Sputnik ngày 4/10 dẫn lời Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tuyên bố nước này sẵn sàng đi đến một lệnh ngừng bắn với Armenia nếu Armenia đưa ra thời gian biểu về việc rút quân khỏi Nagorno-Karabakh và các vùng lân cận.
"Chúng tôi đồng ý rằng vấn đề với Armenia nên được giải quyết thông qua đối thoại, nhưng phải có nền tảng cho việc này. Armenia phải tuân thủ các thỏa thuận trước đây, Nagorno-Karabakh đã được công nhận là vùng lãnh thổ Azerbaijan bị chiếm đóng", ông Aliyev nói.
Nhà lãnh đạo Azerbaijan cũng cho rằng Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phải xin lỗi Azerbaijan vì đã "gọi các vùng đất của Azerbaijan bị chiếm đóng là đất của Armenia".
Trong trường hợp yêu cầu không được đáp ứng, Azerbaijan sẽ tiếp tục giao tranh đến khi giành lại Nagorno-Karabakh. Về quan hệ hai nước, Baku sẽ cố gắng bình thường hoá nó sau giai đoạn chiến sự.
Cùng ngày, Bộ Ngoại giao Armenia ra tuyên bố cho hay các yêu cầu của Azerbaijan là không thể chấp nhận được. Phía Yerevan hối thúc Baku từ bỏ sử dụng vũ lực và can dự mang tính xây dựng trong quá trình đàm phán.
Những tuyên bố trên được đưa ra trong bối cảnh cuộc giao tranh giữa hai bên leo thang ra ngoài khu vực tranh cãi Nagorno-Karabakh trong ngày 4/10, gây thiệt hại đáng kể về người và tài sản.
Armenia nói thành phố thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh đã bị Azerbaijan pháo kích làm hàng chục người chết. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Azerbaijan lại cáo buộc lực lượng Armenia đã tấn công thành phố lớn thứ hai của Azerbaijan là Ganja, gây nhiều thương vong.
Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được quốc tế công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Tranh cãi về vùng đất này khiến hai bên lao vào cuộc chiến kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia. Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát khu vực này vào tay lực lượng ly khai thân Armenia.
Sputnik cho hay, theo tuyên bố độc lập của hai phía, 36 dân thường và khoảng 3.600 binh sĩ của cả đã thiệt mạng cùng hàng chục xe tăng, máy bay, trực thăng bị phá huỷ trong đợt giao tranh mới nhất.