Quan điểm trên được Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra hôm thứ Tư, 7/10, và là bình luận công khai đầu tiên của ông kể từ khi xung đột vũ trang ác liệt nổ ra giữa Armenia và Azerbaijan hôm 27/9.
Ông Putin gọi 10 ngày diễn ra giao tranh ở Nagorno-Karabakh là "bi kịch" và "vẫn còn một chặng đường dài" mới có thể kết thúc. Tờ Moscow Times bình luận, Nga đang bước trên lằn ranh mỏng giữa các cựu láng giềng Liên Xô cũ, trong khi lời kêu gọi ngừng bắn của Moskva không được cả Armenia lẫn Azerbaijan đồng thuận.
"Người dân đang thiệt mạng, có những tổn thất nặng nề ở cả hai phía, và chúng tôi mong rằng cuộc xung đột này kết thúc càng sớm càng tốt," ông Putin nói trong cuộc phỏng vấn với truyền hình nhà nước Nga.
Tổng thống Nga nhấn mạnh rằng Armenia là thành viên của Tổ chức Hiệp ước An ninh Tập thể (CSTO) - liên minh quân sự giữa các nước thành viên Liên Xô cũ do Nga đứng đầu, còn Azerbaijan và khu vực Nagorno-Karabakh thì không.
"Chúng tôi có những nghĩa vụ xác định như một phần của hiệp ước," Putin nói với đài Rossia 24. "Nga luôn tôn trọng và sẽ tiếp tục tôn trọng những cam kết của mình."
"Hết sức đáng tiếc là tình trạng thù địch tiếp diễn, song [xung đột] không xảy ra trên lãnh thổ của Armenia," ông Putin khẳng định.
Thư ký báo chí của Tổng thống Nga, ông Dmitry Peskov, đã đưa ra lý giải rõ hơn về thông điệp của ông Putin. Ông nói rằng nghĩa vụ của Nga đối với đồng minh Armenia - nơi Nga có một căn cứ quân sự - "không mở rộng tới Karabakh".
Ông Putin đã có ít nhất 5 cuộc trao đổi với Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan kể từ khi giao tranh bùng phát ngày 27/9. Ông chủ điện Kremlin có cuộc điện đàm đầu tiên với Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev vào hôm qua, 7/10.
Tranh chấp Nagorno-Karabakh là một vấn đề lịch sử. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng phần lớn cư dân tại đây là người gốc Armenia và muốn khu vực này sáp nhập với Armenia. Thực trạng này đã làm bùng phát tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, đỉnh điểm và cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994.
Một thỏa thuận ngừng bắn đạt được vào năm 1994, theo sau là nhiều vòng hòa đàm với Nhóm Minsk làm trung gian hòa giải, nhưng xung đột vẫn xảy ra. Những vụ việc gần đây nhất là cuộc chiến 6 ngày vào năm 2016 và những giao tranh hồi tháng 7 năm nay.
Nhiều báo cáo nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã điều động lực lượng đánh thuê từ Syria và máy bay không người lái để hỗ trợ đồng minh Azerbaijan, bên cạnh việc cung cấp nhiều tấn vũ khí. Các nhà phân tích cảnh báo sự can thiệp trực tiếp của Ankara vào tình hình Nagorno-Karabakh kéo theo rủi ro cuốn theo Nga vào một xung đột quy mô lớn.
Các nhà phân tích cho rằng nỗ lực của chính quyền Tổng thống Recep Tayyip Erdogan đối với xung đột Armenia-Azerbaijan nhằm thúc đẩy sự ủng hộ rộng rãi trong nước đối với ông Erdogan, cũng như tạo đột phá cho thế bế tắc kéo dài 3 thập kỷ qua ở vùng Kavkaz (Caucasus), cho phép Ankara có thêm tiếng nói trong khu vực. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ có thể vấp phải phản ứng mạnh mẽ từ Nga.
Alexander Dynkin, người đứng đầu Viện Kinh tế Thế giới và Quan hệ Quốc tế thuộc Học viện Khoa học Nga, đồng thời là một cố vấn của điện Kremlin, nói rằng ông Erdogan "thực sự đang thử thách lòng kiên nhẫn của ông Putin".
"Ông ấy (Erdogan) ngày càng khiến ông Putin khó chịu hơn", ông Dynkin bình luận.
Nhằm thuyết phục các bên liên quan ngừng bắn, Pháp, Mỹ và Nga sẽ có cuộc đàm phán tại Geneva trong ngày 8/10. Đại diện của ba nước cũng dự kiến gặp mặt tại Moskva vào ngày 11/10 tới để thảo luận giải pháp thuyết phục các bên tham chiến đàm phán về lệnh ngừng bắn.
Hơn 360 người được báo cáo đã thiệt mạng do xung đột bùng phát ở Nagorno-Karabakh từ ngày 27/9.
Mời độc giả theo dõi chúng tôi trên MXH Lotus