Áp thuế "giải cứu ngành thép": Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump

Terry F. Buss, PhD |

Tổng thống Donald Trump đã chính thức áp mức thuế 25% đối với thép (và 10% đối với nhôm) nhập khẩu – theo đúng như những cam kết tranh cử năm 2016-2017 về việc chống "thương mại không công bằng".

Ông Trump, cũng giống như các Tổng thống trước đây của Hoa Kỳ từ thời TT Lyndon Johnson, đã luôn cố gắng bảo hộ cho các nhà sản xuất thép trong nước. Thất bại của các Tổng thống khác trong nỗ lực này đã để lại di chứng cho nước Mỹ trong sáu thập kỷ vừa qua với tỷ lệ thất nghiệp tăng cao, hàng loạt nhà máy phải đóng cửa và nền sản xuất ngày càng đi xuống.

Chính sách thuế của ông Trump vẫn sẽ là một thất bại. Đây sẽ là một thảm hoạ kinh tế và chính trị với nền kinh tế Mỹ và hệ thống thương mại toàn cầu.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 1.

Sau thế chiến II, ngành thép của nước Mỹ, vốn từng là ông lớn trên thị trường toàn cầu bắt đầu xuống dốc không phanh và không mảy may có hy vọng lội ngược dòng.

Vậy đâu là căn nguyên của tình trạng này? Là chính những người tạo dựng ngành thép – lãnh đạo, công nhân và các nhà đầu tư. Và còn là chính phủ Mỹ, trong nỗ lực giải cứu ngành thép thì lại góp phần đẩy ngành này vào thế diệt vong!

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 2.

Từ cuối những năm 1800 khi nước Mỹ đã làm mưa làm gió trên thị trường thép, Tổng công ty thép Hoa Kỳ - công ty sản xuất thép lớn nhất nước – thiết lập giá thép, sau đó các công ty thép khác của Mỹ sẽ áp giá tương tự. Do sự cạnh tranh trên thị trường thép toàn cầu không mạnh nên các doanh nghiệp thép Hoa Kỳ thấy không cần thiết phải cạnh tranh, họ chỉ việc ung dung thư giãn và hốt lợi.

Các doanh nghiệp thép phát hiện ra là họ có thể tăng lợi nhuận lên mức khủng hơn nữa nếu họ không tái đầu tư để tăng cường hiệu quả cho các nhà máy thép.

Và thế là các ông chủ ngành thép đã mặc kệ cho các nhà máy của mình xuống cấp đến mức trầm trọng không thể cứu vãn. Đổi mới sáng tạo trở thành một khái niệm quá ư xa xỉ đối với ngành thép.

Một ví dụ là các nhà máy sản xuất thép ở Youngstown, Ohio – đây là cái nôi của ngành sản xuất thép toàn cầu trong nhiều thập kỷ. Các nhà máy thép được xây dựng từ cuối những năm 1800 và cho đến những năm 1970, các cột khói vẫn không ngưng nghỉ.

Một yếu tố nữa không thể không nói đến chính là lực lượng công nhân của nghiệp đoàn – họ được trả mức lương và phúc lợi cao theo như yêu sách đưa ra và trở thành nhóm người lao động có mức lương cao nhất ở Mỹ. Sau đó, chi phí lao động đã khiến ngành thép mất tính cạnh tranh. Tệ hơn nữa, khi các nhà máy thép bắt đầu bị đóng cửa vào cuối những năm 1970, tất cả những ai có ý định mua lại các nhà máy này đã đều phải e ngại quay lưng trước viễn cảnh è lưng chi trả các khoản tiền lương theo "mức giá tiền lệ" cho những công nhân về hưu và bồi thường thất nghiệp cho đối tượng bị cắt giảm.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 3.

