Asanzo: "Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ nhân viên phải nghỉ việc"

Hoàng Linh |

Xác nhận về việc tạm dừng hoạt động của nhiều bộ phận, đại diện Asanzo cho hay, công ty này đang hoàn thiện các giấy tờ, hồ sơ để hỗ trợ về lương, chế độ cho những nhân viên phải nghỉ việc.

Liên quan đến thông báo ngừng hoạt động đăng tải trên website tối 30/8, sáng nay, đại diện công ty cổ phần Tập đoàn Asanzo cho biết, phía công ty đang hoàn thiện các giấy tờ hỗ trợ người lao động tại các bộ phận bắt buộc phải ngừng hoạt động sau thông báo này. 

"Trong hoàn cảnh chưa có kết luận thanh tra, chúng tôi đã cầm cự một thời gian dài, công ty gần như kiệt quệ, vì thế, bất đắc dĩ phải ngừng hoạt động một số bộ phận. Về việc này, công ty có thông báo cho các cán bộ nhân viên từ trước. Chúng tôi cũng hoàn thiện hồ sơ để hỗ trợ người lao động các chế độ như lương, bảo hiểm. 

Tại Asanzo, có những lao động đã gắn bó qua hai thế hệ, từ đời cha đến con, họ đã rất buồn khi trước hoàn cảnh này. Asanzo cũng coi họ như gia đình, phải cho họ nghỉ là điều chúng tôi không muốn", đại diện Asanzo cho hay.

Cũng theo Asanzo, hiện tại, công ty chỉ duy trì hoạt động bảo hành, bảo trì sản phầm mà công ty này kinh doanh để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

Asanzo: Chúng tôi đang hoàn thiện hồ sơ hỗ trợ nhân viên phải nghỉ việc - Ảnh 1.

Asanzo tuyên bố ngừng hoạt động vào đêm 30/8.

Thông báo phát đi đêm 30/8 của Asanzo cho biết, sau 70 ngày kể từ ngày xuất hiện cáo buộc Asanzo gian lận xuất xứ sản phẩm, công ty này đã mất hơn 80% doanh số so với bình thường. Con số thiệt hại ước tính hàng ngàn tỷ đồng, thị phần sụt giảm nghiêm trọng.

"Trong 70 ngày ấy, cứ mỗi ngày chúng tôi phải chi ra ít nhất 1 tỷ đồng do hệ thống bán hàng tê liệt nhưng vẫn phải trả lương cho người lao động. Đó là chưa kể còn vô số chi phí hoạt động khác", thông báo của Asanzo ghi.

Cuối cùng, Công ty Asanzo bày tỏ hy vọng và mong muốn sớm có một kết luận thanh tra, kiểm tra chính thức để cho Asanzo trở lại hoạt động bình thường.

Trước đó, trong một văn bản cung cấp cho báo chí về cuộc làm việc với chi nhánh VCCI Thành phố Hồ Chí Minh ngày 25/7/2019, nhóm giúp việc Tổ công tác VCCI gồm ông Trần Ngọc Liêm, Phó Giám đốc; ông Nguyễn Hữu Nam, trưởng phòng Pháp chế; ông Nguyễn Văn Đức, Phó trưởng phòng Pháp chế đã làm việc cùng Ông Phạm Văn Tam, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập Đoàn Asanzo liên quan đến cáo buộc dán nhãn sản phẩm với linh kiện nhập khẩu, sử dụng thương hiệu “Made in VietNam” lừa dối người tiêu dùng.

Văn bản này có ghi, hiện nay, pháp luật về xuất xứ hàng hóa (như Nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/03/2018) hoặc các Hiệp định mà Việt Nam đã tham gia hoặc ký kết chỉ có quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu, không có quy định về xuất xứ hàng hóa lắp ráp và lưu thông trong nước như trường hợp của Công ty Asanzo.

"Khoản 2 Điều 15 Nghị định 43/2017/NĐ-CP đã nêu rõ, doanh nghiệp được chọn cách ghi cụm từ "xuất xứ". Trong trường hợp này doanh nghiệp buộc phải ghi kèm tên nước sản xuất ra hàng hóa đó tức phải ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn hàng hóa mới đúng quy định pháp luật. Việc ghi xuất xứ Việt Nam trên nhãn cho hàng hóa thuộc loại này chỉ có giá trị thể hiện hàng hóa được sản xuất tại Việt Nam, tuân thủ quy định pháp luật ghi nhãn hàng hóa của Việt Nam", văn bản ghi.

Viện dẫn thêm điều 3 nghị định 19/2006/NĐ-CP ngày 20/2/2006 và nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 đều có giải thích về sản xuất hàng hóa, trong biên bản làm việc, VCCI khẳng định việc ghi trên nhãn hàng hóa "sản xuất tại Việt Nam" hoặc "chế tạo tại Việt Nam", "nước sản xuất Việt Nam", "xuất xứ Việt Nam" hoặc "sản xuất bởi Việt Nam" là đúng quy định pháp luật." 

Liên lạc với đại diện VCCI chi nhánh TP HCM về cuộc làm việc này nhưng chưa nhận được phản hồi. 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại