Việc biếu tặng quà cáp mỗi dịp Tết là một phần của văn hóa và truyền thống lâu đời ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các nước Á Châu. Đây là cách để thể hiện sự quan tâm, tình cảm và lòng biết ơn đối với người thân, bạn bè, đối tác làm ăn và thậm chí là cấp trên. Nó cũng thể hiện mong muốn mang lại may mắn, sức khỏe và thành công cho người nhận trong năm mới.
Tuy nhiên, việc biếu tặng quà Tết cũng có thể gây áp lực cho một số người về mặt tài chính, đặc biệt khi họ cảm thấy cần phải tặng quà có giá trị cao để thể hiện lòng hiếu khách hoặc duy trì mối quan hệ. Ngoài ra, trong một số trường hợp, việc biếu quà có thể liên quan đến hành vi mua chuộc hoặc tạo ra sự không công bằng trong môi trường làm việc hay trong xã hội. Cũng vì những lý do này mà đôi khi biếu tặng mỗi dịp Tết trở thành vấn đề khá nhạy cảm
Vì vậy, quan điểm về vấn đề này cần cân nhắc giữa việc duy trì truyền thống và việc thúc đẩy một xã hội lành mạnh, làm sao để việc biếu quà không tạo ra gánh nặng hoặc không được sử dụng với mục đích không phù hợp. Việc chú trọng đến ý nghĩa và tình cảm thay vì giá trị vật chất của quà tặng có thể là một cách tiếp cận tích cực.
Nhưng vấn đề nằm ở chỗ như thế nào là áp lực và gánh nặng, bởi lẽ mỗi một gia đình sẽ có mức thu nhập cũng như quan điểm về chi tiêu khác nhau, khó có thể lấy thước đo của gia đình này áp đặt vào gia đình khác.
Chị Minh Tâm (45 tuổi) có quan điểm khá rõ ràng và rành mạch về vấn đề biếu tặng mỗi dịp Tết đến xuân về.
Chị Tâm cho biết, với gia đình chị thì việc biếu tặng ngày Tết là việc ưu tiên hàng đầu. Mua sắm cho gia đình thì là chuyện làm quanh năm rồi. Ăn uống thời nay cũng chẳng thiếu thốn gì nên việc mua thực phẩm không phải là khoản chi quá nhiều, cùng lắm là nhỉnh hơn ngày thường một chút.
Thế nhưng, đây là dịp thích hợp để thể hiện sự quan tâm đến những người xung quanh đặc biệt là với bố mẹ, ông bà. Ngoài ra, với những người đã giúp đỡ, hỗ trợ gia đình mình trong suốt 1 năm đã qua thì một vài món quà ngày Tết cũng là để thể hiện lòng cảm kích, để họ biết mình rất trân trọng tình cảm và sự giúp đỡ của họ.
Với quan điểm này, không cần biết thu nhập Tết năm đó là bao nhiêu nhưng cứ đến cuối tháng 11 âm lịch thì chị Tâm sẽ chuẩn bị 1 khoản tiền là 50 triệu đồng rồi lên kế hoạch chi tiết cho việc biếu tặng ngày Tết. Cụ thể như sau:
1. Biếu bố mẹ chồng: 10 triệu đồng
2. Biếu bố mẹ vợ: 10 triệu đồng
3. Quà biếu tặng ở nơi làm việc: 10 triệu đồng
4. Quà biếu tặng đối tác: 15 triệu đồng
5. Phát sinh bất chợt: 5 triệu đồng
Đã có năm thu nhập Tết của 2 vợ chồng cộng lại không đủ 50 triệu, chị Tâm đã rút sổ tiết kiệm để đủ tiền chi cho khoản này. Với gia đình chị đây là khoản chi bắt buộc và cần thiết nên chị không thấy có vấn đề gì với việc rút tiền tiết kiệm hay sử dụng gần hết thu nhập Tết cho khoản này.
Tất nhiên, quan điểm và nhu cầu của mỗi gia đình khác nhau sẽ dẫn đến xu hướng chi tiêu khác nhau. Có thể với gia đình khác việc chi quá nhiều cho quà cáp là phí phạm, không cần thiết nhưng họ sẽ có nhu cầu chi vào những khoản khác. Tất cả đều không có đúng hoặc sai mà chỉ có phù hợp hay không mà thôi.