Khi thông tin Arsenal chấm dứt hợp tác với HAGL được đưa ra, điều đồng nghĩa với việc trung tâm đào tạo của HAGL từ nay sẽ chỉ còn chữ JMG chứ không còn là Arsenal JMG nữa, nhiều người đã nghĩ rằng đó là một đòn giáng nặng nề vào tham vọng đầu tư bóng đá của Bầu Đức.
Và cũng đã có những mổ xẻ, mà phần lớn đều không nắm được bản chất của "footbiz", với kiểu nhận định cho rằng HAGL không thỏa mãn được yêu cầu của đối tác nên buộc đối tác phải chấm dứt hợp đồng.
Thực chất, nhiều người cho rằng việc Arsenal chia tay HAGL là minh chứng cho thất bại của Bầu Đức trong tham vọng bóng đá trẻ. Nhưng suy cho cùng, xét trên hoàn cảnh thực tế, kể cả Arsenal vẫn hợp tác với HAGL và thậm chí ở vài năm trước, lúc mối quan hệ ấy còn bền chặt, tham vọng của Bầu Đức coi như đã thất bại rồi.
Trà dư tửu hậu có, phỏng vấn cũng có, Bầu Đức từng khẳng định rằng ông mở học viện không phải để cung cấp cầu thủ cho V-League, mà hướng tới thị trường quốc tế, với kỳ vọng cầu thủ phải đạt mức triệu USD ông mới bán.
Những điều chia sẻ đó, có thể được coi là một mục tiêu cần vươn tới của một hạng mục đầu tư. Và nếu tính việc mở học viện như một hạng mục đầu tư thực sự, Bầu Đức chưa thành công.
Những ngôi sao HAGL như Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường chưa đáp ứng được kì vọng triệu đô của bầu Đức (Ảnh: Thúy Hạnh).
Đừng nhắc đến Tuấn Anh, Xuân Trường và ngôi sao truyền thông Công Phượng như minh chứng của thành công. Mười năm xây học viện mà chỉ có được dăm ngôi sao tầm vóc tạm cho là khu vực Đông Nam Á, đó là một thất bại cay đắng chứ không phải là thứ để tự hào.
Các lò đào tạo kiểu cũ của các CLB Việt Nam xưa cũng tạo ra những ngôi sao tầm vóc như thế mà có cần phải đầu tư quá lắm tiền của cũng như đánh bóng liên tục bằng truyền thông đâu.
Còn nếu xét về tiêu chí đồng tiền, số tiền mà Bầu Đức thu lại từ lứa cầu thủ học viện thực sự chưa có một chút ấn tượng nào, đặc biệt nếu so sánh với những đầu tư đã có cho cơ sở vật chất hạ tầng, cho các chuyên gia đào tạo.
Lứa trẻ HAGL chỉ ‘hiện đại’ hơn các lứa trẻ của các trung tâm khác chút chút thôi. Còn lại, họ chưa cho thấy có thể là mặt hàng đáng săn đuổi của các CLB châu Á chứ đừng vội nói đến châu Âu xa vời.
Nhưng Arsenal lại không chia tay HAGL vì thất bại ấy, dù có lúc họ đã nhận lứa trẻ HAGL sang thử giò, và chẳng chọn được anh nào. Arsenal chia tay HAGL vì lẽ khác, mà nếu chúng ta hiểu bản chất của việc hợp tác, chúng ta sẽ nhận ra rằng cái chia tay ấy cũng là lẽ thường tình.
HLV Wenger từng gọi Tuấn Anh là viên ngọc thô của châu Á nhưng rồi tiền vệ này cũng chưa đâu vào đâu vì chấn thương (Ảnh: Thúy Hạnh).
Arsenal có rất nhiều "CLB sân sau" (feeder Clubs), một dạng hợp tác mà rất nhiều CLB lớn trên thế giới vẫn đang thực hiện. Nhưng HAGL không thể được coi là một feeder Club của Arsenal được, dù có thể trên hợp đồng sẽ thể hiện điều đó. Đơn giản, HAGL "tuổi nào mà đáp ứng nổi".
Một CLB lớn cần 1 feeder Club để làm gì? Họ sẽ gửi cầu thủ trẻ của mình sang feeder Club đó để trui rèn trận mạc. Ồ, vấn đề là Arsenal tin tưởng nổi vào môi trường V-League đủ chất lượng để gửi gắm đám 17-20 tuổi của mình sang cọ sát theo dạng đó ư? Chuyện hoang đường.
Vậy thì chiều hợp tác còn lại, tức là hi vọng feeder Club ấy, với những tiêu chuẩn đào tạo tương đồng, sẽ có ngọc để "CLB mẹ" có thể sử dụng theo đúng quyền lợi của họ trong hợp tác, có thể xảy ra hay không?
10 năm không một tài năng nào đủ tiệm cận tầm mắt tạm gọi là ưu ái và bớt phần khắt khe của Arsenal chứng tỏ HAGL ở đâu trong cuộc hợp tác này.
Bản chất, có khi chỉ là một học viện mua công nghệ của JMG, kèm theo đó là một hợp đồng sử dụng thương hiệu Arsenal mà thôi??? Và đã là hợp đồng, nó sẽ có thời hạn, chứ không có gì là vĩnh viễn cả.
HAGL chưa thể là nơi cung cấp cầu thủ cho Arsenal và V-League rõ ràng không phải là nơi Pháo thủ yên tâm để gửi gắm cầu thủ tới rèn luyện (Ảnh Duy Dương).
Thậm chí, các hợp đồng giữa CLB lớn với feeder Clubs cũng đều có thời hạn hết. Thường là 5 hay 10 năm, và sau khoảng thời gian ấy, CLB lớn có quyền xem xét có nên tiếp tục hay không bởi họ luôn nắm trong tay sức mạnh trong chuyện lựa chọn CLB sân sau của mình.
Nói thế để hiểu, cái hợp tác giữa Arsenal và HAGL vốn dĩ chỉ là lỏng lẻo, theo kiểu làm ăn có vụ có thời. Nó không phải là một kiểu hợp tác mang tính chiến lược và phát triển bởi đơn giản, một CLB Premier League như Arsenal chưa cảm thấy có gì có thể phát triển ở bóng đá Việt Nam.
Thế nên chia tay là tất nhiên, không có gì phải ồn ào bàn cãi. Và cứ đợi đi. Nếu Bầu Đức còn hứng, có khi vài năm nữa, ông lại đưa một CLB lớn khác vào, bắt tay hỉ hả, ký kết rần rần. Tất nhiên, điều đó còn đòi hỏi 1 yếu tố khác nữa. Đó là nếu ông Đức còn tiền.