Kỷ niệm gắn với Mã Pì Lèng của chủ nhân Panorama
Bà Vũ Ngọc Ánh (chủ đầu tư Mã Pì Lèng Panorama) kể với PV, bà sinh năm 1962, quê gốc ở Đoàn Tùng, huyện Thanh Miện, tỉnh Hải Dương.
Bà cùng cha mẹ di dân lên tỉnh Hà Giang theo chính sách của nhà nước đi xây dựng vùng kinh tế mới từ khi còn nhỏ tuổi, nay cha đã mất, mẹ bà đã ngoài 90 tuổi đang sống cùng người em ruột.
Bà Ánh không phải là cán bộ công nhân viên chức. Trước đây, bà làm nghề cắt may, rồi buôn bán kinh doanh ngay tại thành phố Hà Giang. Bà khẳng định đằng sau không có ai chống lưng, cũng không quen một ‘ông to, bà lớn’ nào, bà tự đứng lên bằng hai bàn chân của mình nuôi ba đứa con trai khôn lớn.
Nhìn từ ban công Panorama xuống sông Nho Quế.
Kể về kỷ niệm với Mã Pì Lèng, bà Ánh chia sẻ trước đây có em trai đi bộ đội, vì ốm đau nên bà cùng cha đi bộ lặn lội từ thành phố Hà Giang lên thăm nom, đưa thuốc thang.
Khi quay về, vì đường xa, quá mệt mỏi đã khiến bà ốm, sốt, đổ gục trên đèo. Ngày ấy, khu vực này đất khô cằn, người cha phải chui vào rừng chặt cây chuối ép lấy nước nhưng quá chát, không thể uống. Lúc kiệt sức thì may mắn hai cha con gặp một chiến sĩ bộ đội đi ngang qua giúp đỡ.
Hơn 10 năm trước, bà Ánh quyết định mua mảnh đất ngay tại hẻm Tu Sản của một người dân bản địa với giá 70 triệu - đây cũng là nơi bà từng đổ gục vì trận ốm "thập tử nhất sinh" khi lên thăm em trai năm xưa.
Bà nói, mua mảnh đất đất ở cái sông Nho Quế này cũng vô tình, vì nó gắn liền với kỷ niệm về người cha, đứa em đã khuất. Khi mới mua khu vực còn chưa được coi là công viên đại chất, chưa có cảnh quan gì, nó chỉ là mỏm đá hoang.
Bà Ánh cho rằng công trình tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ Panorama góp phần thay đổi cuộc sống người dân khu vực.
"Công trình Panorama góp phần làm thay đổi cuộc sống người dân"
Lúc mới lên Mã Pì Lèng gây dựng cơ nghiệp, bà Ánh phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi nơi đây là mảnh đất hoang vu, ít người sinh sống, trộm cướp nhiều. Có những ngày bà bị người Mông say rượu lùa chạy khắp nơi.
Người phụ nữ này bày tỏ, vài năm gần đây có đứng ra kêu gọi nhiều nơi quyên góp quần áo từ thiện nên cuộc sống các em học sinh cũng bớt khó khăn hơn. Đã có thời điểm bà cùng bạn bè gùi từng túi gạo, thùng mỳ tôm, gói muối và cá mắm lên các vùng lũ quét, mưa gió để giúp người dân.
Theo bà, cách đây khoảng 6 tháng vào đúng ngày khai trương tổ hợp nhà hàng, nhà nghỉ có nhiều bạn bè đến dự, bà Ánh trực tiếp điện thoại cho người đưa một xe quần áo vào phát từ thiện. "Những việc làm ấy không phải tôi khoe mẽ gì, nó rất đỗi bình thường thôi", bà nói.
Theo lời bà Ánh, cũng từ khi tòa nhà bắt đầu đi vào hoạt động, người dân bản địa mới có thêm chỗ để bán rau, các em người Mông có thêm công ăn việc làm, mấy đứa trẻ có được manh quần, tấm áo.
Bà chủ ví công trình xây dựng như cuộc chạy đua.
Xây công trình như cuộc chạy đua
Đối với công trình xây dựng Mã Pì Lèng Panorama, bà Ánh cho rằng bản thân không hề sai. Khi được "cấp trên" gọi lên trao đổi vì không muốn mất mảnh đất kỷ niệm nên bà huy động tiền từ bạn bè, rồi vay ngân hàng 2 tỷ đầu làm, hiện mỗi tháng phải trả gần 20 triệu đồng tiền lãi.
Từ khi Mã Pì Lèng Panorama bị các trang mạng xã hội đem ra "mổ xẻ", bà Ánh rất lo lắng. "Tại sao phải đóng cửa? Có đáng phải đập, dỡ, phá hay không, có đáng tẩy chay nó không?", bà Ánh hỏi và bày tỏ sự tiếc nuối nếu phải đóng cửa, nhiều người sẽ thất vọng, sẽ buồn vì không được vào ngắm cảnh, có những bức ảnh đẹp mang về.
Khi PV đề cập đến vấn đề Panorama xây dựng có sự "hậu thuẫn" như thế nào từ chính quyền các cấp địa phương, bà Ánh trả lời, họ đã đến đây để xem mình làm có được không, cái gì được, cái gì chưa được là họ bảo dọn dẹp.