Năm 2002, số lượng công nhân thép về nghỉ hưu là 600,000 – khoản tiền lương hưu của họ đã đẩy giá thép tăng từ 5% đến 10%. Chỉ trong một công ty như Công ty thép LTV, khoản nợ lương của 82,000 công nhân về hưu là 46,000 đô la mỗi năm. LTV vẫn thiếu 2.2 tỷ đô la để chi trả cho các khoản này và chính phủ đã phải ra tay cứu vãn trả khoản nợ này.

Tại nhiều vùng sản xuất thép, các doanh nghiệp thép và công nhân của mình kiểm soát cả lực lượng lao động địa phương và hệ thống chính trị địa phương. Một ví dụ chính là Youngstown - các công ty thép tại đây thậm chí còn kiểm soát cả những gì mà các doanh nghiệp khác lẽ ra phải được hưởng khi hoạt động tại đây. General Motors, hiện đang có một nhà máy sản xuất ô tô lớn trong khu vực này, đã phải bí mật mua đất xây dựng cơ sở sản xuất quy mô lớn do sợ vấp phải sự phản đối của các công nhân thép. Thật nghịch lý khi mặc dù GM nằm sát bên hông các nhà máy sản xuất thép lớn của Mỹ mà doanh nghiệp này vẫn mua thép từ nhà máy thép Nhật Bản với giá rẻ hơn.

Các công nhân thép chính là một lực lượng chính trị lớn luôn sẵn sàng chọn bạo lực làm giải pháp. Năm 1946, công nhân thép tại Youngstown đã đốt cháy cả khu vực kinh doanh ở vùng trung tâm do tranh chấp tiền lương. Năm 1937, bạo động lại nổ ra. Năm 1952, trong thời gian chiến tranh Triều Tiên, Tổng thống Harry Truman đã phải cố gắng quốc hữu hoá ngành thép bởi công nhân không chịu sản xuất thép cho cuộc chiến do những xung đột về tiền lương.

Các công ty cơ khí Hoa Kỳ, nhận thấy các cơ hội vào thời hậu chiến tại các quốc gia tham gia thế chiến II, đặc biệt là Nhật Bản và Đức, bắt đầu tái thiết ngành thép trong nước, áp dụng công nghệ mới tại các khu vực đất chưa được đầu tư phát triển ("vùng đất xanh") do hậu quả tàn phá của chiến tranh. Các công nghệ mới đòi hỏi các nhà máy phải sử dụng nhiều công nhân hơn và nhân lực phải hiệu quả hơn. Theo ước tính, chỉ riêng "các vùng đất xanh" đã có lợi thế chi phí 40% so với các khu vực khác ("vùng đất nâu" - những khu đất bỏ hoang, không được canh tác hoặc là khu công nghiệp, thương mại không được sử dụng. Việc mở rộng hay tái phát triển các khu đất này rất phức tạp bởi độ ô nhiễm môi trường nặng nề). Kết cục là các doanh nghiệp thép Hoa Kỳ trở nên hoàn toàn bất lực trong cuộc cạnh tranh mới.

Khi nhu cầu thép giá rẻ tăng cao và các thị trường khác trong khu vực suy thoái, các đối thủ cạnh tranh trên thị trường thép toàn cầu bắt đầu xâm nhập thị trường Mỹ và chào các đơn hàng thép chất lượng cao giá rẻ hơn. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 là một cú hích để các doanh nghiệp mở rộng thị trường sang Mỹ.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 4.

Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp thép toàn cầu không ngừng gia tăng sản lượng đã dẫn đến tình trạng cung vượt cầu trong những năm 1990. Thay bằng việc cắt giảm sản lượng, các doanh nghiệp Mỹ lại khiến vấn đề này trầm trọng và khiến các nhà máy sản xuất thép phải đóng cửa. Các doanh nghiệp thép toàn cầu bắt đầu chiến dịch bảo hộ quy mô lớn cho các công ty không còn khả năng cạnh tranh do không thể bán được số thép dư thừa.

