Tỉ lệ phạm tội gia tăng ở Hồng Kông
Tiểu thương họ Pan, hành nghề bán lẻ đồng hồ xa xỉ, tỏ ra khiếp sợ khi những kẻ đeo mặt nạ cầm búa đập vào cửa một cửa hàng lân cận, kề dao vào cổ ông chủ, lấy đi số hàng hóa trị giá hàng trăm nghìn USD rồi mất hút vào ma trận đường phố ở Hồng Kông.
Không đầy hai tuần sau đó, những kẻ cướp có vũ khí lại xuất hiện. Nhưng lần này những tiểu thương ở Kowloon đã đứng lên.
Pan chia sẻ câu chuyện với AP (Mỹ), kể rằng ông đã vớ lấy một ống sắt - được chuẩn bị sẵn để đề phòng các vụ đụng độ - rồi lao ra đường và tham gia chống trả lại những kẻ tấn công cửa hàng Past & Future Times hòng cướp đi những chiếc đồng hồ cao cấp.
Pan không tiết lộ đầy đủ tên tuổi bởi lo lắng cho an toàn của bản thân. Ông cũng cho biết đã "tăng cường an ninh" bằng một con dao chặt thịt lớn ở cửa hàng, cũng như làm cửa hai lớp mới và thay kính cường lực.
"Tất cả các cửa hàng đều ra giúp đỡ [chống lại kẻ cướp]. Bây giờ chúng tôi rất đoàn kết," Pan nói.
Hình ảnh ngày 18/12 tại một cửa hàng bán đồng hồ ở khu mua sắm Mongkok, Hồng Kông, với giấy thông báo yêu cầu người ra vào không đội mũ và đeo khẩu trang (Ảnh: AP Photo/Kin Cheung)
Các tiểu thương không còn cách nào khác. Theo AP, lực lượng 30.000 cảnh sát của Hồng Kông đã bị quá tải bởi các cuộc biểu tình nổ ra từ tháng 6 vừa qua. Tội phạm cướp giật và tấn công có vũ khí dường như đã lợi dụng kẽ hở khi cảnh sát phải tập trung lực lượng để kiểm soát người biểu tình.
Cảnh sát nói rằng danh tiếng đáng tự hào của thành phố 7.5 triệu dân, như một thiên đường yên bình của châu Á, với tỷ lệ tội phạm thấp hơn các thành phố tương đương, đang bị xói mòn.
"Chúng tôi từng là một thành phố hết sức an toàn. Đến 6 tháng trước, bằng cách nào đó mà chúng tôi đang phải đối mặt với rất nhiều thách thức," phát ngôn viên cảnh sát Hồng Kông, sĩ quan cấp cao Kwok Ka-chuen nói.
Cảnh sát "căng" hết cỡ để đối phó biểu tình
Hồng Kông vẫn là địa điểm mà du khách không cần lo lắng nhiều khi đi lại về đêm. Thành phố này có tỉ lệ tự sát ít hơn 6 lần so với New York vào năm ngoái, tỉ lệ các vụ đột nhập thấp hơn 7 lần và cướp giật thấp hơn 88 lần.
Dù vậy, nhân lực của cảnh sát đã bị xáo trộn lớn do các sĩ quan bị điều động khỏi nhiệm vụ chống tội phạm để ra đường ứng phó với làn sóng bạo lực gia tăng, khi người biểu tình bắt đầu sử dụng bom xăng và đập phá tài sản công. Nhân viên trại giam và hải quan cũng được huy động để củng cố hàng ngũ cảnh sát. Chi ngân sách làm việc ngoài giờ của cảnh sát đã tăng chóng mặt, lên đến gần 1 tỉ đôla Hồng Kông (khoảng 128 triệu USD).
Người dân đi qua một cửa hàng đồng hồ xa xỉ trên con phố trung tâm khu Mongkok, Hồng Kông, ngày 18/12 (Ảnh: AP Photo/Kin Cheung)
May Chan, một đại lý ở Kowloon, cho biết trước đây cảnh sát thường tuần tra vào buổi sáng và chiều qua khu vực cửa hàng, nơi cô bán những chiếc đồng hồ trị giá hàng chục nghìn USD. Lịch trình tuần tra này bị gián đoạn vào tháng 8, sau khi biểu tình bạo lực gia tăng. Cũng vào thời gian này, một kẻ có dao đã ập vào cửa hàng của cô và cướp số hàng hóa trị giá khoảng 130.000 USD.
"Đó là do các vụ biểu tình," Chan nói với AP. "Tình hình đã trở nên nguy hiểm. Cảnh sát không còn xuất hiện nữa, họ không có đủ người."
AP cho hay, trong nửa đầu năm 2019, cảnh sát Hồng Kông chỉ ghi nhận 44 vụ cướp với tỉ lệ trung bình 4 ngày 1 vụ. Con số này tăng lên 126 - tức gần 1 vụ/ngày - trong thời gian từ tháng 7 đến tháng 11. So với cùng kỳ năm ngoái, tỉ lệ các vụ cướp giật tăng 147%. Số vụ trộm đột nhập cũng tăng trong thời gian diễn ra biểu tình, lên 1.270 vụ (8 vụ/ngày), gấp đôi so với năm 2018.
Một số người biểu tình nghi ngờ cảnh sát cố ý phớt lờ các vụ phạm tội nhằm củng cố luận điểm của nhà chức trách rằng làn sóng biểu tình đang hủy hoại thành phố. Kwok Ka-chuen bác bỏ cáo buộc này, nhưng lòng tin của những người ủng hộ biểu tình đối với cảnh sát đã suy giảm nhiều sau các vụ đụng độ và bắt giữ.
Một chủ cửa hàng đồng hồ khác, Jan Leung, chất vấn về lý do bà vẫn không thấy cảnh sát trở lại tuần tra trên đường phố khu Kowloon trong 1 ngày không có biểu tình quy mô lớn, dù nơi này mới xảy ra hai vụ cướp. Một video trên mạng cho thấy kẻ cướp đeo mặt nạ cố giật lấy túi xách của nạn nhân, còn một đồng phạm cầm dao đứng canh.
"Bây giờ không khí đã yên bình, không có chuyện gì xảy ra cả, nhưng vẫn không thấy cảnh sát," Leung nói.
Theo thông tin của cảnh sát Hồng Kông, các nhân viên chấp pháp đang chuyển sang tuần tra bằng phương tiện thay vì đi bộ, một phần nhằm bảo vệ họ khỏi người biểu tình quá khích. Cảnh sát cũng lý giải rằng cần phải bảo toàn nguồn lực để phản ứng nhanh trước các tình huống bất ngờ.
Pan nói cảnh sát tuần tra đã trở lại khu vực cửa hàng của ông, nhưng đi theo nhóm đông hơn - khoảng 6 người - để đề phòng trường hợp bị "tấn công bằng bom xăng hoặc bằng gạch".
Nếu những kẻ cướp giật trở lại, nhóm tiểu thương cũng đã sẵn sàng. Họ thuê vệ sĩ riêng và lắp đặt hệ thống báo động để truyền tin cho nhau khi bị tấn công.
"Chúng tôi đều có vũ khí," Pan nói. "Tôi không bao giờ tin được chuyện này lại xảy ra ở Hồng Kông."