Aristotle – Cha đẻ của tư tưởng văn hóa phương Tây

Tùng Bách |

Theo cuốn “20 trí tuệ kiệt xuất làm thay đổi thế giới” của NXB Mỹ Thuật, Aristotle là một triết gia thiên tài. Ông là “cha đẻ” của tư tưởng văn hóa phương Tây. Ông còn là người thầy của Alexander Đại đế.

Aristotle – Cha đẻ của tư tưởng văn hóa phương Tây - Ảnh 1.

Bức tượng của triết gia cổ đại Aristotle. Nguồn: protothema.gr

Quan hệ mật thiết với triều đình

Aristotle sinh vào khoảng năm 384 trước Công nguyên ở Stagira, một thị trấn nhỏ nằm ở bờ biển phía Bắc của Hy Lạp. Cha của Aristotle là Nichomachus, xuất thân từ một gia đình có truyền thống theo nghề y nên ông cũng là một thầy thuốc.

Ông viết tới sáu cuốn sách và là ngự y riêng của Quốc vương Macedonia, Amyntas III. Vì vậy, Aristotle có mối quan hệ mật thiết với triều đình Macedonia. Mối quan hệ này ảnh hưởng sâu sắc tới cuộc đời ông sau này.

Nichomachus không bao giờ đối xử với Aristotle như một đứa trẻ. Ngược lại, ông để cậu giúp mình làm việc để sau này trở thành thầy thuốc. Thậm chí, Aristotle còn giúp bố khám nghiệm tử thi nên từ nhỏ đã học được mọi thứ cần biết về vật lý và sinh học. Chính vì vậy, cậu trở nên đặc biệt hứng thú với các môn khoa học tự nhiên.

Thật không may, bố mẹ mất sớm nên Aristotle phải tới sống cùng chị gái là Arimneste và anh rể Proxenus. Chính anh rể là người đã dạy cậu biết yêu thơ ca và văn học. Năm 17 tuổi, Proxenus gửi Aristotle tới Athens để theo đuổi sự nghiệp học hành. Vào năm 367 trước Công nguyên, Athens được coi là trung tâm học thuật của Hy Lạp. Ở Athens, Aristotle vào học Học viện của Plato – cơ sở học thuật hàng đầu tại Hy Lạp.

Học viện của Plato có khuôn viên rộng lớn, tại đây giảng dạy triết học và thiên văn học, cũng như tổ chức các buổi luyện tập thể thao và các cuộc thi.

Ngôi trường mở cửa cho mọi người, cả trẻ em lẫn người lớn, không phân biệt tuổi tác và bất kể giờ giấc. Aristotle là học trò ưu tú của Plato và về sau trở thành một trong những giáo viên giỏi nhất của trường. Ông đã gắn bó với Plato và ngôi trường suốt hai thập kỷ.

Năm 347 trước Công nguyên, Plato qua đời.

Vì bất đồng với một số lý luận triết học của thầy nên Aristotle không phải là người kế thừa ngôi trường này như nhiều người dự đoán. Vì vậy, Aristotle quyết định chuyển tới Assos, nơi ông có người bảo trợ là vua Hermias của Atarneus và Assos. Tại đó, ông kết hôn với Pythias, cháu gái của vua Hermias.

Tại Assos, ông thành lập ngôi trường đầu tiên để nghiên cứu về hệ động, thực vật trong vùng, rồi không lâu sau là một ngôi trường khác ở thị trấn Mytilene. Ở đây, Aristotle thực hiện nhiều nghiên cứu chuyên sâu hơn như tìm hiểu về các loài cá và côn trùng quý hiếm, cẩn thận liệt kê lại tất cả đặc điểm của chúng vào ghi chép của mình.

Sau đó, Aristotle được vua Phillip II gọi tới Macedonia để dạy cho con trai mình. Hoàng tử Alexander lúc đó 13 tuổi. Năm 335 trước Công nguyên, Alexander kế vị cha mình và chinh phục thành Athens. Còn Aristotle lúc đó quay lại Athens thành lập ngôi trường khác lấy tên là Lyceum.

Aristotle giảng dạy những môn học do chính mình đặt tên và xây dựng chương trình giảng dạy rõ ràng. Đó là lí luận học, vật lí, động vật học, thực vật học, thiên văn học, tâm lí học, thần học, lí luận học, chính trị, hùng biện và thơ ca.