"Nói chung là họ hỗ trợ hết mình luôn, lúc ấy phải nghĩ nó như một cuộc chạy thi việt dã, làm sao cho nhanh để kịp tái đánh giá. Tôi thấy rất là tấp nập, các ban ngành cứ nói 'chị ơi cố gắng làm cái này, cố gắng dẹp cái kia cho sạch sẽ, nhiều người bảo thế lắm nhưng tôi không biết ai vào ai, thỉnh thoảng có người đến xem rồi bảo gạch ngói màu này không ổn, sân phải lát thế này'.
Tóm lại là họ hỗ trợ rất nhiều, dù có nghìn tỷ, trăm tỷ cũng không thể bán đứng người đã vì tôi mà giúp cả đường điện về đây, mỗi khi báo có người trộm đường dây là họ đến ngay", bà Ánh nói như vậy.
Khi PV hỏi bà Ánh về nguyện vọng, mong muốn điều gì? Bà cho biết, bản thân mong muốn người dân ở khu vực Mã Pì Lèng sẽ không bị nghèo đi, "nếu tôi phải di chuyển khỏi khu vực thì chắc chắn 100% rằng dân và các em ở đây sẽ đói", bà Ánh khẳng định.
PV hỏi tiếp thế bây giờ làm cách nào để ở lại đây? bà Ánh bảo rằng "thế không ở đây thì phá nhà tôi đi à? Tôi không có giấy phép thì bây giờ hoàn thiện giấy phép, có sao".
Cần truy trách nhiệm chính quyền trong vụ tòa "gai bê tông" trên đèo Mã Pì Lèng
Đó là đề nghị của ông Dương Trung Quốc (ĐBQH khóa 14) khi theo dõi vụ việc liên quan đến công trình 7 tầng trên đèo Mã Pì Lèng.
"Trong vụ việc liên quan đến công trình ở đèo Mã Pì Lèng, tôi cho rằng, việc đầu tiên là phải xem xét, truy rõ trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương.
Ông Ma Quốc Trưởng, Phó Chủ tịch UBND huyện Mèo Vạc thừa nhận, công trình chưa chuyển đổi mục đích sử dụng đất, dự án chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, cũng chưa được cấp phép xây dựng, nó đồng nghĩa với việc đây là công trình xây trái phép.
Trong vụ việc này, từ tầm nhìn cho đến vấn đề thực thi pháp luật nếu làm đúng sẽ đỡ cho dân rất nhiều kể cả những người đã xây sai", ông Quốc nói.
Nhà sử học cho biết thêm, bản thân ông đã đọc một số bài báo viết về vụ việc và thấy các vị lãnh đạo địa phương đều rơi vào tâm thế rất mong muốn thu hút đầu tư.
"Điều đó không sai nhưng mong muốn thu hút đầu tư để rồi bất chấp tất cả quy định của pháp luật trong việc chưa chuyển đổi đất từ mục đích sử dụng đất trồng cây hàng năm sang đất thổ cư, xây dựng, chưa hề có giấy phép xây dựng... là không được và việc gây phản cảm nhất ở đây là thiết kế thi công.
Tôi cho rằng, việc đầu tiên phải xử lý trách nhiệm của cơ quan Nhà nước. Còn người dân luôn mong muốn tìm cái lợi và nếu có sự quản lý tốt của Nhà nước, người dân sẽ tìm được cái lợi phù hợp với lợi ích chung của xã hội.
Rõ ràng, ở đây, người dân có cái lợi nhưng cái lợi này đã gây tác hại xấu tới dư luận xã hội", ông Quốc bày tỏ.
"Tôi có kiểm tra và Cục Di sản (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) đã trả lời chính thức là tòa nhà này không thuộc khu vực khoanh vùng bảo vệ khu vực I và khu vực II của di tích nhưng ở đây, rõ ràng, kiến trúc của công trình đã gây phản cảm.
Cho nên hướng sắp tới, đứng về góc độ thuần túy xây dựng thì vấn đề xây sai phải tháo dỡ cần phải đưa ra.
Nhưng cũng cần tạo ra một kiến trúc nào đó phù hợp nhằm giúp du khách có thể đứng ngắm cảnh mà không ảnh hưởng đến dáng vẻ hoang sơ của khu vực. Vấn đề này tùy thuộc tài của các nhà kiến trúc.
Nếu tìm được một giải pháp kiến trúc tốt thì sẽ vừa có được sản phẩm du lịch để khách đứng ngắm đồng thời, không gây phản cảm về mặt không gian thắng cảnh...", ông Quốc nêu.
Ngăn chặn ngay từ đầu sẽ không có việc như bây giờ
Trả lời báo chí, bà chủ Mã Pì Lèng Panorama Vũ Ngọc Ánh cho rằng, "nếu như công trình bị thu hồi, tôi chỉ còn nước nhảy xuống sông Nho Quế" và "sẽ cho mìn nổ tung"...
Nhìn nhận việc này, ông Dương Trung Quốc nói cá nhân mình không bình luận gì về ý kiến của bà chủ Mã Pì Lèng Panorama. Ông cho rằng người trong cuộc sẽ có những tâm trạng riêng của họ.
"Nhưng rõ ràng, suy cho cùng tâm trạng này chính là trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước. Nếu cơ quan quản lý Nhà nước ngăn chặn ngay từ đầu hay hướng dẫn họ làm cách phù hợp pháp luật chắc sẽ không như bây giờ.
Đây là bài học cho nhà đầu tư khi tưởng vượt qua được nhưng lại bị dư luận xã hội lên án và tạo sức ép mà Nhà nước rất khó bảo vệ được lợi ích của nhà đầu tư...", ông Quốc bày tỏ.