Reuters ngày 28/9 cho biết, các cuộc giao tranh giữa Armenia và Azerbaijan đã kéo dài sang ngày thứ hai liên tiếp với việc cả hai bên liên tiếp cáo buộc bị đối phương tấn công bằng pháo nhằm vào các mục tiêu ở Nagorno-Karabakh.
Phía Azerbaijan báo cáo 5 dân thường, cùng là thành viên trong một gia đình, qua đời trong các đợt pháo kích do Armenia tiến hành. Một số nguồn tin Azerbaijan nói rằng 500 binh sĩ Armenia đã thiệt mạng hoặc bị thương, song phía Armenia chưa xác nhận.Chiến sự nổ ra từ sáng 27/9. Theo thống kê của Guardian và Reuters, ít nhất 39 người đã chết. Trong đó, chính quyền ở Nagorno-Karabakh thân Armenia xác nhận, 17 binh sĩ và hai dân thường thiệt mạng hôm 27/9, 15 người thiệt mạng hôm 28/9, hơn 100 người bị thương.
Theo Sputnik, Armenia tuyên bố đã bắn hạ ít nhất 10 xe tăng, 4 trực thăng và 15 máy bay không người lái (UAV) của Azerbaijan, song Azerbaijan chỉ xác nhận mất một trực thăng.
Azerbaijan cũng khẳng định đã tiêu diệt 12 hệ thống phòng không của Armenia, đồng thời giành quyền kiểm soát 6 ngôi làng, một đồi chiến lược ở Nagorno-Karabakh. Cả hai bên công bố nhiều video ghi lại hình ảnh phương tiện đối phương bị bắn trúng để chứng minh cho phát ngôn.
Vẫn theo Sputnik, hai nước đã lần lượt ban bố tình trạng thiết quân luật và chưa bên nào cho thấy thái độ sẵn sàng lùi bước, bất chấp kêu gọi của cộng đồng quốc tế.
Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev nhấn mạnh, ông tự tin giành lại quyền kiểm soát đối với khu vực ly khai "Chúng ta chỉ bảo vệ lãnh thổ, đó là quyền của chúng ta", ông Aliyev nói.
Trong khi đó, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kêu gọi lực lượng dự bị động viên cả nước đăng ký tham gia nghĩa vụ quân sự chống lại Azerbaijan. "Người Armenia đã sẵn sàng cho chiến tranh", ông Nikol Pashinyan nhấn mạnh.
Nagorno-Karabakh, có diện tích khoảng 4.400km2, là vùng lãnh thổ đồi núi nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan và được công nhận rộng rãi thuộc chủ quyền Azerbaijan - quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở Nagorno-Karabakh lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Tranh cãi về vùng đất này khiến Armenia và Azerbaijan căng thẳng nhiều thập kỷ, đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khi chính quyền tự trị ở Nagorno-Karabakh đòi ly khai để sáp nhập vào Armenia.
Sau cuộc chiến, Azerbaijan mất quyền kiểm soát với Nagorno-Karabakh vào tay lực lượng địa phương do Armenia hậu thuẫn. Chính quyền ở Nagorno-Karabakh thành lập nước Cộng hòa Artsakh tự xưng, theo Sputnik, nhưng không được quốc tế công nhận.
Những năm gần đây, các đợt xung đột nhỏ vẫn tiếp diễn ở Nagorno-Karabakh, mới nhất là vụ đụng độ khiến hàng chục người chết hồi tháng 7/2020, mà cả hai cùng tuyên bố chiến thắng.