Hiện tại, tình trạng của bà bầu 25 tuổi trên đã ổn định phần nào, 3 kẻ tấn công cũng bị cảnh sát bắt giữ.
Vụ việc này lại một lần nữa gióng hồi chuông cảnh báo cho cư dân Ấn Độ trong bối cảnh tin đồn bắt cóc trẻ em xuất hiện tràn lan ở thủ đô và các thành phố lân cận.
Năm ngoái, cơ quan chức năng đã ghi nhận rất nhiều trường hợp người dân bị đánh đập đến thiệt mạng vì nghi là kẻ bắt cóc.
Trong clip được camera ghi lại, có thể thấy một nhóm người đang bao vây thai phụ trẻ tuổi và luôn miệng buộc tội cô bắt cóc trẻ em.
Không đợi cô gái kịp giải thích, họ lao vào quyền đấm cước đá vô cùng tàn nhẫn. Những vụ bạo hành oan ức như trên xuất hiện nhiều nhất ở miền bắc bang Uttar Pradesh, giáp với Delhi.
Video khởi đầu cho vấn nạn hành hung người vô cớ vì nghi là kẻ bắt cóc.
“Tính đến ngày 29/8, cảnh sát đã nhận được ít nhất 46 báo cáo về việc ẩu đả do nghi án bắt cóc.
Tuy nhiên, chúng tôi không hề tìm được bằng chứng cho thấy những người bị tấn công có dính líu đến nạn buôn bán trẻ em”, Giám đốc Sở cảnh sát OP Singh thông báo trên Twitter.
“Cảnh sát kêu gọi người dân đừng vội nghe theo những tin đồn thất thiệt. Nếu bạn nghi ngờ ai đó là kẻ bắt cóc, hãy liên hệ với chúng tôi qua đường dây nóng hoặc mạng xã hội”.
Bà bầu 25 tuổi không phải là nạn nhân duy nhất bị đánh đập tàn nhẫn trong lúc bụng mang dạ chửa.
Chỉ tính riêng tháng 8, quận Ghaziabad thuộc vùng ngoại ô Delhi đã xuất hiện 6 vụ “án oan” trái khoáy do người dân không tìm hiểu kỹ càng.
Sĩ quan cấp cao Neeraj Jadaun cho biết: “Có một người bà dẫn cháu ra ngoài chơi đã bị cả nhóm người vây đánh.
Chỉ vì màu da của hai bà cháu khác biệt mà họ nghi ngờ bà cụ là kẻ bắt cóc”. Ông bổ sung rằng tất cả những người tham gia vụ bạo hành này đều bị đưa về sở cảnh sát.
Nhiều vụ án bạo hành thai phụ khác cũng xuất phát từ nghi ngờ bắt cóc trẻ em.
Trong khi những vụ hành hung người vô tội ngày một gia tăng về số lượng, khởi nguồn của tình trạng đáng quan ngại trên - tức nạn bắt cóc trẻ em - vẫn là một ẩn số.
Người dân liên tục rỉ tai nhau những câu chuyện trẻ mất tích rùng rợn qua tin nhắn điện thoại hoặc WhatsApp, song cảnh sát cho hay họ không tìm thấy bất kỳ sự cố bắt cóc trẻ em nào liên quan đến những nội dung được chia sẻ trên mạng, đồng thời kêu gọi mọi người phớt lờ tin đồn vô căn cứ.