Áo trấn thủ của Trung tướng, anh hùng Nguyễn Phúc Thanh

Trần Thị Minh Thi, Đặng Thị Thu – Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam |

Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam hiện lưu giữ một hiện vật đặc biệt của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Phúc Thanh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nguyên Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần.

Đó là chiếc áo trấn thủ đã cùng ông trường chinh suốt các chặng đường chiến dịch, các trận đánh, ủ ấm cho ông những mùa đông lạnh, những đêm trở gió… trong 11 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, từ Trị Thiên đến miền Đông Nam Bộ.

Khi đang giữ cương vị Phó Chủ tịch Quốc hội, kiêm Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh, mặc dù rất bận rộn nhưng ông vẫn dành thời gian cho đoàn cán bộ Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam tới gặp gỡ, trò chuyện về cuộc đời binh nghiệp của mình và câu chuyện về chiếc áo trấn thủ. Với khuôn mặt rạng rỡ, nụ cười hiền hậu, ông vui vẻ vào chuyện:

"Tôi được đơn vị trang bị chiếc áo trấn thủ này năm 1964, khi mới nhập ngũ. Áo trấn thủ là loại áo chống rét phổ biến của bộ đội Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp và giai đoạn đầu của kháng chiến chống Mỹ.

Trong giai đoạn đó, nền kinh tế của ta rất khó khăn, việc cung cấp những loại áo chống rét cho bộ đội cũng là cả một nỗ lực cực kỳ lớn của ngành quân nhu.

Yêu cầu là áo phải gọn, chống được rét mà lại còn phải tiết kiệm tối đa nữa, vì thế áo trấn thủ chỉ có hai mảnh che trước ngực và sau lưng. Bên ngoài là hai lớp vải phin màu xanh cỏ úa, giữa lót bông, được may trần hình quả trám.

Áo chỉ ngắn đến ngang thắt lưng, cổ khoét tròn, dùng 3 khuy cài trên vai trái và 5 khuy cài ở mạng sườn trái. Áo may sát người, gọn, nhẹ, dễ mặc, dễ cởi.

Ngành quân nhu khi thiết kế loại áo này đã để toàn bộ hệ thống khuy sang phía trái vì bộ đội ta phần lớn thuận tay phải. Chiếc áo trấn thủ gắn với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ hơn nửa thế kỷ qua nhưng cho đến khi tôi về giữ cương vị Chủ nhiệm Tổng cục Hậu cần mới hiểu cặn kẽ vì sao gọi là áo trấn thủ.

Ông nheo mắt cười rồi kể: Dưới chế độ phong kiến, người lính phải lên trấn thủ miền biên giới xa xôi với nhiệm kỳ ba năm. Đó là quãng đời vô cùng vất vả khó khăn. Thân phận, cuộc sống của họ được lưu truyền qua câu ca dao cổ:

"Ba năm trấn thủ lưu đồn/ Ngày thì canh điếm, tối dồn việc quan". Miền biên ải thường có khí hậu lạnh về mùa đông, áo chống rét cũng không có. Từ câu thơ lục bát đó khi sản xuất loại áo này để giữ ấm ngực, bụng, lưng cho bộ đội thêm sức lực để "trấn thủ", ngành quân nhu đặt tên cho loại áo này là áo trấn thủ và đến bây giờ vẫn quen gọi như vậy".

Áo trấn thủ của Trung tướng, anh hùng Nguyễn Phúc Thanh  - Ảnh 1.

Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh (ngoài cùng bên phải) tặng hiện vật cho Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam, tháng 07/2018. Ảnh BTHC.

Chiếc áo trấn thủ của ông cũ, sờn, bạc màu đã cùng ông đi suốt cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc, nhưng dấu ấn đậm nhất đối với ông là những năm tháng ở chiến trường Trị Thiên - Huế, là một trong những nơi dữ dội và khốc liệt nhất trong kháng chiến chống đế quốc Mỹ, cứu nước.

Khí hậu vùng này tương đối khắc nghiệt, chia làm hai mùa, mùa khô từ tháng 3 đến tháng 8, trời nóng và oi bức, có lúc lên tới 39,9 độ C. Từ tháng 9 đến tháng 2 năm sau là mùa mưa và hay xảy ra bão lụt, nhiệt độ trung bình 19,7 độ C, có khi hạ xuống chỉ còn 8,8 độ C, có khi hàng tháng trời rất lạnh.

Tham gia chiến đấu ở chiến trường Trị Thiên, bộ đội không thể thiếu áo ấm. Chính vì thế, chiếc áo trấn thủ luôn được ông cất giữ trong ba lô. Cầm chiếc áo trên tay, ông xúc động kể lại chuyện đời mình trưởng thành từ Binh nhì lên một vị tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 11/1964, người thanh niên Nguyễn Phúc Thanh, người làng Vĩnh Thượng, xã Khai Thái, huyện Phú Xuyên, Hà Nội đang học dở cấp 3 tạm biệt gia đình, quê hương lên đường nhập ngũ. Hơn ba tháng huấn luyện, hành quân vào chiến trường.

Ngày 7/3/1965, ông tham gia trận đánh đầu tiên, là tổ trưởng tổ liên lạc của Đại đội 7, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Sư đoàn 304. Tháng 7/1967 đến tháng 11/1970, đồng chí làm Trung đội trưởng, Đại đội phó, Đại đội trưởng, Tiểu đoàn phó rồi Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 9, Quân khu Trị Thiên.

Hơn 11 năm ở chiến trường, ông đã tham gia 138 trận, tiêu diệt được 176 tên địch, bắn cháy 3 xe tăng và 1 máy bay trực thăng Mỹ. Và từ một người lính Binh nhì, ông đã nhanh chóng trưởng thành và trải qua nhiều cương vị chỉ huy.

