Lạm phát khiến giá cả hàng hóa ở Jakarta, Indonesia tăng lên
Cảnh giác ứng phó
Theo bài viết, thách thức đầu tiên đối với các nền kinh tế ASEAN là việc Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine, gây ra làn sóng chấn động lan khắp kinh tế toàn cầu. Ban đầu, ảnh hưởng trực tiếp từ xung đột Nga - Ukraine đối với ASEAN thông qua thương mại và đầu tư có vẻ hạn chế, song với việc giá dầu tăng, lạm phát nóng lên, các nhà nhập khẩu dầu ASEAN phải đối mặt với hóa đơn nhập khẩu tăng theo. Thách thức thứ hai là xu hướng tăng lãi suất ở Mỹ, vốn đang làm phức tạp thêm cuộc chiến chống lạm phát giữa bối cảnh bất ổn gia tăng. Chênh lệch lãi suất ngày càng nới rộng giữa các nền kinh tế ASEAN và Mỹ cùng những thay đổi trong niềm tin của các nhà đầu tư có thể tạo ra sự đảo ngược đột ngột trong luân chuyển dòng vốn, làm mất giá đồng tiền và gây ra bất ổn tài chính.
Để duy trì đà phục hồi, khu vực ASEAN cần phải cảnh giác và sẵn sàng hợp tác để ngăn chặn bất ổn tài chính khu vực. Đặc biệt, giới chức cần quản lý một cách thận trọng những tác động tổng hợp của bối cảnh chung. Lúc này, các nhà hoạch định chính sách ASEAN đối mặt với các ưu tiên chính sách quan trọng. Đó là thúc đẩy hợp tác khu vực để bảo đảm phục hồi mạnh mẽ, tăng cường huy động nguồn lực trong nước và mở rộng quy mô đầu tư cho tăng trưởng xanh và đồng đều.
Chính sách 3 ưu tiên
Đầu tiên là hợp tác khu vực, có thể mở đường cho công cuộc phục hồi bền vững và thích ứng của các nền kinh tế ASEAN. Hoạt động thương mại và đầu tư khu vực mạnh mẽ đã tạo ra vùng đệm an toàn cho ASEAN trong giai đoạn suy giảm kinh tế và thương mại toàn cầu. Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), có hiệu lực đầu năm nay, được kỳ vọng mở rộng vùng đệm này. Việc củng cố sâu sắc hơn các thị trường vốn và trái phiếu bằng đồng nội tệ rất quan trọng. ADB đang hỗ trợ điều này thông qua Sáng kiến Thị trường trái phiếu châu Á ASEAN+3 (ABMI). ADB cũng hỗ trợ phát triển và phát hành trái phiếu xanh, trái phiếu xã hội và trái phiếu bền vững để giúp các chính phủ đầu tư vào phát triển bền vững. ASEAN cũng cần nỗ lực nhằm tăng cường an ninh lương thực và năng lượng thông qua hợp tác khu vực, thúc đẩy an ninh y tế khu vực và gia tăng cơ chế giám sát dịch bệnh.
Ưu tiên thứ 2 là huy động hiệu quả nguồn lực trong nước. Điều này rất quan trọng để khôi phục tính bền vững tài khóa nhằm duy trì các nỗ lực tài trợ và phục hồi sau đại dịch, hướng tới việc đạt được các Mục tiêu Phát triển bền vững. Ở phương diện này, ASEAN còn nhiều không gian cải thiện do mức huy động thu ngân sách từ thuế còn tương đối thấp. Một số quốc gia thành viên ASEAN đã tăng cường hệ thống quản lý thuế của mình thông qua các giải pháp kỹ thuật số. Hợp tác thuế quốc tế là chìa khóa để chống trốn thuế và tránh thuế.
Ưu tiên thứ 3 là mở rộng đầu tư vào cơ sở hạ tầng chất lượng, chống biến đổi khí hậu. Quỹ tài trợ Xanh xúc tác ASEAN (ACGF), thuộc sở hữu của tất cả thành viên ASEAN và do ADB quản lý, đang hỗ trợ phát triển và tài trợ các dự án cơ sở hạ tầng xanh. Quỹ này đã huy động được 2 tỷ USD nguồn lực công và tư với sự hỗ trợ từ 9 đối tác, bao gồm đồng tài trợ từ Liên minh châu Âu (EU), Italy, Vương quốc Anh và Quỹ Khí hậu Xanh… Khi công cuộc phục hồi sau đại dịch Covid-19 của ASEAN tăng tốc, các sáng kiến hợp tác khu vực sẽ vẫn là yếu tố then chốt để quản lý những thách thức ngày càng tăng và nắm bắt những cơ hội mới nhằm xây dựng một tương lai vững mạnh hơn.