Sau khi đề xuất hỗ trợ được chính phủ Tonga chấp thuận, sáng 17/1, quân đội Australia sẽ điều động một chiếc máy bay giám sát P-8 di chuyển vào không phận quốc đảo Thái Bình Dương. Mục đích của chuyến bay là xác định mức độ thiệt hại của hệ thống đường xá, bến cảng và lưới điện để từ đó triển khai các kế hoạch cứu trợ thảm họa và hỗ trợ nhân đạo phù hợp với tình hình thực tế.
Đề xuất hỗ trợ của Australia nằm trong nỗ lực phản ứng phối hợp của nước này với New Zealand để đẩy nhanh các hoạt động hỗ trợ chính phủ và người dân Tonga sau khi xảy ra vụ phun trào núi lửa và kéo theo đó là các đợt sóng thần tấn công vào quốc đảo này cũng như một số quốc gia khác trên khắp Thái Bình Dương.
Tro bụi từ núi lửa bay cao đến 20 km đang bao phủ không phận Tonga và hệ thống thông tin liên lạc đang bị gián đoạn nên chưa thể đánh giá được mức độ thiệt hại.
Trước đó vào chiều thứ Bảy vừa qua (15/1), núi lửa Hung-ga Tonga Hung-ga Ha-pai (Hunga Tonga-Hunga Ha'apai) bất ngờ phun trào đã gây ra sóng thần cao 1,2m tại Tonga và một số quốc gia lân cận cũng ghi nhận những đợt sóng biển cao khoảng 1m, thậm chí tại Chile đã quan sát được những con sóng cao 1,74m.
Vụ phun trào diễn ra trong 8 phút đi kèm với tiếng nổ lớn có thể nghe thấy ở khoảng cách 10.000km. Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ ước tính, vụ phun trào hôm 15/1 tương đương với một trận động đất có cường độ 5,8 độ Richter.
Hiện chưa có đánh giá thực tế về tác động của vụ núi lửa phun trào tại Tonga, nhưng theo các nhà khoa học thì thảm họa thiên nhiên này tiềm ẩn mối nguy hiểm cho sức khỏe của người dân địa phương và có thể là các nước lân cận. Đám mây tro bụi khổng lồ hình thành từ vụ phun trào có thể tạo ra mưa axit, tác động trực tiếp đến sức khỏe của người dân và có thể phá hủy mùa màng./.