Trong cuộc Tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đại đội của Nguyễn Phúc Thanh có nhiệm vụ đánh Dinh tỉnh trưởng, giải phóng nhà lao Thừa Phủ, chiếm xưởng Quân cụ rồi phát triển xuống khu làng Phước Quả, xây dựng trận địa chốt tại cầu Bến Ngự, cầu Kho Rèn.

Dù chưa có kinh nghiệm tác chiến trong đô thị và đồng bằng, đơn vị có sáng kiến ghép bè bằng cây bương để vượt sông hương. Hôm đó trời rét đậm, chiếc áo trấn thủ giúp anh ủ ấm ngực, chỉ huy đơn vị vượt sông.

Kết hợp nghi binh với tiến công đột phá, đại đội 6 đêm đó đã tiêu diệt và bắt sống gần 700 tên địch, góp phần giải phóng Huế rồi chuyển sang phòng ngự tiến công địch suốt 25 ngày đêm. Với thành tích diệt địch, lần đó, đơn vị của Nguyễn Phúc Thanh được trên tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.

Tổng kết về một số chiến công của đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, sách Lịch sử Trung đoàn bộ binh 9, Sư đoàn 968, Quân khu 4 năm 1947-2007 (Nhà xuất bản Quân đội nhân dân, Hà Nội, năm 2007) có ghi nhận: "… ngày 3 tháng 2 năm 1968 tại trận đánh vào Phú Cam (Huế), bọn phản động đội lốt tôn giáo tập trung thành một ổ lớn.

Ðại đội 6, Tiểu đoàn 2 dưới sự chỉ huy dũng cảm mưu trí của Đại đội trưởng Nguyễn Phúc Thanh đã tiến công tiêu diệt 360 tên, bắt 246 tên, trong đó có nhiều sỹ quan cao cấp của Sư đoàn 1 ngụy và những tên ác ôn có nhiều nợ máu, thu gần 200 súng các loại và nhiều tài liệu mật có giá trị…"

"… ngày 27 tháng 6 năm 1968, đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, tiểu đoàn phó tiểu đoàn 2 chỉ huy một đại đội tập kích địch ở ngã ba Bình Điền (Huế) diệt 29 tên, sau đó rút về phía sau an toàn…"

"… ngày 15 tháng 9 năm 1969, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn 3 Nguyễn Phúc Thanh chỉ huy bộ đội xung phong mãnh liệt tiến công giành giật với địch từng đoạn hào, từng căn hầm. Ðến 11 giờ ngày 15 tháng 9 năm 1969, ta làm chủ hoàn toàn, loại khỏi vòng chiến đấu 262 tên địch, có hơn 100 tên Mỹ, bắt 36 tên, phá hủy rất nhiều súng pháo của địch…"

Áo trấn thủ của Trung tướng, anh hùng Nguyễn Phúc Thanh  - Ảnh 2.

Chiếc áo trấn thủ của Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Phúc Thanh được lưu giữ và phát huy giá trị tại Bảo tàng Hậu cần QĐND Việt Nam. Ảnh BTHC.

Báo Quân giải phóng số ra đặc biệt ngày 25 tháng 1 năm 1969, có viết: " Trong năm qua, Nguyễn Phúc Thanh đã chỉ huy đơn vị đánh 36 trận, riêng anh diệt 117 tên địch, 1 xe tăng, được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất.

Trong chiến đấu, anh là một cán bộ chỉ huy có bản lĩnh, nắm chắc thời cơ, biết phán đoán địch, táo bạo xử lý xoay chuyển tình thế trong tình huống hiểm nghèo, quyết giành thắng lợi. Nguyễn Phúc Thanh là tiêu biểu cho tinh thần dũng cảm, mưu trí, sáng tạo, bình tĩnh, quyết đoán của một người cán bộ chỉ huy giỏi…"

Cuộc đời trận mạc của Trung tướng Nguyễn Phúc Thanh là những trận chiến ác liệt nối tiếp nhau: Trận tiến công, trận phòng ngự, trận luồn sâu, trận bao vây diệt viện. Trên đây chỉ là những lát nhỏ trong số 138 trận đánh lớn nhỏ trong cuộc đời binh nghiệp của ông.

Đối với cấp trên, trong những trận chiến then chốt, khó khăn nhất bao giờ ông cũng được tin cậy trao phó trách nhiệm. Và ông đã khẳng định rõ phẩm chất ấy của một tướng lĩnh cả trong thời chiến lẫn thời bình.

Ngày 28/5/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã ký quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân cho đồng chí Nguyễn Phúc Thanh, nguyên Đại đội trưởng Đại đội 6, Tiểu đoàn 2 (K18), Trung đoàn 9, Sư đoàn 304, Quân khu Trị Thiên.

Trên 50 năm hoạt động cách mạng, Trung tướng, anh hùng Nguyễn Phúc Thanh đã có nhiều đóng góp cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và của dân tộc, được Đảng, Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh, Huân chương Chiến công hạng nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều huân, huy chương cao quý khác.

Hồi 12 giờ 15 phút, ngày 8/2/2019, Trung tướng, Anh hùng LLVTND Nguyễn Phúc Thanh đã qua đời tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sau một thời gian lâm bệnh nặng.

Vị tướng đã ra đi, nhưng những chiếc áo trấn thủ và những kỷ vật về một thời trận mạc của ông sẽ được Bảo tàng Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam gìn giữ, lưu truyền đến các thế hệ hôm nay và mai sau.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại