Armenia có thể trưng cầu dân ý gia nhập Liên minh châu Âu

Đông Phong |

Quốc gia từng thuộc Liên Xô đang cân nhắc bỏ phiếu về việc gia nhập Liên minh châu Âu (EU).

 - Ảnh 1.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan phát biểu tại Brussels, Bỉ.

RT đưa tin, Chính phủ Armenia mới đây đã thông qua một dự thảo luật cho phép khởi động một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU. Đây là một bước đi thể hiện sự sẵn sàng của Armenia sớm rời xa tầm ảnh hưởng vốn có của Nga trong khối các nước Liên Xô cũ.

Động thái từ Armenia không phải là đột ngột. Họ đã nhiều lần phát đi thông báo về việc sẽ chính thức nộp đơn xin gia nhập EU trong tương lai gần.

Hồi tháng 9/2024, một bản kiến nghị về việc tổ chức cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU đã thu hút sự ủng hộ của hơn 60.000 cử tri chỉ trong vòng chưa đầy 2 tháng. Điều này đã khiến Ủy ban bầu cử trung ương Armenia thừa nhận về tính khả thi của sáng kiến trưng cầu dân ý.

Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan hôm 9/1 tuyên bố Yerevan sẽ thảo luận với Brussels về lộ trình gia nhập khối trước khi tổ chức bỏ phiếu toàn quốc.

Trước đây, các quốc gia mong muốn gia nhập Liên minh EU thành công đều phải trải qua các cải cách kinh tế và chính trị một cách mạnh mẽ trước khi được cấp tư cách thành viên chính thức.

Armenia và EU đã làm việc theo khuôn khổ hội nhập Thỏa thuận Đối tác Toàn diện và Nâng cao (CEPA), có hiệu lực vào năm 2021.

Chính phủ của Thủ tướng Pashinyan đã tạo nên sự chuyển biến mạnh mẽ, đặc biệt gần gũi với các quốc gia phương Tây, chủ yếu là Pháp. Paris đã đưa ra các đề nghị hấp dẫn trong việc cung cấp an ninh cho quốc gia nhỏ bé không giáp biển này.

Cùng với đó là Mỹ cũng hỗ trợ Yerevan một cách mạnh mẽ. Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ phụ trách các vấn đề châu Âu và Á-Âu James O'Brien trong phiên điều trần của Ủy ban Đối ngoại Thượng viện tháng 7/2024 đã xác nhận rằng, Bộ Ngoại giao Mỹ đã tạo một nền tảng chung với Armenia để giúp nước này thoát khỏi sự phụ thuộc vào Nga.

Ông James O'Brien ca ngợi Thủ tướng Armenia là "người có bước đi dũng cảm" và nhấn mạnh Mỹ cần giúp Armenia đa dạng các lĩnh vực năng lượng và kinh tế, những điều đã khiến Armenia gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Nga.

"Phần lớn người dân Armenia đang muốn rời xa nước Nga nên chúng tôi tạo điều kiện để điều đó xảy ra" - Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ xác nhận.

Hôm 11/6, Mỹ và Armenia tuyên bố muốn nâng cấp quan hệ song phương lên mức "đối tác chiến lược" bằng sự hỗ trợ của Washington với Armenia về thương mại, quân sự, hệ thống tư pháp và dân chủ.

Ngày hôm sau, Thủ tướng Pashinyan tuyên bố Armenia sẽ rút khỏi Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) do Nga đứng đầu. Quốc gia không giáp biển Kavkaz này là một trong những thành viên sáng lập của CSTO và đã là một phần của liên minh quân sự này kể từ năm 1992.

Tuy nhiên, mối quan hệ giữa Yerevan và khối này đã trở nên tồi tệ trong năm qua, khi Armenia cáo buộc CSTO không ngăn cản được nước láng giềng Azerbaijan giành lại khu vực Nagorno-Karabakh bằng vũ lực.

Nhưng Điện Kremlin khẳng định rằng chính Thủ tướng Pashinyan đã công nhận chủ quyền của Azerbaijan đối với khu vực này rồi. Moscow lập luận rằng, việc Armenia mất đi khu vực này, từ lâu đã là điều không thể tránh khỏi.

Tháng 7/2024, Liên minh châu Âu đã công bố thông qua gói viện trợ trị giá 10 triệu euro (10,8 triệu USD) cho quân đội Armenia thông qua cái gọi là Cơ sở hòa bình châu Âu.

Với sự dẫn dắt của ông Pashinyan, Armenia đã nỗ lực giảm bớt vai trò truyền thống của Nga. Moscow đã cung cấp quân đội cho Yerevan nhằm bảo vệ biên giới Armenia từ những năm 1990. Đến tháng 10/2024, Yerevan và Moscow đã thống nhất chấm dứt điều này. Armenia sẽ thay đổi lực lượng bảo vệ biên giới của Nga bằng lực lượng địa phương.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova chỉ trích những kế hoạch này là những tính toán địa chính trị của Brussels nhằm lan truyền ảnh hưởng phá hoại đến khu vực Transcaucasus. Bà cho biết rõ ràng là cái gọi là quỹ hòa bình thực chất không phải vì hòa bình và ổn định mà là tham gia vào việc kích động xung đột.

Cục Tình báo Nga cho rằng, những động thái từ phương Tây nhằm hướng Armenia xa rời Nga và tiệm cận đến các giá trị châu Âu, sẽ buộc Armenia "sẽ phải từ bỏ truyền thống, chuẩn mực xã hội quốc gia và mối quan hệ thương mại ổn định" của riêng mình với các quốc gia khác trong khu vực để liên kết lại với phương Tây, điều này sẽ đồng nghĩa với "tự sát quốc gia".

Về phần mình, Bộ trưởng Ngoại giao Sergey Lavrov đã cáo buộc chính phủ của ông Pashinyan “sử dụng lý do và bóp méo lịch sử gần đây để cố tình phá hoại mối quan hệ với Liên bang Nga”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại