Ngày 15/12, chính phủ Australia quyết định công nhận Tây Jerusalem là thủ đô của Israel, song trước mắt sẽ chưa di dời Đại sứ quán tới khu vực này.
Dù đã lựa chọn một “con đường an toàn” tránh làm mất lòng đồng minh Mỹ, lại vừa không phải bội lời hứa của mình với Palestine nhưng quyết định của Australia dường như cũng không thể tránh khỏi những phản ứng trái chiều từ dư luận, nhất là của các nước Arab và Hồi giáo.
Theo Thủ tướng Scott Morriso, Australia công nhận Tây Jerusalem, nơi đặt trụ sở Quốc hội và nhiều thể chế chính phủ, là thủ đô của Israel và Australia sẽ kiên nhẫn chờ đợi cho đến thời điểm thích hợp và quy chế cuối cùng được xác định để chuyển Đại sứ quán.
Theo sự đồng thuận quốc tế được duy trì hàng thập kỷ nay, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải được xác định thông qua đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Nói cách khác, quyết định ngày hôm qua của chính quyền Australia mới chỉ dừng lại ở việc công nhận phần phía Tây của thành phố, nơi mà Israel coi là “thủ đô không thể chia cắt” của mình. Thủ tướng Scott Morriso cũng gắn việc di chuyển đại sứ quán với việc đạt được một thỏa thuận hòa bình giữa Israel và Palestine:
“Australia tin rằng lập trường này phù hợp với cam kết của chúng tôi về một giải pháp hai nhà nước và các nghị quyết liên quan của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc.
Đây là một cách nhìn, một biện pháp cân bằng, củng cố lập trường rõ ràng của chúng tôi rằng, quy chế của Jerusalem chỉ có thể được giải quyết thông qua các cuộc đàm phán trực tiếp giữa các bên liên quan phù hợp với các nghị quyết của Hội đồng Bảo an.”
Tuy nhiên, mong muốn của Thủ tướng Australia Scott Morriso lại là điều rất khó đạt được vào thời điểm hiện nay khi các cuộc đàm phán đang lâm vào bế tắc.
Cuối năm 2017, Mỹ đã công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và như một bước đi biểu tượng, hồi tháng 5/2018 đã quyết định chuyển đại sứ quán từ Tel Aviv tới thành phố này. Kể từ đó, Chính quyền Palestine đã từ chối mọi cuộc tiếp xúc chính trị với Mỹ.
Theo chuyên gia chính trị Daniel Flitton, thuộc Viện Lowy Institute, thông báo của chính phủ Australia dù chủ yếu là mang tính biểu tượng, song lại là một bước ngoặt. Lập trường lâu nay của Australia là, quy chế cuối cùng của Jerusalem phải được giải quyết trong khuôn khổ các cuộc đàm phán hòa bình giữa Israel và Palestine.
Ngay sau thông báo của Thủ tướng Scott Morriso, giới lãnh đạo Palestine đã lên án quyết định này là “vô trách nhiệm”, vi phạm luật pháp quốc tế. Ông Nabil Shatth, một quan chức cấp cao Palestine cho biết:
“Tại sao Australia lại theo chân Mỹ tại Liên Hợp Quốc? Australia vẫn luôn là một quốc gia quan trọng đối với chúng tôi, một quốc gia trung lập. Australia đã chính thức công nhận quyền cả người Palestine đối với một Nhà nước độc lập và có chủ quyền.
Tuy nhiên, tất cả đã thay đổi sau khi Thủ tướng Australia muốn tuyên bố Jerusalem là thủ đô của Israel và những thay đổi của ông ấy trong quyết định cuối cùng là không đủ. Nếu muốn đề cập tới vấn đề rất nhạy cảm này, thì cần phải rõ ràng.”
Truyền thông Australia ngày 16/12 dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Indonesia tái khẳng định quan điểm rằng Jerusalem là một trong 6 nội dung cần phải được đàm phán và quyết định trong hiệp định hòa bình giữa Israel và Palestine dựa trên giải pháp hai nhà nước.
Tuy nhiên, thông báo không đề cập tới thỏa thuận thương mại tự do đang chờ được ký kết giữa hai nước và đã bị Indonesia đóng băng kể từ sau khi Australia thông báo ý định về vấn đề này hồi giữa tháng 10/2018 vừa qua.
Kể từ khi Mỹ công nhận Jerusalem, chỉ có hai nước theo chân Mỹ là Guatemala và Paraguay, song Paraguay hồi tháng 9 vừa qua cũng đã rút lại quyết định chỉ sau 3 tháng./.