Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Vienna, Thủ tướng Christian Kern cho rằng những tiêu chuẩn về dân chủ và tốc độ tăng trưởng kinh tế hiện nay của Thổ Nhĩ Kỳ còn cách khá xa so với tiêu chuẩn để trở thành thành viên của EU.
Ngoài ra, ông cảnh báo việc nước này trở thành một phần của khối thị trường EU sẽ gây ra một "sự biến động kinh tế quy mô lớn" trong khối, vốn đang phải giải quyết những vấn đề khó khăn do chính sách mở rộng hướng về phía Đông và Trung Âu.
Thay vào đó, theo ông, EU cần tìm kiếm những biện pháp giúp kinh tế Thổ Nhĩ Kỳ tiến gần hơn tới chuẩn châu Âu. Ông khẳng định sẽ đưa vấn đề này ra cuộc họp của Hội đồng châu Âu diễn ra vào tháng 9.
Bên cạnh đó, Thủ tướng Áo thừa nhận vai trò quan trọng của Thổ Nhĩ Kỳ trong các vấn đề an ninh và hội nhập, đặc biệt trong vấn đề người di cư.
Hồi tháng 3, Thổ Nhĩ Kỳ và EU đã ký thỏa thuận gây tranh cãi, theo đó Ankara chấp thuận tiếp nhận người Syria đã di cư sang Hy Lạp để đổi lấy những ưu đãi về tài chính và chính trị.
Hiện tiến trình gia nhập EU của Thổ Nhĩ Kỳ đang vấp phải nhiều rào cản, đặc biệt sau khi Tổng thống nước này Recep Erdogan để ngỏ khả năng khôi phục án tử hình sau vụ đảo chính bất thành hôm 15/7, cũng như việc chính quyền Ankara mạnh tay trấn áp các đối tượng tình nghi trên cả nước.
Tuy nhiên, trong một tuyên bố ngày 3/8, người đứng đầu cơ quan giám sát nhân quyền của châu Âu, Tổng Thư Ký Hội đồng châu Âu, ông Thorbion Jagland lên tiếng ủng hộ chiến dịch "làm trong sạch" bộ máy nhà nước của Ankara.
Ông Thorbion Jagland cho rằng châu Âu chưa hiểu đầy đủ những thách thức đe dọa nền dân chủ và nhà nước Thổ Nhĩ Kỳ mà chính quyền của Tổng thống Erdogan phải đối mặt sau cuộc đảo chính.
Do đó, ông nhấn mạnh cần phải buộc những kẻ gây ra vụ đảo chính chịu trách nhiệm cho hành động của mình.
Kể từ sau cuộc đảo chính đến nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ tổng cộng 26.000 đối tượng tình nghi, sa thải và đình chỉ công tác của 60.000 người thuộc quân đội, cảnh sát cũng như các ngành ngoại giao, y tế, giáo dục, luật pháp./.