Chính phủ của Thủ tướng Scott Morrison cam kết cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các quốc đảo láng giềng trong năm 2021 theo một chương trình nằm trong gói hỗ trợ 500 triệu đô la Australia của Canberra. Gần đây, Australia còn ký thỏa thuận với Fiji để triển khai quân đội và tập trận trong quyền hạn của mỗi bên.
Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn lời ông Jonathan Pryke tại Viện Lowy trụ sở ở Sydney đánh giá: “Trung Quốc không có nhiều động thái liên quan đến hỗ trợ xử lý dịch COVID-19 trong khu vực. Australia trong khi đó mang thiện chí và không quên khu vực Thái Bình Dương trong thời kỳ khủng hoảng”.
Trung Quốc trong thời gian qua đã yêu cầu lao động nước này thực hiện các dự án “Vành đai, Con đường” tại đảo quốc ở Thái Bình Dương quay trở nước trong thời kỳ dịch COVID-19. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh trong buổi họp báo ngày 4/1 khẳng định mối quan hệ của Trung Quốc với các quốc đảo Thái Bình Dương đã gắn kết hơn kể từ khi dịch COVID-19 xảy ra. Bà Hoa Xuân Oánh nói: “Chúng tôi cân nhắc cung cấp vaccine phòng COVID-19 cho các đảo quốc”.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc ra thông báo: “Trung Quốc hy vọng mọi quốc gia khác có thể thể hiện sự tôn trọng và tinh thần cởi mở để tạo điều kiện cho ổn định và thịnh vượng trong khu vực thay vì duy trì quan điểm Chiến tranh Lạnh và thiết lập những nhóm nhỏ”.
Thập niên qua, ảnh hưởng của Trung Quốc với 14 đảo quốc Thái Bình Dương, với tổng dân số khoảng 13 triệu người, đã khiến Mỹ và Australia để ý. Nhiều nhà ngoại giao và tình báo lo ngại rằng mục tiêu hàng đầu của Bắc Kinh là thành lập căn cứ hải quân để đẩy mạnh chiến lược quân sự. Trung Quốc trong tháng 12/2020 đã ký biên bản ghi nhớ cấp vốn cho căn cứ hải quân mới 150 triệu USD tại miền Nam Papua New Guinea, ngay ngưỡng cửa của Australia.
Trong khi đó gần đây mối quan hệ giữa Australia và Trung Quốc đã xấu đi trong thời gian qua từ khi Canberra đề nghị điều tra độc lập về nguồn gốc của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây dịch COVID-19. Australia khẳng định rằng cuộc điều tra này không nhắm đến Trung Quốc về mặt chính trị. Trung Quốc vào ngày 27/11 đã áp dụng mức thuế trên 200% đối với rượu nhập khẩu từ Australia. Ngoài ra, Trung Quốc cũng tăng thuế với một số mặt hàng khác của Australia như than đá, tôm hùm, gỗ…
Giám đốc Viện nghiên cứu Quốc phòng tại Đại học New South Wales – ông Paul Maddison dự đoán: “Dưới thời chính quyền Tổng thống đắc cử Mỹ Joe Biden, sẽ có cơ hội để Mỹ và những nước đồng quan điểm thể hiện cho các quốc đảo Thái Bình Dương thấy rằng họ có cơ hội tốt hơn trong việc lựa chọn phía để hợp tác”.
Các nhà lập pháp tại Mỹ, Australia còn cảnh báo các quốc gia đang phát triển tránh vay Trung Quốc bởi Bắc Kinh có thể lợi dụng những khoản nợ cho lợi ích địa chính trị. Theo Viện Lowy, Trung Quốc đã chi trên 1,7 tỷ USD hỗ trợ và cho vay các quốc đảo Thái Bình Dương trong thập niên qua, phần lớn dành cho cơ sở hạ tầng.
Đổi lại, năm 2018 Australia cũng công bố quỹ 2 tỷ đô la Australia dành cho cơ sở hạ tầng tại khu vực. Mỹ còn thiết lập Văn phòng các vấn đề Thái Bình Dương trong Hội đồng An ninh Nhà Trắng, là nơi phối hợp chính sách tại khu vực với những nước cùng lập trường.