"Cả Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đều biết rằng Phong trào Gulen đứng đằng sau vụ ám sát đại sứ Nga Andrei Karlov" – Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu trao đổi với Ngoại trưởng Mỹ John Kerry trong cuộc điện đàm ngày 20-12.
Sở dĩ Ngoại trưởng Cavusoglu nói với Ngoại trưởng Kerry thế vì lãnh đạo Phong trào Gulen - giáo sĩ Fethullah Gulen đang sống lưu vong tại Pennsylvania (Mỹ).
Giáo sĩ Gulen cũng là người bị Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc thiết kế vụ đảo chính tại Thổ hồi tháng 7. Thổ Nhĩ Kỳ từng yêu cầu Mỹ cho dẫn độ giáo sĩ Gulen về Thổ sau vụ này nhưng Mỹ vẫn từ chối.
Phát biểu sau cuộc điện đàm, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ John Kirby khẳng định cần phải có một cuộc điều tra kỹ lưỡng trước khi kết luận vội vã.
Theo Wall Street Journal, hiện Mỹ đang cân nhắc yêu cầu dẫn độ giáo sĩ Gulen của Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, một số quan chức Mỹ nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ không cung cấp được các chứng cứ chất lượng cần thiết để có thể dẫn độ giáo sĩ Gulen đúng theo trình tự tư pháp Mỹ.
Trong ngày 20-12, người đại diện của giáo sĩ Gulen bác bỏ cáo buộc vụ ám sát đại sứ Karlov có liên quan đến giáo sĩ Gulen. Vị giáo sĩ này từng đưa quan điểm phản đối bạo lực ở Syria, cổ súy giải quyết nội chiến bằng giải pháp chính trị. Trước đó, giáo sĩ Gulen cũng bác bỏ liên quan đến vụ đảo chính tháng 7 ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Vệ binh danh dự Thổ Nhĩ Kỳ đưa quan tài đại sứ Nga Andrei Karlov ra sân bay Esenboga ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) về Moscow (Nga) ngày 20-12. Ảnh: AP
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt giữ ít nhất bảy người sau vụ ám sát đại sứ Karlov, trong đó có sáu người thân của thủ phạm là sĩ quan cảnh sát Mevlut Mert Altintas. Ngoài ra còn có một sĩ quan cảnh sát về hưu bị cho là cấp trên của Altintas trong mạng lưới Phong trào Gulen.
Theo Anadolu, đã xuất hiện một số tình tiết về cách "sát thủ" Altintas chuẩn bị ám sát. Đối tượng có thể đã chuẩn bị cho vụ ám sát tại một khách sạn ở trung tâm Ankara - nơi tập trung nhiều đại sứ quán các nước và Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ.
Ngày 14-12, Altintas gọi điện đến khách sạn đặt một phòng cho tối 19-12 và đã tới nhận phòng trước khi đến phòng triển lãm ảnh gần đó. Đến phòng triển lãm, Altintas trình thẻ cảnh sát của mình để qua cửa an ninh. Với tư cách là một cảnh sát bảo vệ đại sứ Karlov, Altintas đứng ngay sau lưng ông lúc ông phát biểu, rồi bắn năm phát vào lưng ông.
Phái đoàn Nga rời trung tâm khám nghiệm tử thi ở Ankara (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 20-12 sau khi khám nghiệm thi thể đại sứ Nga Andrei Karlov. Ảnh: GETTY IMAGES
Theo Wall Street Journal, vụ ám sát làm gia tăng thách thức an ninh của Thổ Nhĩ Kỳ và Tổng thống Recep Tayyip Erdogan.
Vài giờ sau vụ ám sát đại sứ Karlov, một người đàn ông Thổ Nhĩ Kỳ nã chín phát đạn bên ngoài đại sứ quán Mỹ ở Ankara, cách phòng triển lãm ảnh nơi đại sứ Karlov bị bắn chết chỉ một lốc nhà. Mỹ đã đóng cửa đại sứ quán, ngưng hoạt động ngoại giao ở Thổ trong ngày 20-12.
Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (phải) và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại buổi tưởng niệm đại sứ Andrei Karlov ở Moscow (Nga) ngày 20-12. Ảnh: AP
10 ngày nay Thổ Nhĩ Kỳ đã hứng chịu nhiều vụ đánh bom tự sát làm hàng chục người chết, chủ yếu binh sĩ và cảnh sát.
Tổng thống Erdogan và Tổng thống Nga Valadimir Putin đã cam kết sẽ không để vụ ám sát này cản trở đà tốt dần của quan hệ hai bên, cũng như sẽ tăng cường hợp tác chống khủng bố.
Trong ngày 20-12, các nhà ngoại giao Nga và Thổ vẫn gặp nhau ở Moscow (Nga) theo kế hoạch trước đó để bàn về một nghị quyết cho khủng hoảng Syria.