Những hành vi phi pháp của Trung Quốc trên vùng biển Đông thời gian gần đây, đặc biệt là tại bãi Tư chính của Việt Nam đã khiến cộng đồng quốc tế quan ngại. Gần đây nhất, trang mạng Eurasia Review đã đăng tải bài xã luận có nhan đề “Tôn trọng luật pháp: Hòa bình là ưu tiên hàng đầu tại Biển Đông” của nhà báo Indonesia.
Bài viết của nhà báo, nhà quan sát quan hệ quốc tế kì cựu của Indonesia, ông Veeramalla Anjaiah đã vạch trần tính phi pháp trong các hành động của Trung Quốc trên biển Đông, đặc biệt là ở khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam và cho rằng quốc tế cần tiếp tục lên án, gia tăng sức ép buộc Trung Quốc rút tàu của mình ra khỏi vùng biển các nước trong khu vực.
Trả lời phỏng vấn phóng viên VOV, ông Veeramalla Anjaiah cho biết: “Trung Quốc luôn muốn tuyên bố chủ quyền ở toàn bộ khu vực biển Đông với gần 90% trong số đó nằm trên đường 9 đoạn gây tranh cãi và không dựa trên công ước quốc tế về luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Kì quặc ở chỗ, chính Trung Quốc đã kí UNCLOS nhưng lại không muốn thực thi văn kiện này. Toà trọng tài quốc tế đã bác bỏ tuyên bố về đường chín đoạn nhưng Trung Quốc vẫn phớt lờ và tiếp tục áp đặt chủ quyền một cách cưỡng bức trên biển Đông".
Theo nhà báo Veeramalla, đây không phải là lần đầu tiên và Việt Nam không phải là quốc gia duy nhất Trung Quốc thực hiện các hành vi đe doạ. Các hành động phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông được nhà báo Indonesia liệt kê như: bồi đắp, xây đảo nhân tạo trái phép, ngăn chặn hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu ngay trong vùng biển của các quốc gia láng giềng như Malaysia hay Việt Nam, hoạt động trái phép ở Trường Sa, đánh chìm tàu cá của Philipines, đưa chiến hạm và tàu sân bay Liêu Ninh qua vùng biển Philipines, đưa tàu tuần tra vào vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia. Gần đây nhất là vi phạm của Trung Quốc trên vùng biển Việt Nam.
Ảnh chụp màn hình bài báo trên trang tin Eurasia Review.
Ông Veeramalla nhấn mạnh: "Việc Trung Quốc đưa tàu vào bãi Tư Chính, khu vực chỉ cách bờ biển Việt Nam chưa tới 200 hải lí là một minh chứng. Rõ ràng là vùng biển này thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo UNCLOS.
Khu vực này cách bờ biển Trung Quốc tới 600 hải lí. Trung Quốc đã có những hành vi gây rối, đe doạ an ninh không chỉ với Việt Nam và còn với các quốc gia như Philippines, Malaysia và thậm chí cả Indonesia, quốc gia không có tuyên bố trên vùng biển này”.
Nhà báo Indonesia cũng nói rõ thêm, nếu như có một cuộc chiến xảy ra thì không chỉ an ninh, hoà bình của các nước trong khu vực bị đe doạ mà an ninh của thế giới cũng sẽ bị ảnh hưởng. Vì biển Đông là vùng trọng điểm, là tuyến giao thương trên biển quan trọng của thế giới với lượng hàng hóa trị giá chừng 5.000 tỷ USD qua lại mỗi năm.
Ông Veeramalla cho rằng các quốc gia ASEAN cần đoàn kết để ngăn chặn các hành vi phi pháp của Trung Quốc trên biển Đông:“Mấu chốt của vấn đề là các nước ASEAN cần phải đoàn kết, chung tay xây dựng hoà bình trên biển Đông và yêu cầu các nước tuân thủ luật pháp đã có. Ngay lập tức hoàn thành Bộ quy tắc ứng xử trên biển Đông (COC) để ràng buộc về pháp lý với Trung Quốc.
Thứ hai, cộng đồng quốc tế và các nước lớn trên thế giới như Mỹ, Châu Âu, Australia, Nhật Bản, Ấn Độ cần gia tăng áp lực lên Trung Quốc, yêu cầu chấm dứt các hành vi phi pháp trên biển Đông”.
Theo nhà báo Indonesia, cộng đồng quốc tế đã đưa ra nhiều chỉ trích đối với các hành động của Trung Quốc.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ đã cực lực lên án các hành động đơn phương và khiêu khích của Trung Quốc như bồi đắp và quân sự hóa các đảo tranh chấp ở Biển Đông, áp đặt chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, dùng dân quân biển để đe dọa và cưỡng ép các nước khác.
Nhật Bản, Liên minh Châu Âu, Pháp, Đức, Anh, Canada và nhiều quốc gia khác cũng tố cáo các hành động đơn phương của Trung Quốc ở Biển Đông và kêu gọi bảo vệ hoà bình dựa trên luật pháp.
Hội Luật Gia Dân Chủ Quốc Tế ngày 6/8 cũng đã khẳng định các hành vi của Trung Quốc vi phạm rõ rệt các quyền của Việt Nam theo UNCLOS và “yêu cầu Trung Quốc nhanh chóng chấm dứt các hành vi vi phạm chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, ngừng các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, làm gia tăng căng thẳng giữa các bên liên quan và tập trung vào việc xây dựng lòng tin để duy trì an ninh, hòa bình và ổn định ở Biển Đông nói riêng và khu vực nói chung”./.