Phong trào môi trường ở Mỹ cũng gây ảnh hưởng tiêu cực đáng kể đến ngành thép. Cuộc đàm phán miễn trừ trách nhiệm môi trường thành công đã giúp ngành thép không phải lắp đặt thiết bị giảm thiểu ô nhiễm vô cùng tốn kém. Vào cuối những năm 1970, các doanh nghiệp thép không còn được hưởng ưu đãi miễn trừ này nữa. Hàng trăm cơ sở sản xuất đã phải đóng cửa bởi họ không thể chịu nổi chi phí chống ô nhiễm môi trường.

Hệ quả là các doanh nghiệp thép ở Mỹ - lãnh đạo, nghiệp đoàn và các nhà đầu tư – lần lượt rút khỏi thị trường sản xuất. Theo báo cáo của Viện Sắt Thép Hoa Kỳ, cao điểm là năm 1953, tổng số lao động tại các nhà máy thép được ghi nhận là 650,000. Con số này đến nay chỉ còn 140,000 và vẫn đang tiếp tục giảm.

Trớ trêu là các nhà sản xuất thép, vốn là người đặt nền móng cho ngành thép, bắt đầu từ những năm 1980 lại thu lợi nhuận từ các khoản đầu tư "phi thép". Một ví dụ là Công ty Bethlehem Steel, từng đứng thứ 8 trong danh sách 500 doanh nghiệp lớn nhất do Tạp chí Fortune bình chọn. Từ những năm 1990, nguồn doanh thu chính của công ty này đến từ việc bán bất động sản là những cơ sở công nghiệp bị bỏ hoang. Thậm chí Bethlehem Steel còn thực hiện một bước đi vô cùng táo bạo là mua lại công ty năng lượng có máu mặt, Marathon Oil.

Tái thiết ngành thép đã quá lạc hậu là một việc vô cùng tốn kém cho nước Mỹ. Những lò cao cũ dùng để sản xuất thép trong cả một thế kỷ qua đã phải nhường đường cho các công ty nhỏ hơn. Họ sử dụng ít nhân công hơn, áp dụng công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường. Các công ty mới này không còn sản xuất thép nữa mà tái sử dụng nguồn thép phế liệu.

Các độc giả quan tâm có thể đọc cuốn sách của tôi "Đóng cửa ngành thép ở Youngstown".

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 5.

Tất cả các Tổng thống Mỹ bao gồm Tổng thống Lyndon Johnson, Richard Nixon, Jimmy Carter, Ronald Reagan, George H. W. Bush, Bill Clinton, George W. Bush, Barack Obama, và hiện giờ là TT Donald Trump đều thất bại trong nỗ lực giải cứu ngành thép. Mỗi đời Tổng thống đều chủ trương kết hợp một số biện pháp gồm thuế quan– là khoản thuế áp dụng cho thép nhập khẩu mà doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ phải trả - hoặc kiểm soát giá – ấn định giá thép nhập khẩu ở mức không rẻ hơn giá của các nhà sản xuất trong nước, cùng với đó là những nỗ lực thông qua Tổ chức thương mại thế giới trừng phạt những doanh nghiệp thép toàn cầu có hành động trợ giá thép không công bằng. Mỹ cũng đàm phán song phương để buộc các quốc gia tự nguyện giảm xuất khẩu thép sang Mỹ.

Không có biện pháp chính sách nào trong số này thành công. TT Bill Clinton cố gắng đưa ra luật thương mại hà khắc và khiếu kiện các quốc gia "phá giá" bất hợp pháp sản phẩm thép. Ông cũng là cha đẻ của chương trình lãi suất ưu đãi dành cho các công ty sản xuất thép. Kết cục vẫn không khả quan.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 6.

Năm 2002, TT George W. Bush áp đặt mức thuế nhập khẩu thép từ 8-30%. Hai năm sau đó, thuế quan thép bị dỡ bỏ hoàn toàn. Một suất lao động tại nhà máy thép "tiết kiệm" được cho người dân đang nộp thuế một khoản tiền từ $400,000 đến $565,000, theo số liệu tính toán của Viện Peterson. Theo ước tính, khoảng 200,000 công nhân đang làm việc trong các ngành có sử dụng thép đã bị mất việc tương đương với khoản thất thu tiền lương lên đến 4 tỷ đô la. Giá thép cũng đã tăng thêm 15%.

Do e ngại về việc cạnh tranh không lành mạnh của doanh nghiệp Trung Quốc tại Mỹ, năm 2016, TT Barack Obama đã áp đặt mức thuế 522% lên thép tấm cán nguội nhập khẩu dùng trong sản xuất ô tô, thùng chứa hàng và xây dựng. Động thái này đã khiến lượng thép nhập khẩu từ Trung Quốc giảm xuống hai phần ba và thị phần của Trung Quốc tại Mỹ giảm xuống chỉ còn 2%.

Vì lý do nào đó, TT Trump điều chỉnh thuế để trừng phạt các doanh nghiệp Trung Quốc do cạnh tranh không lành mạnh. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Trung Quốc đang thoái vốn khỏi thị trường Mỹ để chuyển sang các thị trường khác và quay về đá tại sân nhà.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 7.

Thuế thép là một sai lầm nghiêm trọng của ông chủ Nhà Trắng, cả về mặt kinh tế và chính trị.

Như đã nói ở trên, thuế nhập khẩu và các biện pháp can thiệp khác đều không có lợi về mặt kinh tế. Chính sách đó chỉ có lợi cho một ngành công nghiệp kém hiệu quả mà lại gây tổn hại đến rất nhiều ngành kinh tế khác có quy mô lớn hơn và hiệu suất cao hơn. Đây là một ví dụ điển hình của hơn 6 thập kỷ thất bại. Đây chính là minh hoạ cho định nghĩa "sự điên rồ chính là cứ lặp đi lặp lại mãi một việc và trông đợi có kết cục khác".

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 8.

Ảnh: REUTERS

Các cố vấn của Tổng thống Trump hiểu rằng họ không có đủ căn cứ để đưa vụ việc thuế thép lên WTO với lý do phá giá, bởi vậy họ chọn con bài "an ninh quốc gia" theo đúng thể lệ của WTO. Thống nhất với chủ trương này, Bộ Thương mại đã "vung cây đũa thần" đưa ra một báo cáo về việc thép nhập khẩu đe doạ đến an ninh quốc gia.

Điều thú vị là Bộ trưởng Thương mại, Wilbur Ross, trước đây là một nhà đầu tư có máu mặt trong ngành thép: ông mua các công ty thép phá sản, sau đó bán lại cho nhà sản xuất thép Ấn độ, Lakshmi Mittal. Ông Ross đảm bảo lợi nhuận cho các phi vụ buôn bán của mình bằng việc không trả khoản bồi thường tổn hại môi trường do các doanh nghiệp thép gây ra và không trả lương hưu cho công nhân của các nhà máy này. Theo tạp chí Intercept, ông Ross đã gây cho người dân Mỹ đang trả thuế gánh nặng lên đến hàng trăm triệu đô la. Vậy là ông Ross, sau khi kiếm được những khoản lợi nhuận khủng từ việc bán lại các công ty thép trong nước cho nhà đầu tư nước ngoài thì giờ lại đang nỗ lực cứu vãn những công ty này bất chấp thực tế đây là những khoản đầu tư không triển vọng. Chẳng phải ông Ross là người hiểu rõ điều này hơn ai hết hay sao?

Tại sao lại là "An ninh quốc gia"? Nếu Trung Quốc ngừng xuất khẩu thép sang Mỹ thì sẽ xảy ra viễn cảnh: Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ về sức mạnh quân sự bởi nước Mỹ không thể sản xuất đủ thép cho nhu cầu quốc phòng. Tuy nhiên, Bộ trưởng Quốc phòng, James Mattis đã tuyên bố với Tổng thống Trump là quốc phòng chỉ tiêu thụ hết 3% lượng thép của nước Mỹ nên không phải không có nguy cơ an ninh quốc gia ở đây. Không chấp nhận điều này, các cố vấn của TT Trump đã mở rộng ranh giới định nghĩa về an ninh quốc gia trong đó bao gồm tất cả các loại hình hạ tầng: giao thông, lưới điện, hệ thống nước…. Tóm lại, tất cả mọi thứ được làm từ thép đều là lợi ích an ninh quốc gia.

Chúng ta có thể thấy một số sai lầm nghiêm trọng ở đây. Thứ nhất, an ninh quốc gia đã bị đe doạ chỉ một lần trong suốt ba thập kỳ vừa qua, vì vậy khả năng xảy ra là vô cùng hiếm hoi. Đồng thời, an ninh quốc gia không được định nghĩa một cách chung chung và bao quát như vậy. Sử dụng lý do an ninh quốc gia khiến cho lý giải chính sách của TT Trump mang tính nguỵ biện. Các chuyên gia lo ngại rằng những nỗ lực không đâu vào đâu của Tổng thống sẽ chỉ khiến các quốc gia khác lấy lý do tương tự để áp đặt thuế quan.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 9.

Thứ hai, từ trước đến giờ những nước cung cấp thép cho nước Mỹ đều là các đồng minh thân cận, đặc biệt là Canada, Australia, Nhật bản và một số nước khác. Họ sẽ không tiếp tục xuất khẩu thép sang Mỹ. Một ví dụ là Canada – quốc gia này bán 90% sản lượng thép sang Mỹ và là nhà cung cấp thép lớn nhất của nước Mỹ, chiếm 16%. Điều quan trọng hơn là TT Trump không hiểu được những lắt léo trong "chuỗi cung ứng toàn cầu". Canada sản xuất ô tô cho các công ty ô tô của Mỹ sau đó số ô tô này sẽ được chuyển sang Mỹ. Tại Mỹ, các phụ tùng làm bằng thép sẽ được lắp đặt bổ sung và số ô tô này lại được chuyển trở lại Canada. Các phụ tùng ô tô được chuyển qua chuyển lại vài lần qua biên giới Mỹ-Canada. Tương tự như vậy với Mexico.

Thứ ba, chính sách thuế thép của TT Trump đã khiến tổn thương lòng tự trọng của 110 quốc gia xuất khẩu thép sang Mỹ. Nhiều quốc gia trong đó như EU, Trung Quốc, Brazil và các quốc gia khác hiện đang lên kế hoạch trả đũa Mỹ về việc này. Trước đó, TT Trump tuyên bố "chiến tranh thương mại là cuộc chiến dễ chiến thắng". Thực tế sắp tới sẽ là câu trả lời xác đáng nhất cho tuyên bố này. Hành động của người đứng đầu Nhà Trắng đã vi phạm tinh thần của WTO. TT Trump đang ép buộc các nước phải nài xin nước Mỹ bỏ tên mình ra khỏi danh sách áp thuế. WTO được thành lập một phần là để giảm thiểu những tình huống thế này thông qua bộ quy tắc đã được nhiều quốc gia thống nhất.

Có vẻ như ông Trump vừa tuyên bố "Hãy để cuộc chiến thương mại bắt đầu".

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 10.

Nhiệm kỳ tổng thống của ông Trump đã mở ra những động thái chính trị kỳ lạ nhất về thương mại (và có thể thấy như vậy ở tất cả mọi lĩnh vực). Các thành viên phe Dân chủ, Cộng hoà, tự do và bảo thủ đều thấy hoàn toàn bối rối.

Trong thời gian hai năm cuối nhiệm kỳ của mình, TT Obama đã thúc đẩy tự do thương mại, coi đó là một tiền lệ chính sách của ông. Đến thời điểm phê chuẩn Hiệp định tự do thương mại TPP, các nghị sỹ Cộng hoà ủng hộ TT Obama bằng cách thông qua hiến pháp cho phép Tổng thống phê chuẩn các thoả thuận thương mại không cần có sự can thiệp nhiều của Quốc hội. Đảng Dân chủ kịch liệt phản đối TPP nên đã không phê chuẩn thông qua.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 11.

Ảnh: Evan Vucci

Ông Trump được bầu làm Tổng thống nhờ cương lĩnh chống thương mại. Ông cùng với các nghị sỹ Hillary Clinton và Bernie Sanders đã đặt dấu chấm hết cho TPP ngay trong năm 2016. Trước đó, trong vai trò Ngoại trưởng dưới thời TT Obama, Hillary Clinton tự nhận là người khởi xướng TPP và cho rằng đó là "tiêu chuẩn vàng" của các thoả thuận thương mại.

Trước Tổng thống Obama và Clinton, Tổng thống Bush của phe Cộng hoà đã đưa ra sáng kiến xây dựng TPP từ năm 2008. Tháng 01 năm 2018, TT Trump tuyên bố Mỹ có thể cân nhắc lại việc tham gia TPP nếu có lợi cho nước này – điều này có vẻ như đảo ngược lại quan điểm trước đó của người đứng đầu nước Mỹ.

Áp thuế giải cứu ngành thép: Nỗ lực vô vọng và sai lầm nghiêm trọng của ông Trump - Ảnh 12.

Lúc này, ông Trump lại đang tìm cách rỡ bỏ Hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ giữa Mỹ, Canada và Mexico. Thuế thép nhập khẩu áp đặt lên Canada và Mexico nhằm giúp vô hiệu hoá hiệp định này. Tuy nhiên, các nghị sỹ Cộng hoà đồng loạt phản đối chính sách này và ông Trump đã phải loại trừ Canada và Mexico khỏi danh sách. Trớ trêu thay, NAFTA đã được Tổng thống Bill Clinton của đảng Cộng hoà ký thành luật năm 1994 với sự ủng hộ của cả hai đảng. Tổng thống của phe Cộng hoà, George W. Bush là người đặt nền móng cho Hiệp định này. Nhưng tại thời điểm này, TT Clinton lại phủ nhận Hiệp định do chính tay ông đã ký.

Đảng Cộng hoà đang chia rẽ trước chính sách thuế thép của TT Trump. Cố vấn kinh tế trưởng của Tổng thống, Gary Cohn, người giữ vai trò chủ chốt trong việc xây dựng hiến pháp cải tổ thuế vừa từ chức do bất đồng ý kiến về thuế thép. Lãnh đạo lưỡng viện đều phản đối chính sách này. Trong khi đó, về phía đảng Dân chủ, một số nghị sỹ ủng hộ và một số khác vẫn giữ im lặng.

Trong suốt lịch sử lâu dài, thương mại luôn là nền tảng cho sức mạnh toàn cầu của nước Mỹ. Hiện tại, thương mại là phương tiện để đảm bảo đối trọng quyền lực giữa một bên là những tham vọng bá chủ toàn cầu ngày càng tăng của Trung Quốc và một bên là vai trò truyền thống của nước Mỹ trên bình diện toàn cầu. Chính trị nước Mỹ quá tệ hại vào thời điểm này, và thực trạng đó đã diễn ra lâu nay, khiến cho các nhà lãnh đạo trên thế giới không còn biết được những giá trị và chính sách của nước Mỹ là gì nữa. Điều này sớm muộn cũng sẽ dẫn đến một kết cục không có gì đáng lạc quan.

* Tiêu đề do tòa soạn đặt lại

For English version, click here

Xem bản gốc bài viết bằng tiếng Anh tại đây 

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại