Thực chất, đây là một liên minh mới được viết tắt là AUKUS (Australia, the United Kingdom and the United States). Theo thỏa thuận, Mỹ sẽ cung cấp cho Australia công nghệ để nước này có thể chế tạo và triển khai các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Nội dung hợp tác của liên minh AUKUS
Nhiệm vụ đầu tiên của AUKUS là đóng một hạm đội tàu ngầm hạt nhân cho Australia. Canberra sẽ hủy hợp đồng mua 12 tàu ngầm thông thường trị giá 66 tỷ USD ký với Pháp năm 2017. Australia là quốc gia thứ hai sau Anh được Mỹ chuyển giao công nghệ nhạy cảm chế tạo tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Công việc chế tạo các tàu ngầm này sẽ được tiến hành tại căn cứ Adelaide của Australia.
Đây sẽ là một trong những dự án có yêu cầu kỹ thuật phức tạp nhất trên thế giới, kéo dài hàng thập kỷ và đòi hỏi những công nghệ tiên tiến nhất. Nó được xây dựng dựa trên kinh nghiệm của Anh thu được qua nhiều thế hệ kể từ khi hạ thủy chiếc tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân đầu tiên trong Hải quân Hoàng gia năm 1958.
Thủ tướng Australia Scott Morrison cho biết, Hải quân Australia sẽ được trang bị ít nhất 8 tàu ngầm hạt nhân trong khuôn khổ đối tác ba bên với Anh và Mỹ. Chi phí đóng tàu ngầm mới sẽ lên tới hơn 66 tỷ USD. Ngoài ra, Australia sẽ được tiếp cận với công nghệ tên lửa hiện đại của Mỹ, bao gồm cả tên lửa hành trình Tomahawk để trang bị cho các tàu khu trục của Hải quân Hoàng gia, cho phép thực hiện các cuộc tấn công từ xa.
AUKUS sẽ cho phép các nước tham gia đơn giản hóa và mở rộng việc trao đổi thông tin trong các lĩnh vực đặc biệt và công nghệ quân sự. Các nội dung hợp tác chính còn bao gồm cả việc phát triển trí tuệ nhân tạo, an ninh mạng, điều khiển học và hệ thống ngầm dưới nước. Ngoài ra, các bên có kế hoạch phát triển khả năng tấn công từ xa.
Tổng thống Mỹ Joe Biden tổ chức họp báo chung trực tuyến từ Nhà Trắng với Thủ tướng Anh Boris Johnson (phải) và Thủ tướng Australia Scott Morrison ngày 15/9/2021, tuyên bố thành lập liên minh an ninh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mới (Ảnh: AFP)
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết: "Sáng kiến này tạo điều kiện cho các nước thành viên những khả năng tiên tiến nhất để đẩy lùi các mối đe dọa đang phát triển nhanh chóng, đồng thời duy trì và nâng cao sức mạnh quân sự của mình nhằm bảo vệ lợi ích chung trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương."
Trong khi đó, Thủ tướng Morrison nói, thỏa thuận sẽ đưa quan hệ đối tác của ba nước lên một tầm cao mới. Người đồng cấp Anh Boris Johnson nhấn mạnh rằng liên minh sẽ đưa Mỹ, Anh và Australia xích lại gần nhau hơn bao giờ hết, tạo ra nhiều việc làm và thịnh vượng mới.
Thỏa thuận này có thể được coi là bước đi thực tế quan trọng đầu tiên của Tổng thống Biden trong chiến lược xoay trục của Mỹ từ Trung Đông, Đại Tây Dương sang Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nhằm kiềm chế tham vọng của Trung Quốc đơn phương tuyên bố chủ quyền của mình đối với phần lớn Biển Đông.
Phản ứng quốc tế
Trung Quốc phản đối mạnh mẽ thỏa thuận này. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên tuyên bố: "Việc Mỹ, Anh và Australia hợp tác chế tạo tàu ngầm hạt nhân ở Australia sẽ phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực, làm trầm trọng thêm cuộc chạy đua vũ trang và gây tổn hại đến Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT). Việc Mỹ chuyển giao công nghệ tàu ngầm hạt nhân cho Australia chứng tỏ họ đang sử dụng việc xuất khẩu công nghệ hạt nhân như một công cụ cho các trò chơi địa chính trị, một điều cực kỳ vô trách nhiệm. Mỹ, Anh và Australia không nên thành lập các khối gây tổn hại tới lợi ích các nước khác và nên "thoát khỏi tâm lý chiến tranh lạnh và thành kiến ý thức hệ."
Đặc biệt, tờ Thời báo Hoàn cầu của Trung Quốc dẫn lời một chuyên gia quân sự cấp cao cảnh báo rằng, Australia có thể trở thành "mục tiêu tiềm tàng của một cuộc tấn công hạt nhân" vì các tàu ngầm mới có thể được trang bị vũ khí hạt nhân do Mỹ và Anh cung cấp.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (trái) chào đón Thủ tướng Australia Scott Morrison tại thủ đô Paris, Pháp, ngày 15/6/2021 (Ảnh: Thomas Samson/AFP via Getty Images)
Pháp lên án mạnh mẽ việc thành lập AUKUS giữa Mỹ, Anh, Australia và việc Canberra hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Pháp triệu hồi đại sứ của mình từ Washington và Canberra về nước để tham vấn, một hành động chưa từng có từ trước tới nay.
Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói: "Pháp cảm thấy bị phản bội, tức giận và cay đắng trước việc Australia hủy bỏ hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp. Paris mô tả việc Australia chấm dứt hợp đồng mua tàu ngầm của Pháp là "nhát dao đâm sau lưng Pháp." Paris cũng tỏ ra rất thất vọng vì Mỹ, Anh và Australia đã bỏ qua vai trò của Pháp, mặc dù Pháp có các đảo ở Thái Bình Dương.
Liên minh châu Âu (EU) cũng không hài lòng với liên minh mới AUKUS. Cao ủy về chính sách đối ngoại và an ninh của EU Josep Borrell nói: "Một hiệp ước như vậy chắc chắn phải được bàn thảo từ lâu, nhưng họ đã không hề tham khảo ý kiến EU. Điều này một lần nữa buộc chúng ta phải suy nghĩ về sự cần thiết nâng cao tính tự chủ chiến lược cho EU. Đây là một bằng chứng khác cho thấy chúng ta cần phải tự tồn tại."
New Zealand là đối tác của cả Mỹ, Anh và Australia trong liên minh tình báo "Five Eyes" nói, việc thành lập AUKUS không ảnh hưởng đến sự hợp tác của họ. Tuy nhiên, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern tuyên bố không có ý định dỡ bỏ lệnh cấm tàu ngầm hạt nhân đi vào lãnh hải New Zealand. Từ năm 1984, chính phủ New Zealand thực hiện chính sách "khu vực không có vũ khí hạt nhân", cấm tàu có vũ khí hạt nhân đi vào vùng biển của nước này.
Bà Ardern nói: "Lập trường này của New Zealand không thay đổi."
Quốc gia ASEAN Indonesia bày tỏ lo lắng về thỏa thuận này, đồng thời cảnh báo nó có thể dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang và kêu gọi Canberra giữ cam kết của mình đối với hòa bình, ổn định trong khu vực. Jakarta sau đó đã hủy chuyến thăm đã lên kế hoạch từ trước của Thủ tướng Australia Morrison.
Malaysia chỉ trích mạnh mẽ liên minh AUKUS và cảnh báo nó có thể châm ngòi cho một cuộc chạy đua vũ trang mới trong khu vực. Thủ tướng Malaysia Ismail Sabri Yaakob đã tỏ quan ngại với ông Morrison rằng, dự án tàu ngầm hạt nhân của Australia có thể làm gia tăng căng thẳng quân sự ở châu Á, kích động các cường quốc khác có những hành động gây hấn hơn ở khu vực này, đặc biệt là ở Biển Đông.
Tổng thống Pháp Macron và Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull đứng trên tàu ngầm HMAS Waller tại Sydney, Australia, vào tháng 5/2018 (Ảnh: BRENDAN ESPOSITO POOL/AFP)
Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long tỏ hy vọng thỏa thuận sẽ "đóng góp một cách xây dựng vào hòa bình và ổn định của khu vực".
Nga chưa bày tỏ ý kiến. Thư ký báo chí của Tổng thống Nga Dmitry Peskov nói: "Điện Kremlin đang nghiên cứu kỹ lưỡng các thông tin về liên minh Australia, Mỹ và Anh. Chúng tôi cần phải hiểu rõ mục tiêu, nhiệm vụ và phương tiện của liên minh này trước khi bày tỏ quan điểm của mình."
Nhân dịp này, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova nói, năm 2015 Pháp cũng đã đơn phương phá các hợp đồng cung cấp tàu sân bay trực thăng Mistral cho Nga trị giá 1,2 tỷ euro, được ký kết vào năm 2011 do các sự kiện ở Ukraine và các lệnh trừng phạt chống lại Nga.
Liên minh AUKUS thành lập để kiềm chế Trung Quốc
Các nhà lãnh đạo Mỹ, Anh và Australia đều nói, việc thành lập AUKUS là nhằm tăng cường hợp tác để duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương và mục tiêu của nó không phải chống Bắc Kinh.
Tuy nhiên, dù có giải thích thế nào đi chăng nữa, thì trước sự trỗi dậy của Trung Quốc trong lĩnh vực quân sự và công nghệ, sự hiện diện quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đặc biệt ở Biển Đông, ai cũng hiểu liên minh AUKUS được lập ra chủ yếu là nhằm vào Bắc Kinh.
Việc thành lập liên minh này là nằm trong chiến lược của Mỹ ngăn chặn tham vọng của Trung Quốc trong việc kiểm soát các tuyến vận tải biển ở Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương. Theo hướng này, trước đây Tứ giác kim cương (QUAD) cũng đã được thành lập bao gồm Mỹ, Ấn Độ, Australia và Nhật Bản.
Nội bộ nước Mỹ đang bị chia rẽ sâu sắc trong nhiều vấn đề, nhưng giữa đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa có sự đồng thuận lớn về cần thiết phải ngăn chăn các tham vọng của Trung Quốc.
Năm 2019, Kurt Campbell và Jake Sullivan đã viết một bài báo chung đăng trên tờ Foreign Affairs, kêu gọi chấm dứt quan hệ đối tác và chuẩn bị cho giai đoạn đối đầu với Trung Quốc. Tổng thống Biden sau khi nhậm chức đã bổ nhiệm Campbell làm cố vấn quan trọng nhất của mình về Trung Quốc trong Hội đồng An ninh Quốc gia do Jake Sullivan đứng đầu.
Chỉ một tháng rưỡi sau khi bước vào Nhà Trắng, đầu tháng 3/2021, Tổng thống Biden đã công bố "Hướng dẫn Chiến lược An ninh Quốc gia tạm thời - Interim National Security Strategy Guidance (INSSG)" nhằm truyền tải tầm nhìn của Washington về cách thức nước Mỹ sẽ can dự với thế giới, nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu trong thế kỷ 21.
Trong tài liệu không quá 20 trang này, Trung Quốc được nhắc tới 15 lần. Tài liệu nêu rõ "Mỹ cần phải chuẩn bị cho các mối nguy hiểm từ Trung Quốc, trong bối cảnh sự phân chia quyền lực đang thay đổi trên toàn cầu. Trung Quốc đã trở nên quyết tâm hơn và là đối thủ cạnh tranh duy nhất có khả năng kết hợp sức mạnh kinh tế, ngoại giao, quân sự và công nghệ, đồng thời thách thức trật tự quốc tế rộng mở và ổn định."
Mặt khác, quan hệ giữa Australia và Trung Quốc gần đây trở nên hết sức căng thẳng. Bắc Kinh không hài lòng khi Canberra yêu cầu một cuộc điều tra độc lập về nguồn gốc đại dịch Covid-19 và chỉ trích Bắc Kinh trong các vấn đề ở Hồng Kông, cũng như người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Đáp lại, Trung Quốc tuyên bố đình chỉ vô thời hạn tất cả các hoạt động trong khuôn khổ "Đối thoại Kinh tế chiến lược" giữa hai nước, áp đặt một loạt các chế tài, trong đó có việc hạn chế nhập khẩu hàng hóa từ Australia.
Trước đó, Australia cũng đã cấm nhà sản xuất thiết bị viễn thông Huawei của Trung Quốc cung cấp mạng di động 5G do liên quan đến an ninh mạng và tìm cách chống lại ảnh hưởng ngày một tăng của Trung Quốc tại các đảo ở Nam Thái Bình Dương.
Biden khởi động các bước đi đầu tiên trong cuộc đối đầu với Trung Quốc
Ngay sau khi tuyên bố thành lập AUKUS, Tổng thống Mỹ J. Biden sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên của liên minh này vào ngày 24/9/2021 tại Nhà Trắng với sự tham gia của các nhà lãnh đạo nhóm "Tứ giác kim cương - QUAD" gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ. Các quốc gia này đều có chung lo ngại về các mối đe dọa và tham vọng bành trướng của Trung Quốc ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Trước đó, tháng 3/2021, các nhà lãnh đạo QUAD đã tổ chức một cuộc họp trực tuyến, cam kết hợp tác chặt chẽ trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 và biến đổi khí hậu, cũng như cam kết biến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thành một khu vực tự do và rộng mở trong cuộc đối đầu với những thách thức từ Trung Quốc.
Đây là cuộc họp của QUAD được tổ chức chỉ sau chưa đầy hai tháng Biden trở thành ông chủ Nhà Trắng, điều mà Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan cho biết là có chủ ý, vào thời điểm mà bốn nước đều có tiếng nói chung về Trung Quốc.
Ý tưởng thành lập Liên minh "QUAD" được cựu Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nêu ra sau trận sóng thần kinh hoàng năm 2004 và chính thức đi vào hoạt động năm 2007 nhằm tạo ra thế cân bằng trong quan hệ với cường quốc đang trỗi dậy là Trung Quốc. Tổng thống J. Biden quyết định hồi sinh mối quan hệ hợp tác bốn bên này sau khi lên nắm quyền.
Việc thành lập "QUAD" trước đây và "AUKUS" hiện nay sau khi Tổng thống J. Biden rút quân khỏi Afghanistan, Iraq, rút các đơn vị tên lửa Patriot khỏi Ả Rập Saudi, chấm dứt can dự vào cuộc chiến Yemen, giảm mạnh sự có mặt quân sự ở Trung Đông và thậm chí cả châu Âu... thể hiện rõ chiến lược của Washington xoay trục sang châu Á - Thái Bình Dương nhằm kiềm chế ảnh hưởng của Trung Quốc và đối đầu với những thách thức của thế kỷ 21.
Tuy nhiên, liên minh AUKUS được thành lập với mục tiêu được công bố là "nhằm tăng cường hợp tác để duy trì an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương" mà không được các nước khu vực và thế giới ủng hộ, nội bộ Australia còn nhiều ý kiến khác nhau thì khó có thể tìm được đất sống.
Mặt khác, việc cung cấp cho Canberra công nghệ hạt nhân nhạy cảm có thể sẽ dẫn đến một cuộc chạy đua vũ trang mới ở khu vực, vi phạm Hiệp ước Khu vực Đông Nam Á không có vũ khí hạt nhân (SEANWFZ).