Các nhà lãnh đạo ASEAN+3 (gồm 10 nước ASEAN và Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc) tìm kiếm sự hợp tác chống chủ nghĩa bảo hộ gia tăng tại Hội nghị Cấp cao ASEAN+3 lần thứ 20 diễn ra Manila hôm 14.11.
Trong phát biểu khai mạc, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường cho biết: “Xu hướng đảo ngược toàn cầu hóa và chủ nghĩa bảo hộ đang gia tăng”. Thủ tướng Trung Quốc hy vọng thông qua hội nghị xây dựng sự đồng thuận và "gửi một tín hiệu tích cực rằng chúng tôi kiên quyết ủng hộ hội nhập khu vực".
Trong khi đó, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tuyên bố chống lại chủ nghĩa bảo hộ và nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác tài chính để củng cố các nền kinh tế khu vực. "Trong bối cảnh những lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa bảo hộ và xu hướng hướng nội trên thế giới, để tăng cường khả năng dự đoán của các nền kinh tế trong khu vực, giảm nhẹ tình trạng dễ bị tổn thương, duy trì và tăng cường hệ thống thương mại tự do, tầm quan trọng của việc hợp tác tài chính giữa ASEAN+3 sẽ càng trở nên to lớn hơn", ông Shinzo Abe nói.
Tại Hội nghị ASEAN+3, bên cạnh việc kêu gọi đoàn kết khu vực, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-In cũng chỉ ra những thách thức phức tạp mà khu vực phải đối mặt như: “Chủ nghĩa bảo hộ và cách tiếp cận vì lợi ích cá thể, sự già hóa và vấn đề biến đổi khí hậu"...
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long nhắc lại lời kêu gọi hội nhập tài chính và kinh tế mạnh mẽ hơn. Theo ông, với tư cách Chủ tịch ASEAN 2018, Singapore sẽ nỗ lực hết sức để tăng cường mối quan hệ của Hiệp hội với 3 quốc gia và nỗ lực để đạt được mục tiêu dài hạn là xây dựng Cộng đồng Đông Á.
Thủ tướng Singapore chỉ ra khả năng kết hợp tiềm năng giữa kế hoạch tổng thể của ASEAN để cải thiện khả năng kết nối giữa các quốc gia thành viên và các chương trình của chính các nước Đông Á như: "Sáng kiến Vành đai và Con đường" của Trung Quốc, Sáng kiến Đối tác về Cơ sở hạ tầng chất lượng cao của Nhật Bản và Diễn đàn Kết nối ASEAN của Hàn Quốc.
"Tôi vui mừng nhận thấy khu vực của chúng ta đang thúc đẩy hội nhập kinh tế bất chấp các quan điểm chống lại toàn cầu hóa", Straits Times dẫn lời Thủ tướng Singapore.
Theo Thủ tướng Lý Hiển Long, điều quan trọng là phải tăng cường nỗ lực để ký kết Hiệp định đối tác toàn diện khu vực (RCEP) chất lượng và toàn diện nhằm mang lại lợi ích thiết thực cho các doanh nghiệp và người dân khu vực. Việc đàm phán RCEP - thỏa thuận thương mại tự do gồm 16 quốc gia gồm các thành viên ASEAN+3, cùng với Ấn Độ, Australia và New Zealand sẽ kéo dài đến năm 2018, Nikkei cho biết.