Ba cái khôn ngoan của cuộc sống: Mất mà không tức giận, Được mà không kiêu ngạo, Yên Lặng mà không tranh giành

Như Nguyễn |

Mong rằng rất cả chúng ta đều có thể sống vui vẻ mỗi ngày, ăn ngon ngủ say giấc. Mất đi không tức giận, đời là thế; có được cũng không kiêu ngạo, mỉm cười cho qua; tĩnh lại, không tranh giành, tiêu diêu tự tại sống một đời bình yên.

Trang Tử nói: "Sát hô doanh hư, cố đắc nhi bất hỉ, thất nhi bất ưu, tri phân chi vô thường dã."

Ý muốn nói, vạn vật trên đời, cái gì cũng đều có lên có xuống, được và mất luôn song hành.

Đời người cũng vậy, khi chúng ta cho rằng mình có được cái gì đó, có thể đó cũng chính là lúc ta đang mất đi; khi chúng ta hối tiếc những gì đã mất, đó cũng có thể là lúc chúng ta đã có được một thứ gì đó khác.

Có được mà không quá vui, mất đi cũng không quá buồn, đó mới là điềm tĩnh, mới là khi bạn đã nhìn thấu được cuộc đời.

Người khôn ngoan đều hiểu: mất mà không giận, được mà không kiêu, tĩnh mà không tranh.

01

Mất đi mà không giận dữ, buồn bã

Trong cuốn "Mạnh Tử" có nói: "Dị dật nhi bất oán, ách cùng nhi bất mãn."

Ý muốn nói, gặp khó khăn vất vả không ưu sầu, dù có không được tín nhiệm thì cũng không bực bội.

Cầu thủ bóng rổ người Argentina, Manu Ginóbili, là chủ lực tuyệt đối của đội tuyển quốc gia, có một sức mạnh và thể lực tuyệt vời, nhưng anh lại chỉ là dự bị cho đội San Antonio Spurs cho đến tận khi giải nghệ.

Dự bị, có nghĩa là mất cơ hội xông pha vào trận bóng. Nhưng anh không hề tức giận, thất vọng hay bỏ cuộc mà chọn cách "tận hưởng" việc trở thành một phần của đội.

Manu Ginóbili từng nói trong lễ giải nghệ:

"Chiến thắng không phải là tất cả. Tôi học được nhiều điều hơn từ những trận thua. Không ai sinh ra để biết tất cả mọi thứ. Kinh nghiệm sẽ khiến bạn trưởng thành".

Anh sẵn sàng trở thành dự bị, để sau cùng, đạt được những thành tựu vô cùng to lớn trong sự nghiệp cầu thủ của mình.

Đôi khi, khi đối mặt với những khó khăn, những điều chưa vừa ý, thứ quyết định sự thành bại sắp tới, không phải là năng lực, mà là tâm thái.

Giận dữ, thất vọng vì đánh mất đi cơ hội và vinh quang, không chỉ không khiến bạn giành được sự công nhận, mà còn khiến bạn đánh mất đi phong độ và tầm nhìn.

Beethoven, đã không từ bỏ bản thân hay ước mơ của mình chỉ vì ông không thể nghe thấy âm thanh.

Cuộc đời mỗi người sẽ luôn gặp phải những điều không như ý, thậm chí là bất hạnh và khốn khó, thật không đáng nếu bạn tức giận, chán nản và từ bỏ việc theo đuổi lý tưởng của mình chỉ vì những nghịch cảnh đó.

Tác giả của cuốn sách mang tên "Tất cả đều là sự sắp đặt tuyệt vời nhất" có nói:

"Con người ta thích cảm giác có được, ghét cảm giác mất đi, thực ra, mất đi không phải là điều không thể chấp nhận được, càng đừng xem nó là một thảm họa kinh hoàng, rất nhiều khi, mất đi chính là đang buông bỏ, buông bỏ để chờ đón điều tốt đẹp hơn xảy đến."

Người thực sự lợi hại, họ sớm đã nhìn thấu được cái gọi là được mất, không đắm mình trong quá khứ, không tức giận vì bất công, càng không hối tiếc vì thất bại.

Ba cái khôn ngoan của cuộc sống: Mất mà không tức giận, Được mà không kiêu ngạo, Yên Lặng mà không tranh giành - Ảnh 2.

02

Được mà không kiêu

Cuốn "Đạo đức kinh" nói: "Dĩ kì chung bất tự vi đại, cố năng thành kì đại."

Một người, chỉ khi không cho mình là nhất, không kiêu ngạo, mới có được thành tựu, mới hơn được người khác.

Hàn Tín năm xưa nhờ Tiêu Hà (Thừa tướng nổi tiếng của nhà Hán, có công rất lớn giúp Hán Cao Tổ Lưu Bang xây dựng sự nghiệp trong thời kỳ Hán Sở tranh hùng) tiến cử nên được Lưu Bang trọng dụng, phong là Đại tướng quân.

Trong trận Hán Sở tranh hùng, Hàn Tín đã phát huy hết tài năng quân sự ưu việt của mình. Đánh tới đâu thắng trận tới đó, được Tiêu Hà khen ngợi là "Quốc sỹ vô song", được Lưu Bang đánh giá: "Chiến bất thắng, công bất bại."

Cả đời bách chiến bách thắng, nhưng sau cùng, Hàn Tín lại bại bởi sự tự cao tự đại của mình.

Lưu Bang từng cùng Hàn Tín bàn luận về tài cao thấp của chư vị tướng quân tài năng khác.

Lưu Bang hỏi: "Với tài năng của ta, ta có thể dẫn bao nhiêu binh?"

Hán Tín nói: "Đại Vương có thể dẫn 10 vạn quân."

Lưu bang nói: "Vậy người có thể dẫn được bao nhiêu?"

Hàn Tín đáp: "Thần ư, càng nhiều càng tốt."

Nói về dẫn binh đánh trận, Hàn Tín xem thường Mông Điềm (tướng nhà Tần trong lịch sử Trung Quốc, ông là người có công mở mang bờ cõi phía bắc Trung Quốc và chỉ huy việc xây dựng Vạn Lý Trường Thành thời Tần Thủy Hoàng), nói họ chỉ là "lũ ngốc"; chê cười các công thần khai quốc như Phàn Khoái, Lư Quán; dần dần cũng vì vậy mà đánh mất dần đi uy tín trong lòng quân, sau cùng bị Lã Hậu giết chết.

Cái cốt của người quân tử là không tự cao tự đại, cho mình là nhất. Có công lao không khoe khoang, có năng lực không ngạo mạn, chức cao vọng trọng không kiêu căng, biết nặng biết nhẹ mới là khôn ngoan.

Người thực sự lợi hại luôn che giấu lợi thế của mình một cách khôn ngoan. Đừng đắm chìm trong công trạng, đừng khoe khoang thành tích, đừng kiêu ngạo trong vinh quang.

Ba cái khôn ngoan của cuộc sống: Mất mà không tức giận, Được mà không kiêu ngạo, Yên Lặng mà không tranh giành - Ảnh 4.

03

Tĩnh mà không tranh

Lão Tử nói: "Thiện thiện nhược thủy, thủy thiện lợi nhi bất tranh. Thất duy bất tranh, cố vô ưu."

Khống tranh không giành, mới có thể sống vô tư, không phiền não.

Chua Lam (nhà báo chuyên mục, nhà phê bình ẩm thực và người dẫn chương trình truyền hình không thường xuyên người Singapore có trụ sở tại Hồng Kông) từng kể về trải nghiệm của chính mình rằng:

"Khi tôi ở trên Kepayang Hill, một người dân bản địa cả ngày nướng gà cho tôi ăn, tôi hỏi cô ấy đã từng ăn cá chưa? Cô ấy nói cá là cái gì? Tôi vẽ một con cá cho cô ấy xem, và nói cô chưa từng ăn cá ư, thất đáng tiếc. Cô ấy nói: ‘Tôi chưa từng ăn cá thì có gì mà đáng tiếc?’"

Những thứ mà bạn không có, bạn để tâm tới nó, nghĩa là bỏ lỡ; bạn không quan tâm nó thì cũng chẳng có chuyện gì to tát xảy ra.

Mất đi, chỉ là một khái niệm tương đối, bởi lẽ muốn có được hoặc là không thể có được.

Chua Lam tiên sinh cũng từng gặp một ông lão đánh cá, thấy cá của người khác đều to hơn cá của ông lão, ông mới có ý tốt nói với ông lão:

"Này ông lão, cá ở bên kia to hơn, ông qua đó mà câu."

Ông lão vui vẻ đáp lại: "Tôi chỉ câu cá về ăn trưa thôi."

Những con cá chưa từng được ăn, không phải điều đáng tiếc trong cuộc đời; những con cá tuy nhỏ, nhưng với một bữa trưa, như vậy là đủ. Những thứ chưa từng bước vào cuộc đời thì không thể xem là mất đi, những thứ đang có được ở hiện tại, chính là hạnh phúc.

Bất kể là cô gái ở Kepayang Hill hay ông lão đánh cá, "bất tranh" mới là cảnh giới sống đáng quý nhất. Không tranh lớn nhỏ, không tranh ít nhiều, trông thì có vẻ như là bỏ lỡ, nhưng thực ra lại là đang có lại được sự bình yên và an ổn.

Có câu nói rất hay rằng: "Thế gian tất thảy đều như mộng, nhìn thoáng nhìn xa là phúc nhân."

Chấp niệm với được mất là căn bệnh của rất nhiều người hiện đại. Suy cho cùng, vẫn là chúng ta tham lam, luôn muốn có được nhiều hơn, không chịu thỏa mãn.

Chỉ khi giữ cho mình một cái "độ", biết thỏa mãn, không tham lam, cuộc sống tự nhiên sẽ trở nên nhẹ nhõm, đơn giản và bình yên hơn rất nhiều.

Ba cái khôn ngoan của cuộc sống: Mất mà không tức giận, Được mà không kiêu ngạo, Yên Lặng mà không tranh giành - Ảnh 6.

Có thể được nhìn thấy người yêu thương xung quanh, là hạnh phúc; biết trân trọng họ, là may mắn; dù biết là không có được nhưng vẫn điềm nhiên như không, đó mới là trí tuệ.

Bạn không tranh với người, người cũng chẳng tranh của bạn.

Không so sánh tiền bạc, không hám danh lợi, không so đo được mất. Âm thầm nỗ lực, lặng lẽ trở nên tài giỏi hơn, thứ thuộc về bạn cuối cùng cũng sẽ là của bạn.

Mong rằng rất cả chúng ta đều có thể sống vui vẻ mỗi ngày, ăn ngon ngủ say giấc. Mất đi không tức giận, đời là thế; có được cũng không kiêu ngạo, mỉm cười cho qua; tĩnh lại, không tranh giành, tiêu diêu tự tại sống một đời bình yên.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại