Áo giáp nặng hơn 100kg của "xe tăng" thời cổ đại: Thách thức đội quân thiện chiến nhất

Nguyễn Hằng |

Những “cỗ xe tăng” to lớn được trang bị các bộ áo giáp nặng hàng trăm kg khiến chúng trở thành nỗi ám ảnh trên chiến trường cổ đại.

Kỵ binh là lực lượng trứ danh trong văn hóa phương Tây. Sức mạnh của những kỵ binh không chỉ phụ thuộc vào khả năng cưỡi ngựa điêu luyện, tốc độ ra đòn khi sử dụng vũ khí mà còn gây ấn tượng với các bộ áo giáp được trang bị kỹ lưỡng.

Trên thực tế, sức hút của những con ngựa được coi như một "vũ khí" chiến tranh vẫn còn có sức ảnh hưởng trong văn hóa đại chúng ngày nay. Tuy nhiên, ở phương Đông, có một loài vật cho thấy vị trí tối thượng của chúng trong một số trận đánh lớn nhất trong lịch sử của thế giới cổ đại. Đó là voi chiến (hay tượng binh), một vũ khí uy lực lớn và có thể phá vỡ thế trận của kẻ địch.

Voi chiến được ví như là những "cỗ xe tăng" thực thụ trên chiến trường. Những sinh vật khổng lồ này thường được bố trí trở thành thứ vũ khí ẩn chứa nhiều sức mạnh tiềm tàng để giúp phá vỡ các phòng tuyến của quân địch. 

Khác với ngựa, giáo và những lưỡi dao thường ít khiến voi chiến bị thương do chúng có khả năng chiến đấu độc đáo cùng sức mạnh vượt trội khi giao chiến.

Bộ áo giáp "bất khả chiến bại" của voi chiến thời xưa

Để gia tăng khả năng sống sót và góp phần cải thiện tính hủy diệt của loài voi khi tham chiến, người ta đã thiết kế cho chúng những bộ áo giáp bảo vệ ngày càng phức tạp, thậm chí có loại rộng nhất vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.

Trong số đó, không thể không nhắc tới những bộ áo giáp khổng lồ của đội quân tượng binh trong thế kỷ 16. Cụ thể, một chiếc áo giáp làm bằng kim loại hiện đang được trung bày trong Phòng trưng bày phương Đông thuộc Bảo tàng Vũ khí Hoàng gia, tại Leeds, Anh, cho thấy kích thước và trọng lượng đáng kinh ngạc.

Áo giáp nặng hơn 100kg của xe tăng thời cổ đại: Thách thức cả đội quân thiện chiến nhất  - Ảnh 1.

Bộ áo giáp nặng hàng trăm kg của voi chiến thời xưa.

Theo đó, bộ áo giáp này có xuất xứ từ miền bắc Ấn Độ thuộc thời kỳ trị vì của Đế quốc Mughal (1526-1857), được chế tác từ 5.840 tấm kim loại với trọng lượng khoảng 118kg. Đáng chý ý là một phần của chiếc áo giáp đã bị thất lạc và nếu hoàn chỉnh thì nó sẽ gồm 8.439 tấm kim loại với trọng lượng ước tính lên tới hơn 158kg.

Dù vậy, nhưng với kích thước hiện tại thì nó được coi là kỷ lục Guinness dành cho chiếc áo giáp lớn nhất của động vật.

Áo giáp nặng hơn 100kg của xe tăng thời cổ đại: Thách thức cả đội quân thiện chiến nhất  - Ảnh 2.

Nếu hoàn chỉnh thì bộ giáp này có thể nặng tới hơn 158kg.

Bên cạnh bộ giáp dày, chắc chắn, người ta còn trang bị thêm một cặp kiếm dài và sắc nhọn có hình lưỡi liềm gắn trên ngà voi, giúp đội quân tượng binh gia tăng sức mạnh và có khả năng gây ra sát thương lớn khi tham chiến.

Những lưỡi kiếm này có thể cắt hoặc đâm xuyên qua bất cứ thứ gì khi những con voi chiến tấn công kẻ địch. Sức mạnh của những chiếc ngà voi khiến chúng càng trở nên đáng sợ. Ngoài ra, một số đội quân còn tẩm chất độc lên lưỡi kiếm gắn trên ngà voi khiến cho chúng thậm chí còn nguy hiểm và trở thành nỗi ám ảnh lớn hơn đối với quân địch.

Áo giáp nặng hơn 100kg của xe tăng thời cổ đại: Thách thức cả đội quân thiện chiến nhất  - Ảnh 3.

Những lưỡi kiếm sắc nhọn tẩm độc còn là một vũ khí hiểm hóc ẩn trong bộ ngà của voi chiến.

Đối mặt với những con voi chiến hung hãn, thiện chiến cũng là nguyên do khiến không ít đội quân kỵ binh, bộ binh tinh nhuệ bị mất tinh thần chiến đấu, hoảng loạn. Voi chiến có thể đâm xuyên qua những "bức tường" không thể xuyên thủng của bộ binh.

Bên cạnh đó, khả năng di chuyển vững chắc của chúng cũng trở thành một trợ thủ đắc lực cho các cung thủ khi chiến đấu.

Áo giáp nặng hơn 100kg của xe tăng thời cổ đại: Thách thức cả đội quân thiện chiến nhất  - Ảnh 4.

Voi chiến trở thành nỗi ám ảnh trên chiến trường cổ đại.

Việc được trang bị thêm áo giáp bảo vệ giúp những con voi phát huy được tối đa sức mạnh trên chiến trường, trở thành một trong những chiêu bài trong "nghệ thuật chiến tranh tâm lý" khiến kẻ thù hoảng loạn và nhanh chóng thất bại.

Dấu ấn kiêu hùng của đội quân tượng binh trong lịch sử

Voi là loài vật cực kỳ thông minh và có nhiều ưu điểm vượt trội so với nhiều loài khác và có lẽ con người đã sớm nhìn nhận ra cũng như biết cách sử dụng chúng vào nhiều mục đích khác nhau, đặc biệt là trong các chiến thuật quân sự.

Trên thực tế, việc sử dụng voi chiến đã có từ hàng nghìn năm trước. Cụ thể, những con voi chiến được nhắc đến từ thế kỷ thứ 4TCN và có nhiều khả năng bắt nguồn từ Ấn Độ. Kể từ đó, việc sử dụng loài voi như là một vũ khí đã được truyền bá qua nhiều thế kỷ và trải dài tới tận Địa Trung Hải.

Áo giáp nặng hơn 100kg của xe tăng thời cổ đại: Thách thức cả đội quân thiện chiến nhất  - Ảnh 5.

Alexander Đại đế ấn tượng mạnh với khả năng chiến đấu tuyệt vời của những con voi chiến. Ảnh: Internet

Đặc biệt, việc sử dụng tượng binh trên chiến trường đóng một vai trò quan trọng trong các cuộc chinh phục của Alexander Đại đế, người từng ngạc nhiên trước khả năng chiến đấu ấn tượng của những con voi chiến và sau đó nhà quân sự tài ba này cũng đã chỉ huy và sử dụng thứ vũ khí này.

Hàng trăm năm sau đó, người La Mã cũng sử dụng những cỗ máy chiến tranh uy lực này trong những chiến dịch của họ, bao gồm cả cuộc chinh phục Hy Lạp. Tuy nhiên, sau khi đế chế La Mã sụp đổ, những con voi chiến dần trở nên hiếm có ở châu Âu, cũng như việc thuần dưỡng loài vật này trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù vậy nhưng Ấn Độ và một vài quốc gia ở châu Á vẫn tiếp tục sử dụng cỗ máy này cho tới những thế kỷ gần đây. Tuy nhiên, sự phát triển của vũ khí thuốc súng đã khiến cho những con voi chiến dễ bị thương và dần dà trở nên ít có giá trị hơn trên chiến trường.

Chúng lui về đảm nhận những việc hậu cần như vận chuyển lương thực, vật tư,... trong các địa hình rừng núi. Mặc dù chưa được chứng kiến đội quân tượng binh trên chiến trường cổ xưa, nhưng việc chỉ cần tưởng tượng về việc phải đối mặt với một "cỗ xe" bọc thép to lớn cũng đủ cho thấy uy lực đáng sợ của nó trên chiến trường.

Tham khảo nguồn: Ancientorigins, TheDrive

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại