Áo choàng kiêm xi nhan cho người đi xe đạp

Nhật Phong |

Áo choàng có gắn đèn xi nhan tự động giúp người đi xe đạp không cần vẫy tay xin đường là sản phẩm của sinh viên Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (TPHCM).

Tự động xi nhan khi xe chuyển hướng

Áo choàng gắn đèn xi nhan là sản phẩm của Trần Thanh Phong và Đỗ Minh Hoàng, sinh viên năm 2 Khoa Điện - điện tử, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng. Sản phẩm vừa giành giải Nhất cuộc thi Sáng tạo giao thông xanh TPHCM.

Hệ thống của nhóm gồm một cảm biến con quay hồi chuyển gắn trên tay lái xe, kết nối với hệ thống đèn gắn trên áo choàng. Khi xe chuyển hướng, cảm biến sẽ đọc chuyển động ở tay lái xe, báo tín hiệu lên hệ thống đèn gắn trên áo để đèn nhấp nháy, báo hiệu xe chuẩn bị rẽ. Áo được trang bị hai lớp cách điện để an toàn với người sử dụng.

Chia sẻ lý do nghiên cứu, Phong nhớ lại năm đầu vào học, trong lần đến trường bằng xe đạp, lúc sang đường, Phong quên không vẫy tay xin đường. Cùng lúc đó, một phụ nữ từ phía sau lao tới đụng phải, khiến Phong bị xây xước nhẹ. Từ vụ tai nạn đó, tháng 8 năm nay, Phong suy nghĩ đến giải pháp hỗ trợ cho người đi xe đạp khi sang đường.

“Hệ thống đèn xi nhan có ở xe máy, ô tô nhưng xe đạp thường không có. Nên người đi xe đạp phải xin rẽ bằng tay. Nhiều khi họ ngại làm việc này nên rất dễ gặp tai nạn, nhất là ở các thành phố lớn, xe đông”, Phong nói và cho biết giá bán dự kiến sản phẩm khoảng 300.000 đồng. Sắp tới nhóm, dự kiến phát triển thiết bị đèn tự xi nhan gắn trên xe đạp và cả xe máy, hỗ trợ khi họ quên bấm nút xin rẽ.

Phong cho biết, trước đây, hãng xe Ford đã ra mắt một chiếc áo khoác thông minh có khả năng phát sáng như một chiếc đèn xi nhan dành cho người đi xe đạp. Tính năng dễ thấy đầu tiên ở chiếc áo khoác này là tay áo tích hợp đèn báo rẽ, sau lưng là đèn phanh LED, giúp người dùng ra tín hiệu cho những phương tiện khác khi xe cần dừng lại hoặc chuyển hướng.

Ngoài ra, áo còn có thể kết nối với ứng dụng điện thoại thông minh qua mạng không dây có chức năng điều hướng để sử dụng bản đồ. Ngoài ra, người dùng cũng có thể nhận gợi ý về tuyến đường đi thuận tiện nhất không khác gì các ứng dụng chỉ đường cho xe ô tô.

Bên cạnh áo khoác, người dùng còn được trang bị một cặp tai nghe kèm theo để gọi điện, nghe nhạc hay nghe chỉ dẫn đường đi. Nếu có cuộc gọi đến, người dùng vẫn có thể tập trung ánh nhìn vào đường đi vừa nhận cuộc gọi nhờ chế độ “rảnh tay” giống ô tô.

Tuy nhiên, sản phẩm công nghệ này có giá rất đắt, không phù hợp với số đông người tiêu dùng ở Việt Nam. Nhóm đã tìm cách tạo ra chiếc áo giá rẻ, dễ dùng, phù hợp cho người đi xe đạp ở Việt Nam.

Sẽ sớm có sản phẩm trên thị trường

Sản phẩm của nhóm khi tham gia các cuộc thi được doanh nghiệp đánh giá cao và có thể tiếp tục phát triển. Hiện có doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất xe đạp đồng ý tài trợ vốn hơn một tỷ đồng để hoàn thiện sản phẩm ở các phiên bản tiếp theo, tiến tới bán ra thị trường.

Thầy Bùi Đức Phước, Phó Bí thư Đoàn trường Cao đẳng Lý Tự Trọng cho biết, nhà trường sẽ tiếp tục hỗ trợ về cơ sở vật chất, thiết bị để nhóm tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện trong thời gian tới.

Ngoài áo khoác kiêm đèn xi nhan, sản phẩm đèn xi nhan tự động cho ô tô, xe máy và xe đạp điện của Nguyễn Hoàng, học sinh Trường THPT Hàn Thuyên (Bắc Ninh) cũng là một sản phẩm được đánh giá cao về ý tưởng.

Hệ thống xi nhan tự động bao gồm các bộ phận: Một con chip để đo những chuyển động của ô tô, xe máy, xe đạp điện; một mô-đun IMU có 2 loại cảm biến (cảm biến gia tốc và cảm biến quay); vi điều khiển aduino uno r3A đảm nhận công việc quan trọng trong việc xử lý các tín hiệu; Mô-đun Relay để có thể điều khiển bật tắt giữa 2 xi nhan.

Hệ thống này giúp người điều khiển ô tô, xe máy, xe đạp điện tự động bật xi nhan xin đường khi họ quên lúc rẽ trái hoặc rẽ phải mà không ảnh hưởng đến kết cấu các loại xe này. Đặc điểm của xe ô tô khi muốn chuyển hướng phải xoay vô lăng một góc >=30 độ sang trái hoặc sang phải nên hệ thống xi nhan tự động sẽ đặt ở vô lăng.

Đối với xe máy và xe máy điện có đặc điểm, khi người điều khiển phương tiện muốn chuyển hướng phải thông qua hai bước là nghiêng phương tiện, sau đó xoay tay lái. Bởi vậy, trong trường hợp này, hệ thống sẽ được đặt ở giỏ xe hoặc nằm trong cụm tay lái. Sản phẩm của Hoàng cũng đang được tiếp tục nghiên cứu hoàn thiện để đưa vào áp dụng.

Sáng tạo giao thông xanh là cuộc thi thường niên do Hội Sinh viên phối hợp Ban An toàn giao thông TPHCM tổ chức tổ chức lần đầu năm 2017 dành cho học sinh, sinh viên đam mê sáng tạo. Cuộc thi nhằm tìm kiếm những ý tưởng, mô hình và sản phẩm công nghệ thiết thực trong giải quyết các vấn đề về giao thông, xây dựng TPHCM trở thành đô thị thông minh.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại