Sau gần một tháng im hơi lặng tiếng, né tránh và câu giờ, tối ngày 10.12 vừa qua,Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã có bài phát biểu trên truyền hình trình bày những suy nghĩ của mình về làn sóng biểu tình và tình trạng bạo lực hỗn loạn trong thời gian qua ở nước Pháp, đặc biệt ở thủ đô Paris, và tuyên cáo những biện pháp chính sách mới.
Nước Pháp trong suốt vài thế kỷ qua không hiếm xảy ra tình trạng bạo loạn chính trị xã hội như hiện tại nhưng lần cuối cùng trước lần này xảy ra cách đây cũng đã 23 năm rồi.
Trong 19 tháng lãnh đạo nước Pháp đến thời điểm hiện tại thì làn sóng "Áo vàng" thách thức nghiêm trọng nhất quyền lực của ông Macron và đẩy nước Pháp vào cuộc khủng hoảng chính trị quyền lực và xã hội rất nguy hại.
TT Pháp "xuống nước" xin lỗi
Bài phát biểu của ông Macron dài 13 phút. Những trình bày của ông này mới chỉ có thể làm dịu bớt mức độ phản đối và bất bình của dân chúng chứ hoàn toàn chưa thể đủ để đưa nước Pháp thoát được ra khỏi cuộc khủng hoảng, mới chỉ giúp ông Macron có thêm thời gian và cơ hội mới để duy trì vị thế quyền lực chứ chưa đủ để đàm bảo chắc chắn là vị thế quyền lực ấy của ông Macron không bị suy suyển.
Cuối cùng thì rồi vị tổng thống trẻ tuổi này cũng đã chịu tỏ ra cầu thị, thay đổi cách nhìn nhận và quan điểm chính sách lâu nay, đáp ứng yêu sách của những người biểu tình phản đối, tuyên cáo bước ngoặt trong chính sách xã hội và thuế, thể hiện thiện chí đối thoại với người biểu tình.
Nước Pháp hoa lệ bị "nhuộm vàng" bởi những người biểu tình phản đối chính sách của TT Macron. Ảnh: AP
Ông này xem ra đã nhận thức được về sự cần thiết không phải của những biện pháp chính sách nói trên mà của việc phải ban bố chúng để cứu vãn quyền lực của chính mình. Nhận thức này không tự đến với ông Macron mà là kết quả của áp lực từ trên đường phố.
Cho tới nay, ông Macron luôn được đắm mình trong thành công và tung hô. Đối với những người như thế, việc phải ngậm bồ hòn làm ngọt để nhượng bộ với những người biểu tình phản đối chỉ có thể là thất bại đầy cay đắng trong cầm quyền.
Với nhận thức như thế về quyền lực, với định hướng quan điểm chính sách cầm quyền như thế và với bản lĩnh lãnh đạo như đã thể hiện trong vụ việc này, ông Macron đã cho thấy nếu không thay đổi cơ bản thì càng cầm quyền càng chứng tỏ không có đủ khả năng để dẫn đưa nước Pháp tới được giải pháp ổn thoả cho tất cả những vấn đề đang đặt ra cho nước Pháp.
Xem ra, được coi là tuổi trẻ tài cao nhưng đến đỉnh cao quyền lực quá sớm lại hàm chứa không ít cái phản tác dụng và lợi bất cập hại.
Trong bài phát biểu trên truyền hình kia, ông Macron trước hết nhận lỗi về mình. Báo chí và truyền thông châu Âu đồng loạt sử dụng cụm từ "Mea Culpa" để khái quát và bình luận - có nghĩa là "lỗi tại tôi".
Thông điệp của ông Macron là "vì tôi mà nước Pháp hiện nên nông nỗi này". Sau đó là những biện pháp chính sách mới của ông Macron, tức là thông điệp về nhận ra cái sai nên sửa sai.
Lương tối thiểu sẽ được tăng. Lương hưu cao từ 2000 Euro / tháng trở nên mới bị đánh thuế xã hội. Tiền công lao động làm ngoài giờ không bị đánh thuế nữa.
Giới chủ được khích lệ và vận động tặng tiền Noel cho người lao động..... Nhưng ông Macron vẫn duy trì chính sách giảm thuế cho người có thu nhập cao.
Có thể thấy qua đó ông Macron đáp ứng nhiều hơn mức độ người biểu tình phản đối yêu cầu. Những người chỉ vì những yêu sách này xuống đường biểu tình phản đối ông Macron chắc hài lòng. Nhưng những ai đòi Tổng thống từ chức thì những nhượng bộ này của ông Macron chưa thể đủ.
Bởi vậy mới có thể trù liệu sơ bộ được rằng chuyện biểu tình phản đối sẽ còn dai dẳng nhưng mức độ phản đối, đặc biệt mức độ hỗn loạn và bạo lực chắc sẽ giảm. Ở nước Pháp, hoả hoạn có thể đã được dập tắt, nhưng tro than vẫn còn rất hồng.
Vấn đề cũ ông Macron chưa giải quyết được là chưa rũ bỏ được hình ảnh "Tổng thống của người giàu" trong nhìn nhận của đại đa số người Pháp.
Vấn đề mới đối với ông Macron là lấy đâu ra khoảng 10 tỷ Euro tài chi cho những biện pháp chính sách mới kia.
Vay nợ mới thì sẽ làm tăng mức vay nợ công lên quá giới hạn mà EU đã quy định vì sự ổn định giá trị của đồng Euro, tức là sẽ gặp khó với EU.
Tạo ra vấn đề mới khác để giải quyết vẫn đề cũ đâu có phải là kế sách trị quốc lâu dài.
Bi thảm kịch hiện tại của nước Pháp cũng còn đồng thời là bi thảm kịch của EU. Ba thành viên thuộc diện tai to mặt lớn trong EU là Pháp, Đức và Anh hiện đều trong tình cảnh như nhau.
"Bộ 3 M" - Macron ở Pháp, Merkel ở Đức và May ở Anh - đều đang gồng mình gắng sức để bám trụ quyền lực và cả ba thành viên EU đều phải bận rộn với chính mình trước hết và nhiều nhất.
Tiêu đề do tòa soạn đặt lại.