Danshari, có thể hiểu là tối giản, được đề xướng bởi tác giả người Nhật Yamashita Hideko. "Dan - Đoạn”: không mua, không thu, không lấy những thứ không cần thiết, tránh dung nạp quá nhiều. “Sha - Xả”: vứt bỏ những thứ không có giá trị và vô dụng trong nhà, tránh việc tích lũy quá nhiều. “Ri - Ly”: vứt bỏ sự lệ thuộc của bạn vào vật chất, để ngôi nhà có một không gian rộng rãi, thoải mái và tự do tự tại. Tối giản không đồng nghĩa với keo kiệt, hà khắc trong chi tiêu.
Nhiều người nghĩ rằng lối sống tối giản là xa ngoài tầm với khi họ có con nhỏ. Bởi vì trong nhà có trẻ nhỏ thì làm sao mà dọn dẹp được gọn gàng và chứa ít đồ? Tuy nhiên Joshua Becker trong cuốn sách "Clutterfree with Kids" khẳng định các nguyên tắc của chủ nghĩa tối giản hoàn toàn có thể thực hiện cho dù bạn có bao nhiêu con hay sống ở đâu.
Lối sống tối giản không chỉ thực hiện được khi gia đình có trẻ nhỏ mà còn là một lối sống mang lại nhiều lợi ích cho các con. Khi duy trì lối sống tối giản, các con bạn sẽ học được những bài học bổ ích:
- Chúng ta không cần phải mua nhiều đồ đạc mới cảm thấy hạnh phúc.
- Chúng ta cũng không cần phải sống cuộc sống như những người khác.
- Chúng ta hãy sống trong khả năng của chính mình.
- Hãy luôn suy nghĩ cẩn thận về các quyết định mua sắm.
- Sẵn lòng chia sẻ với người khác bằng việc quyên góp và cho tặng những thứ mình không dùng đến nữa.
- Sự bừa bộn và lộn xộn là một điều làm cuộc sống nặng nề hơn.
- Khi không phải dành nhiều công sức cho việc dọn dẹp, các thành viên trong gia đình sẽ có nhiều thời gian bên nhau hơn.
- Chúng ta kiểm soát đồ đạc của mình chứ không để đồ đạc gây áp lực ngược lại.
Và dưới đây là những cách mà Joshua Becker đưa ra khuyên các bậc cha mẹ nên thực hiện trong các quyết định mua sắm cũng như dọn dẹp nhà cửa để bắt đầu lối sống tối giản khi có con nhỏ:
1. Bắt đầu giảm tốc độ mua sắm đồ dùng
Giảm bớt đồ dùng cá nhân của bạn là việc cần làm đầu tiên và đồ dùng chung của cả gia đình là điều thứ hai. Chắc chắn là không công bằng khi áp dụng lối sống tối giản về đồ đạc cho những đứa trẻ còn bản thân bạn thì không.
Trước khi mua một món đồ nào đó, hãy tự hỏi mình một số câu hỏi sau:
- Món đồ này có thực sự cần thiết không?
- Mình còn chỗ trong nhà để đặt nó không?
- Món đồ này sẽ tốn thêm bao nhiêu tiền của mình?
- Mình có lý do chính đáng nào khác để mua nó không?
Trong quá trình giảm tốc độ mua sắm để loại bỏ sự bộn bề đồ đạc cá nhân, bạn sẽ rút ra được những bài học quý giá. Từ những bài học ấy, cha mẹ đặt mình vào vị trí của các con để giúp trẻ định hướng tốt hơn trong hành trình riêng thực hiện lối sống tối giản ít đồ dùng của chúng.
2. Loại bỏ những món đồ không thực sự cần thiết
Chủ nghĩa tối giản nghĩa là chỉ giữ lại những thứ cần thiết. Chúng ta nên loại bỏ những thứ không cần cho cuộc sống của mình để tập trung vào những điều quan trọng. Hầu hết các ngôi nhà đều chứa đầy các vật dụng không cần thiết, thậm chí còn chẳng được sử dụng đến.
Bạn có thể bắt đầu bằng cách loại bỏ quần áo mà lũ trẻ không mặc đến, đồ chơi mà chúng không còn chơi và những vật dụng khác các con đã lâu chưa sử dụng tới. Đó là một bước cơ bản rất dễ dàng mà ai cũng có thể làm được, thậm chí bạn có thể hướng dẫn trẻ cùng thực hiện.
3. Thực hiện các quyết định mua hàng một cách cẩn thận trong tương lai
Lối sống tối giản không có nghĩa là bạn ngừng mua sắm, tuy mua sắm ít đi nhưng sẽ đề cao chất lượng hơn. Chúng ta vẫn cần mua nhiều thứ trong tương lai. Trẻ em sẽ lớn hơn, quần áo, đồ chơi, đồ dùng học tập, đồ dùng thể thao… vẫn cần được sắm sửa để đáp ứng nhu cầu của con.
Tuy nhiên trước những quyết định mua hàng, cha mẹ hãy suy nghĩ cẩn thận và kỹ lưỡng. Hãy thay câu hỏi “Tôi có muốn cái này không?” bằng nghi vấn “Tôi có cần cái này không?”. Chỉ một mẹo đơn giản này sẽ giúp bạn mua được chính xác những thứ cần thiết cho các con, tránh lãng phí tiền và phòng ngừa được sự tắc nghẽn không gian trong nhà vì quá nhiều đồ dùng.
Thêm một điều nữa, cha mẹ cần đặc biệt lưu ý khi mua sắm đồ khuyến mại cho con. Đó là cách tốt để tiết kiệm tiền nhưng đừng nên mua nhiều "cất đi dùng dần" mà mắc phải sai lầm mua về những thứ không cần thiết.
4. Đừng bao giờ keo kiệt cho những trải nghiệm thú vị
Một lợi ích của chủ nghĩa tối giản là bạn tiêu ít tiền hơn vào đồ đạc, có nhiều thời gian hơn do không phải vật lộn với sự lộn xộn trong nhà. Bởi vậy gia đình bạn sẽ có thêm tiền tiết kiệm và làm những điều ý nghĩa với số tiền đó.
Hãy tổ chức một buổi đi đến bãi biển, công viên giải trí hoặc các chuyến du lịch trải nghiệm thú vị cho gia đình và những đứa trẻ. Những điều đó chắc chắn có ý nghĩa hơn nhiều so với việc mua quá nhiều đồ rồi chất đống trong nhà thành mớ lộn xộn đầy ngột ngạt.
Chủ nghĩa tối giản đề cao những trải nghiệm ý nghĩa, cảm nhận của con người và sự thư thái, hạnh phúc trong tâm hồn. Áp dụng sự tối giản trong chi tiêu khi nhà có con nhỏ, việc nuôi con sẽ không còn là áp lực kinh tế lớn nữa. Chẳng những bạn rèn luyện được cho con những đức tính, bài học tốt mà còn có nhiều cơ hội hơn giúp trẻ trải nghiệm cuộc sống thông qua những chuyến đi.