Khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan, ngày 18/6/2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Bộ trên nêu rõ Azerbaijan luôn để ngỏ đối thoại chính trị và hoan nghênh những cuộc tiếp xúc như vậy.
Về vấn đề này, Azerbaijan đã nhất trí với đề xuất của Chủ tịch Hội đồng châu Âu sắp xếp một cuộc gặp do EU làm trung gian với sự tham gia của lãnh đạo hai nước Azerbaijan và Armenia tại Brussels (Bỉ).
Ngoài ra, Bộ Ngoại giao Azerbaijan cũng bày tỏ tin tưởng cuộc gặp sẽ "tạo ra thêm những cơ hội".
Trước đó, ngày 19/11, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã đề nghị tổ chức một cuộc gặp giữa Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev và Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan tại Brussels vào ngày 15/12, sau khi xung đột tái diễn ở khu vực biên giới giữa hai nước láng giềng trong tuần này.
Ngày 16/11 vừa qua, các cuộc đụng độ kéo dài nhiều giờ ở khu vực biên giới đã gây thương vong cho lực lượng của cả hai bên.
Hai bên cáo buộc lẫn nhau thực hiện các cuộc tấn công khiêu khích. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết 7 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong các vụ đụng độ.
Về phần mình, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo 1 binh sĩ thiệt mạng và 24 người khác mất tích, trong khi có 13 binh sĩ nước này bị lực lượng Azerbaijan bắt giữ. Sau đó, hai bên đã nhất trí ngừng giao tranh tại khu vực biên giới dưới sự trung gian hòa giải của Nga.
Ngày 17/11, Azerbaijan và Armenia xác nhận giao tranh tại khu vực biên giới hai nước đã chấm dứt và tình hình đã ổn định trở lại.
Quan hệ Armenia và Azerbaijan tồn tại căng thẳng liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia.
Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Đến cuối tháng 9/2020, xung đột tái bùng phát tại khu vực trên và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng.
Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian. Tuy nhiên, các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra trong thời gian gần đây.