Aristotle chia nghiên cứu triết học của mình thành ba nhóm: Khoa học thực tiễn, lý thuyết và khoa học sản xuất. Triết học thực hành bao gồm nghiên cứu các lĩnh vực như sinh học, toán học và vật lý. Triết học lý thuyết bao gồm siêu hình học và nghiên cứu về linh hồn. Triết lý sản xuất tập trung vào thủ công, nông nghiệp và nghệ thuật.

Aristotle đã đưa ra một phương pháp suy diễn logic lấy tên là Tam Đoạn Luận. Trong đó một định đề đúng sẽ được suy ra từ hai định đề đúng khác. Tam Đoạn Luận đóng một vai trò quan trọng đối với triết học cho tới ngày nay và là cơ sở để tạo nên các hệ thống lý luận phức tạp hơn.

Học trò của ông viết ra những phát hiện của mình lên các bản thảo. Bằng cách đó, họ đã xây dựng được một bộ sưu tập khổng lồ các tài liệu của trường – vốn được coi là một trong những thư viện lớn đầu tiên trên thế giới.

Nền tảng của tư tưởng phương Tây

Aristotle nổi tiếng với thói quen đi dạo trong sân trường khi dạy học. Vì thế, học trò buộc phải đi theo ông. Những lần đi dạo như vậy tạo ra cuộc tranh luận thú vị và giúp phát triển nhiều ý tưởng và khái niệm quan trọng. Ông cho rằng, các học trò của mình cần phải áp dụng những gì họ học được vào cuộc sống hàng ngày.

Trong thời gian đó, Alexander Đại đế đã chinh phục được cả một đế chế, trải rộng từ sông Danube tới Ấn Độ và bao gồm cả Lybia và Ai Cập. Người học trò này đã liên tục gửi cho thầy của mình những mẫu động vật, thực vật từ khắp mọi miền Hy Lạp và Tiểu Á.

Nhờ vậy, Aristotle có thể mở rộng các nghiên cứu, cũng như hệ tư tưởng khoa học và triết học của mình. Ông phân loại và sắp xếp tất cả tri thức thu thập được tới thời điểm bấy giờ. “Hệ tư tưởng” này được lưu truyền tới khắp nơi trên thế giới và ngày nay vẫn là nền tảng của tư tưởng phương Tây.

Năm 323 trước Công nguyên, Alexander Đại đế qua đời. Nhiều người Hy Lạp, đặc biệt là những người Athens, vốn luôn phẫn nộ từ khi Macedonia thống trị toàn bộ Hy Lạp dưới thời Alexander Đại đế.

Do mối quan hệ giữa Aristotle và học trò cũ, những người này bắt đầu coi triết gia thiên tài như kẻ thù. Lo sợ bị hành quyết, ông đã rời Athens tới Chalcis, nơi ông qua đời một năm sau đó khi 63 tuổi.

Có thể nói, Aristotle là một nhà triết học, một nhà khoa học có ảnh hưởng hết sức lớn lao tới nền văn minh phương Tây và cả nhân loại. Sau khi Aristotle qua đời, có hai sự kiện chứng tỏ ảnh hưởng của Aristotle trên nền chính trị của Athens.

Sự kiện thứ nhất là Bản Hiến pháp của Athens do Antipater soạn thảo năm 321 sau khi dẹp xong cuộc nổi dậy của Athens 2 năm trước đó. Bản Hiến pháp này phản ảnh tư tưởng chính trị của Aristotle và tiếp nối chính sách của Lycurgus.

Đó là quyền đầu phiếu giới hạn trong số dân Athens có tài sản từ 2.000 drachmas trở lên. Nghĩa là giới hạn trong giới trung lưu, những người có một số tài sản vừa phải và còn trẻ để làm nghĩa vụ quân sự.

Sự kiện thứ hai là việc Demetrius, học trò của Aristotle, lên cai trị Athens và biến những gì Aristotle đã dạy tại Lyceum thành luật. Ảnh hưởng của Aristotle, tuy nhiên, không chỉ giới hạn tại Hy Lạp hay tại Athens. Về phương diện triết lý chính trị, Chính trị luận của Aristotl trở thành kinh điển cho khoa chính trị học tại Tây phương đến ngày nay.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại