Âu Lạc suy vong, nước ta bị chia làm nhiều quận, bước vào đêm trường "Bắc thuộc"

B.T sưu tầm, SGK Sử 10 |

Từ năm 179 TCN đến đầu thế kỷ X, các triều đại phong kiến phương Bắc từ Triệu đến Đường thay nhau đô hộ nước ta. Chúng đã thực hiện nhiều chính sách cai trị làm xã hội ta có nhưng chuyển biến nhất định.

Chế độ cai trị

Tổ chức bộ máy cai trị

Sau khi chiếm được Âu Lạc, nhà Triệu chia thành 2 quận, sáp nhập vào quốc gia Nam Việt. Thời nhà Hán, Âu Lạc bị chia làm 3 quận, sáp nhập vào bộ Giao Chỉ cùng với một số quận của Trung Quốc.

Đến thời nhà Tuỳ và nhà Đường, nước ta lại bị chia làm nhiều châu. Từ sau khi lật đổ được chính quyền của Hai Bà Trưng, chính quyền đô hộ tăng cường việc kiểm soát, cử quan lại cai trị tới cấp huyện.

Âu Lạc suy vong, nước ta bị chia làm nhiều quận, bước vào đêm trường Bắc thuộc - Ảnh 1.

Chính sách bóc lột về kinh tế và đồng hoá về văn hoá

Chính quyền đô hộ thi hành chính sách bóc lột, cống nạp nặng nề. Chúng còn cướp ruộng đất, cưỡng bức nhân dân ta cày cấy, thực hiện chính sách đồn điền, nắm độc quyền về muối và sắt.

Quan lại trong chính quyền đô hộ dựa vào quyền hành, ra sức bóc lột dân chúng để làm giàu. Chu Thăng, Thứ sử Giao Châu, đã tâu với vua Hán: Giao Châu ở nơi xa cách, quan lại (người Hán) tập tục tham ô, làm đủ điều gian trá, trưởng sử tha hồ bạo ngược, bóc lột muôn dân.

Các triều đại phong kiến phương Bắc truyền bá Nho giáo vào nước ta, bắt nhân dân ta phải thay đổi phong tục theo người Hán. Nhiều nho sĩ, quan lại người Hán được đưa vào đất Âu Lạc cũ để thực hiện chính sách nói trên và mở một số lớp dạy chữ Nho. Tuy nhiên, dưới thời Bắc thuộc, Nho giáo chỉ có ảnh hưởng đến một số vùng trung tâm châu, quận.

Chính quyền đô hộ áp dụng luật pháp hà khắc, thẳng tay đàn áp các cuộc nổi dậy đấu tranh của nhân dân ta.

Âu Lạc suy vong, nước ta bị chia làm nhiều quận, bước vào đêm trường Bắc thuộc - Ảnh 2.

Thời Bắc thuộc, nhân dân ta vẫn giữ được phong tục tập quán như thời Hồng Bàng – Âu Lạc

Những chuyển biến về kinh tế, văn hoá và xã hội

Về kinh tế

Công cụ bằng sắt ngày càng được sử dụng phổ biến trong sản xuất nông nghiệp cũng như trong đời sống nhân dân. Công cuộc khai hoang, mở rộng thêm diện tích trồng trọt được đẩy mạnh. Các công trình thuỷ lợi được xây dựng.

Nhờ thế, năng suất lúa tăng hơn trước. Thủ công nghiệp, thương mại có sự chuyển biến đáng kể. Kĩ thuật rèn sắt phát triển hơn so với trước Công nguyên. Việc khai thác vàng, bạc, châu ngọc trong nhân dân được đẩy mạnh. Đồ trang sức bằng vàng, bạc, ngọc được gia công tinh tế. Một số nghề thủ công mới xuất hiện như làm giấy, làm thuỷ tỉnh...

Nhiều đường giao thông thuỷ, bộ nối liền các vùng, các quận được hình thành.

Về văn hoá, xã hội

Trong thời Bắc thuộc, nhân dân ta biết tiếp nhận và "Việt hoá" những yếu tố tích cực của nên văn hoá Trung Hoa thời Hán, Đường như ngôn ngữ, văn tự.

Nhân dân ta không bị đồng hoá. Tiếng Việt vẫn được bảo tồn. Các phong tục, tập quán như ăn trầu, nhuộm răng đen, tôn trọng phụ nữ vẫn được duy trì.

Mâu thuẫn bao trùm trong xã hội là mâu thuẫn giữa nhân dân ta với chính quyền đô hộ phương Bắc. Mặc dù các triều đại phong kiến phương Bắc ngày càng tăng cường việc cai trị trực tiếp tới cấp huyện, tổ chức các đơn vị hành chính đến cấp hương, xã, nhưng không khống chế nổi các làng xóm người Việt. Làng xóm trở thành nơi xuất phát các cuộc đấu tranh giành độc lập.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp10.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại