Thỏa thuận ngừng xung đột tại khu vực Nagorno-Karabakh đang được các bên liên quan thực thi. Thế giới vẫn đang hi vọng thỏa thuận này sẽ là tiền đề cho một giải pháp chính trị lâu dài cho vấn đề tranh chấp chủ quyền đối với khu vực này giữa Armenia và Azerbaijan.
Tuy nhiên, thỏa thuận đang khiến chính quyền của Thủ tướng Armenia Nikol Pashinian rơi vào khủng hoảng, khi vấp phải sự phản đối lớn của người dân trong nước.
Hàng nghìn người dân Armenia vẫn đang đổ xuống đường phản đối thỏa thuận trong nhiều ngày qua. Họ kêu gọi Thủ tướng Pashinian từ chức, khi ký vào thỏa thuận ngừng bắn mà họ cho là “bất lợi” với Armenia.
“Hai năm rưỡi trước, chúng tôi đã bỏ phiếu cho Thủ tướng đương nhiệm của chúng tôi. Nhưng ông ấy đã để mất Nagorno-Karabakh”, một người dân cho biết.
Một âm mưu ám sát Thủ tướng Armenia từng được lên kế hoạch, song rất may đã được phát hiện kịp thời. Hôm qua, Tổng thống Armenia Sarkisian đã kêu gọi tổ chức bầu cử Quốc hội sớm ở nước này để giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị. Theo Tổng thống Sarkisian, chính phủ của Thủ tướng Armenia cần đưa ra lộ trình cho cuộc bầu cử sớm và điều này sẽ giúp đất nước tránh được những “biến động chính trị” sau hơn một tháng xung đột ở Nagorno-Karabakh. Hiện Ngoại trưởng nước này Zohrab Mnatsakanyan cũng đã từ chức.
Dù nhiều lần giải thích là thỏa thuận do phía quân đội tham mưu, đề xuất và việc ký thỏa thuận là điều bắt buộc trong bối cảnh chiến trường lúc bấy giờ, song Thủ tướng Armenia thực sự đang phải chịu áp lực từ chức rất lớn.
Trước những diễn biến căng thẳng tại Armenia, nhiều Nhà lãnh đạo thế giới khẳng định, thỏa thuận ngừng bắn Nagorno-Karabakh mà Thủ tướng Armenia tham gia ký, có một vai trò quan trọng cho hòa bình khu vực.
Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố lệnh ngừng bắn ở Nagorno-Karabakh sẽ giúp tạo tiền đề để đưa tình hình khu vực trở lại bình thường. Theo ông Putin, cuộc sống bình thường Nagorno-Karabakh đã trở lại, với các hoạt động giao thông và kinh tế đã được nối lại.
Cũng trong ngày 17/11, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cho biết Mỹ đã hối thúc Armenia và Azerbaijan tái khẳng định cam kết với các quốc gia đồng Chủ tịch Nhóm Minsk của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OSCE) nhằm đạt được một giải pháp bền vững cho cuộc xung đột tại Nagorno-Karabakh. Ngoại trưởng Pompeo cho biết, Mỹ sẽ cung cấp 5 triệu USD cho hoạt động của Ủy ban Chữ thập Đỏ quốc tế, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ để hỗ trợ những người bị ảnh hưởng của cuộc xung đột tại khu vực.
Dự kiến, ngày 18/11, các nhà ngoại giao Pháp, Mỹ sẽ tới Nga để thảo luận chi tiết về thỏa thuận ngừng xung đột mà lãnh đạo Nga, Armenia và Azerbaijan ký hôm 9/11. Ngoại trưởng Pháp Jean Yves Le Drian khẳng định, những vấn đề về người dân, sự hiện diện của Thổ Nhĩ Kỳ trong khu vực hay một hướng đi lâu dài cho khu vực sẽ được làm rõ.
Nagorno-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, được quốc tế công nhận chủ quyền cho quốc gia này. Tuy nhiên đa số dân cư ở đây là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát tại khu vực này từ ngày 27/9 vừa qua đã khiến con số thương vong ước tính lên tới hàng nghìn người, nhiều khu vực do người Armenia kiểm soát trước đây đang do phía Azerbaijan quản lý./.