Theo Business Insider, cố Thủ tướng Anh Winston Churchill là người có tư tưởng chống "chủ nghĩa cộng sản". Khi Thế chiến II bước vào giai đoạn cuối cùng, Churchill càng quyết tâm mở rộng quan điểm "chống cộng" của ông.
Churchill cho rằng, Liên Xô là mối đe dọa đối với dân chủ phương Tây. Trong một bài diễn văn năm 1946, Churchill chỉ trích Tổng bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Iosif Vissarionovich Stalin là người đã tạo nên "bức màn sắt" (một ranh giới vật lý và tư tưởng hình thành từ cuối Thế chiến II) chia cắt châu Âu thành 2 khu vực Đông và Tây Âu.
Ông cũng cảnh báo chống lại "chủ nghĩa bành trướng" của Liên Xô đang lan rộng khắp châu Âu. Bài phát biểu của Churchill nhận được sự chào đón nồng nhiệt của Tổng thống Mỹ Harry S.Truman. Bài phát biểu của Churchill được xem là "loạt đạn mở màn" Chiến tranh Lạnh.
Kế hoạch Không tưởng
Tháng 5/1945, vào thời điểm cả thế giới vừa thoát khỏi cơn ác mộng khi Đức quốc xã bị đánh bại, Churchill đã âm thầm chuẩn bị cho một cuộc chiến mới: Thế chiến III. Khi mực còn chưa kịp khô trên văn kiện đầu hàng của Đức quốc xã, Churchill yêu cầu Bộ Chiến tranh chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Liên Xô.
Khi các tướng lĩnh đặt câu hỏi về thứ dùng để áp đặt chí ý của Mỹ và Anh đối với Liên Xô, Churchill đảm bảo rằng, cuộc xâm lược sẽ được Mỹ dẫn dắt và nhận được sự hỗ trợ của quân đội Đức vừa thất bại.
Sử gia Max Hastings, người có nhiều công trình nghiên cứu về Churchill, cho biết tư tưởng hiếu chiến của Churchill xuất phát từ 2 yếu tố.
Đầu tiên, Anh hoàn toàn bị lu mờ trước chiến thắng ấn tượng của Liên Xô ở Đông Âu. Thứ 2, lập trường cứng rắn của ông ta trong việc chống Liên Xô hình thành sau khi Churchill biết về thành công của chương trình vũ khí hạt nhân Mỹ.
Theo yêu cầu của Churchill, Bộ Chiến tranh đã soạn thảo kế hoạch mang tên "Chiến dịch Không tưởng" đề xuất phương tiện và lực lượng để tấn công Liên Xô trên mặt trận kéo dài từ Hamburg, Đức đến Trieste, Italy.
Bộ Chiến tranh đã thống kê lực lượng phe Đồng minh ở châu Âu đến tháng 7/1945, gồm có 64 sư đoàn Mỹ, 35 sư đoàn Anh và thuộc địa, Ba Lan có 4 sư đoàn và tàn quân Đức có 10 sư đoàn. Tổng quân số phe Đồng minh khoảng 103 sư đoàn, trong đó có 23 sư đoàn thiết giáp.
Lực lượng không quân Đồng minh ở Tây Âu và Địa Trung Hải có khoảng 6.714 máy bay chiến đấu, 2.464 máy bay ném bom.
Trong khi đó, lực lượng Liên Xô có khoảng 264 sư đoàn, trong đó có 36 sư đoàn thiết giáp, tổng quân số khoảng 11 triệu người. 9.380 máy bay chiến đấu, 3.380 máy bay ném bom. Chênh lệch quân số và thiết bị ở tỷ lệ 2:1 nghiêng về Liên Xô.
Sự ảo tưởng của Churchill
Quân đội Liên Xô ở thời điểm kết thúc Thế chiến II quá mạnh để có thể đánh bại, ngay cả khi Mỹ, Anh liên thủ tấn công.
Bộ Chiến tranh cảnh báo Churchill rằng, chiến thắng chớp nhoáng như dự định của Churchill là điều không thể và nước Anh cần phải chuẩn bị cho một cuộc chiến kéo dài. Tính khả thi trong kế hoạch của Churchill rất thấp, cán cân lực lượng nghiêng hẳn về phía Moscow.
Ngoài yếu tố lực lượng, kế hoạch của Anh phụ thuộc hoàn toàn vào Mỹ, trong khi đó Washington đang chuẩn bị cho kế hoạch xâm lược Nhật Bản nên không thể hỗ trợ Anh. Kế hoạch hiếu chiến của Churchill sẽ kéo nhân loại vào một cuộc chiến đẫm máu khác ngay khi vừa kết thúc cuộc chiến ác liệt nhất lịch sử nhân loại.
Alan Brooke, Tham mưu trưởng quân đội Anh dưới thời Churchill từng viết trong hồi ký rằng "Winson đem lại cho tôi cảm giác khao khát một cuộc chiến khác". Liên Xô mạnh hơn nhiều so với những gì Churchill dự đoán.
Washington nhìn thấy kế hoạch tấn công Liên Xô là một thảm họa nên từ chối tham gia. Bản kế hoạch "Chiến dịch Không tưởng" mãi nằm trên giấy như chính tên gọi của nó. Kế hoạch tấn công Liên Xô của Churchill tuy không diễn ra nhưng nó đã góp phần làm cho Chiến tranh Lạnh giữa Liên Xô và NATO trở nên khốc liệt.