng nát” hạnh phúc

Bỏ qua bệnh tật, Tâm sống như không có ngày mai. Chị duy trì lớp dạy kèm miễn phí cho học sinh cấp 1, cấp 2, suốt 18 năm nay (kể từ năm 2004). Ngoài ra, chị còn hoạt động với vai trò Ủy viên Ban thường vụ Hội người khuyết tật tỉnh Nam Định, Chủ nhiệm CLB Thanh niên khuyết tật của tỉnh. Chị tự gọi mình là “bà đồng nát” vì việc gì cũng muốn làm.

Tâm cố gắng làm việc mỗi ngày, thậm chí khung giờ làm việc còn gắt gao hơn nhân viên nhà nước. Những ngày trong tuần, chị làm việc của Hội từ 7h sáng đến 11:30 trưa, buổi chiều từ 2h - 5:30, nhiều hôm chị tự học thêm đến 10-11h đêm. Ngày cuối tuần, chị dạy cho các em học sinh ở lớp học “5 Không”: Không phấn, không bảng, không bục giảng, không giáo án, không học phí.

Bà đồng nát xương thủy tinh 32 tuổi: Tôi có nhiều người yêu lắm! - Ảnh 2.

Lớp học 5 Không của "bà đồng nát" Ngọc Tâm.

“Mình nghĩ con người nếu muốn cuộc sống tốt hơn, trưởng thành hơn thì phải có mục tiêu, mục đích và có hướng đi cụ thể. Kỷ luật là sức mạnh. Mình phải nghiêm khắc với bản thân trước thì mới có thể làm cái khác lớn hơn.

Nếu hôm nay chỉ làm 2 tiếng, mai 1 tiếng thì sẽ không đến đích nhanh được bằng người làm việc 8-9 tiếng/ngày. Có thể mọi người còn nhiều thời gian để trì hoãn nhưng thời gian của tôi chỉ có hạn thôi, tôi không dám lãng phí”, Tâm nói.

Phần lớn thời gian Tâm dành cho công việc và cộng đồng nên chị cũng nhận lại được nhiều tình yêu thương của mọi người. Chị kể mình yêu rất nhiều người và cũng có rất nhiều người yêu, đó là ông bà, bố mẹ, các em học sinh và bạn bè. Họ là những người cho chị niềm hạnh phúc.

“Hạnh phúc không có định nghĩa rõ ràng hay chi tiết như công thức toán học. Đó chỉ là những điều nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống. Các em học sinh tiến bộ cũng là hạnh phúc của mình. Thấy bố mẹ mạnh khỏe, cả gia đình quây quần bên nhau ăn bữa cơm tối cũng là hạnh phúc vì không phải ai cũng được như vậy. Đơn giản nhất, việc được sinh ra và sống trên đời này cũng là một điều may mắn và hạnh phúc. Tất cả do cách nghĩ của mình thôi”, cô gái xương thủy tinh chia sẻ.

Bà đồng nát xương thủy tinh 32 tuổi: Tôi có nhiều người yêu lắm! - Ảnh 3.

Tâm tìm kiếm hạnh phúc từ những điều nhỏ nhặt xung quanh.

Nói về hạnh phúc lứa đôi, Ngọc Tâm cho rằng đó là điều xa vời, chị cũng chưa bao giờ đặt nó làm tiêu chí ưu tiên hàng đầu trong cuộc sống. Tâm cho rằng, nếu cứ mải đi tìm hạnh phúc ở nơi xa thì sẽ đánh mất hiện tại và điều tích cực.

“Tôi thấy một hay hai mình cũng được, miễn ta sống tử tế và hạnh phúc. Nếu hai mình mà không hạnh phúc thì một mình sẽ tốt hơn. Tôi biết cuộc sống của mình có thể chấm dứt bất cứ lúc nào nên tôi muốn dành những ngày mình còn sống để làm điều có ích, ít nhất là cho mọi người xung quanh, cho các em học sinh và cộng đồng người khuyết tật. Có những việc nếu hôm nay không làm thì chưa chắc ngày mai sẽ làm được”, Tâm chia sẻ và cho biết phần lớn mọi hoạt động của cô đều nhờ sự hỗ trợ của cha mẹ.

Lấy động lực từ sự hy sinh của bố mẹ

Trước đây, bố mẹ cô cùng công tác tại một trường cao đẳng ở Nam Định. Sau khi sinh Tâm, mẹ cô phải tạm dừng công việc, trở về làm “một người nông dân thực thụ”, dành thời gian chăm sóc con cái.

Dù gia đình không mấy khá giả, nhưng trước mỗi dự định của Tâm, bố mẹ cô đều ủng hộ hết sức: “Nếu con thấy đủ sức khỏe và thực sự muốn làm thì bố mẹ sẽ hỗ trợ”, bố cô nói. Tâm kể, khi lớp học “5 Không” đón học sinh, bố mẹ cô trở thành “nhà tài trợ lớn nhất”.

“Bố mẹ tôi chưa bao giờ đong đếm hay tính toán số tiền đã bỏ ra cho lớp học suốt 18 năm qua. Có thể vì suy nghĩ hiện đại nên cả hai người đều nhiệt tình hỗ trợ, từ kê bàn ghế đến những món quà nhỏ cho học sinh mỗi dịp kết thúc năm học”, Tâm cho hay.

Bà đồng nát xương thủy tinh 32 tuổi: Tôi có nhiều người yêu lắm! - Ảnh 4.

Mẹ của Ngọc Tâm cùng cô đi công tác ở Hà Nội.

Mẹ Tâm là người đồng hành cùng cô đi các chuyến hành trình từ Bắc vào Nam để tham gia các hoạt động xã hội. Nếu không có mẹ, Tâm cũng không có cơ hội được tham gia các buổi tập huấn nâng cao năng lực hay các buổi truyền cảm hứng cho học sinh khuyết tật.

“Bố mẹ hy sinh cả cuộc đời vì tôi. Họ cố gắng chăm sóc, nâng đỡ một người con bệnh tật. Đó là động lực để tôi nỗ lực vươn lên. Nếu cứ bi lụy hay nghĩ tiêu cực thì sẽ làm phí hoài công sức của mọi người”, Tâm xúc động.

Những đêm thức khuya, Tâm nghĩ về ngày tháng cùng bố mẹ vượt qua khó khăn. Cô viết những vần thơ đầy cảm xúc về cha mẹ, về lớp học và về cuộc đời. Nhiều bài trong số đó được phổ thành bài hát, như bài “Mẹ của tôi”, “Lớp học của tôi”, do nhạc sĩ Trần Viết Bính, người phổ nhạc bài hát “Hạt gạo làng ta”, và một số nhạc sĩ khác thực hiện.

Bà đồng nát xương thủy tinh 32 tuổi: Tôi có nhiều người yêu lắm! - Ảnh 5.

Một bài thơ Ngọc Tâm viết về mẹ.

Một số thành tích của Nguyễn Thị Ngọc Tâm:

- Top 5 nhân vật được vinh danh "Sống Đẹp" do báo Thanh Niên tổ chức.

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Lao Động, Thương Binh Và Xã Hội: "Đã có thành tích xuất sắc vượt khó vươn lên trong học tập, lao động giai đoạn 2016 — 2020".

- Là 1 trong 64 gương thanh niên khuyết tật tiêu biểu của chương trình "Toả sáng nghị lực Việt" 2020 (Bằng khen của Ủy ban Trung ương Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam).

- Là 1 trong 10 cá nhân nhận Giải thưởng Tình nguyện Quốc gia 2020 (Bằng khen của Ban chấp hành trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh).

- Thành tích xuất sắc trong công tác khuyến học, khuyến tài của Hội khuyến học huyện Ý Yên (2 năm liền) và tỉnh Nam Định.

- Giải thưởng Thanh niên kiến tạo năm 2019; Giải khuyến khích cuộc thi viết Tôi Tình Nguyện 2019 của Hội Chữ Thập Đỏ Việt Nam.

- Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Ý Yên: "Đã có nhiều thành tích trong công tác Hội người khuyết tật giai đoạn 5 năm".

- Bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định: "Đã có thành tích xuất sắc tiêu biểu trong phong trào thị đua, góp phần thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh giai đoạn 2015 - 2020".

- Danh hiệu thanh niên tiêu biểu nhiệm kỳ 2017-2022 tỉnh Nam Định.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại