Câu chuyện đẹp của anh Nguyễn Văn Thanh đã truyền cảm hứng đến cho cộng đồng - Ảnh: VĂN TUYẾN
Hơn 100 lần hiến máu, hiến tiểu cầu nhưng phải đến khi hình ảnh anh xe ôm công nghệ Nguyễn Văn Thanh (26 tuổi, ở Mê Linh, Hà Nội) điều tiết giao thông, nhường đường cho xe cứu thương "gây bão" mạng xã hội thì nhiều người mới biết đến việc làm thiện nguyện âm thầm của anh suốt bao năm nay.
Đến nay đã là năm thứ tám mình hiến máu, hiến tiểu cầu. Điều làm mình vui không phải vì được nổi tiếng, mà là qua câu chuyện của mình, mọi người có thể biết đến hoạt động hiến máu, tiểu cầu nhiều hơn, cùng nhau xây dựng cộng đồng hiến máu thường xuyên
Anh NGUYỄN VĂN THANH
"Hay anh phải lòng cô nào ở viện?"
Dù đã tạm dừng công việc tại nội thành Hà Nội để về quê làm việc, nhưng đều đặn mỗi tháng anh Thanh vẫn dành thời gian vượt 30km đến Viện Huyết học - Truyền máu trung ương hiến tiểu cầu.
Anh nhớ lại ngày trước khi tháng nào cũng nói đi hiến máu khiến vợ hoài nghi: "Người ta ba tháng mới hiến máu một lần, sao tháng nào anh cũng đi như vậy? Hay anh phải lòng cô nào ở viện?".
Lúc ấy, người chồng mới giải thích để vợ hiểu việc làm thiện nguyện của mình, dần dần vợ hiểu và thêm tin tưởng chồng hơn.
"Nhiều người không biết là hiến tiểu cầu thì ba tuần đã có thể hiến lại. Bởi vậy, có một lần mình chia sẻ việc đã hiến máu, tiểu cầu 100 lần lên Facebook thì mọi người không tin.
Thậm chí nhiều người còn bình luận tỏ vẻ hoài nghi sao 26 tuổi đã hiến được 100 lần. Kể từ ngày ấy mình cũng ít chia sẻ việc hiến máu tình nguyện, hiến tiểu cầu lên mạng xã hội. Cứ âm thầm làm thôi" - anh Thanh bộc bạch.
Khi lao xuống đường điều tiết giao thông nhường đường cho xe cứu thương, hình ảnh anh xe ôm công nghệ cúi gập người như xin lỗi nếu làm phiền người đi đường gây sốt cộng đồng mạng - Ảnh: VĂN TUYẾN
Đến khi mạng xã hội tràn ngập hình ảnh anh chàng khoác áo xe ôm công nghệ xuống đường hỗ trợ điều tiết dòng xe cộ dưới trời nắng nóng cùng câu chuyện truyền cảm hứng với hơn 100 lần hiến máu, hiến tiểu cầu đã khiến không ít người cảm phục trước lòng tốt của anh.
Bất ngờ vì "bỗng dưng nổi tiếng", anh Thanh chia sẻ chưa bao giờ nghĩ bản thân sẽ được nhiều người biết đến như vậy.
"Đến nay đã là năm thứ tám mình hiến máu, hiến tiểu cầu. Điều làm mình vui không phải vì được nổi tiếng, mà là qua câu chuyện của mình, mọi người có thể biết đến hoạt động hiến máu, tiểu cầu nhiều hơn, cùng nhau xây dựng cộng đồng hiến máu thường xuyên" - anh nói.
Từ được cộng điểm đến việc làm thường xuyên
Tròn 18 tuổi, anh Thanh biết đến việc hiến máu tình nguyện nhờ công tác tuyên truyền ở trường học.
Lúc ấy, cậu tân sinh viên chỉ nghĩ đơn giản là có giấy chứng nhận hiến máu nhân đạo sẽ được cộng điểm hoạt động ngoại khóa, thành tích học tập cũng được nâng lên. Vậy là anh đăng ký tham gia hiến máu.
Ban đầu, chỉ từ mong muốn được thêm điểm thưởng ở trường học nhưng sau khi bản thân gặp phải tai nạn, anh Thanh tâm niệm: "Đây là việc mình phải làm!".
Lòng tốt của anh xe ôm công nghệ xuống đường điều tiết giao thông nhường đường cho xe cứu thương đã có hơn 100 lần hiến máu, hiến tiểu cầu gây xúc động trong cộng đồng - Ảnh: VĂN TUYẾN
Anh kể, năm 2017 không may gặp tai nạn phải cấp cứu tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức. Lúc ấy, anh mất rất nhiều máu và phải truyền máu.
"Những ngày nằm viện điều trị, chứng kiến cảnh bệnh nhân tai nạn, đối với nhiều bệnh nhân lúc ấy máu là nguồn sống duy nhất, nếu không được truyền máu chắc họ sẽ không qua khỏi. Mình nhận ra hiến máu giúp người bệnh sống sót như thế nào" - anh bày tỏ.
Sau khi ra viện, trở lại với cuộc sống hằng ngày, anh Thanh tiếp tục duy trì thói quen hiến máu, tiểu cầu của mình. Kể từ thời điểm đó, việc hiến máu tình nguyện không phải vì bản thân mình nữa, mà để giúp cho người bệnh cần máu.
Anh Thanh chia sẻ có lần đã sắp xếp lịch đến hiến tiểu cầu nhưng đành phải quay về vì không đủ tiêu chuẩn. Ban đầu, anh không biết rằng việc ăn nhiều đạm sẽ không hiến được tiểu cầu. Vậy là khi đến viện, bác sĩ nói phải chờ thêm khoảng bốn giờ, uống thêm nhiều nước mới hiến được.
Rút kinh nghiệm từ lần đó, khi đến lịch hiến tiểu cầu, anh chỉ ăn nhẹ, không uống nước có cồn, đêm hôm trước đi ngủ sớm để hôm sau có thể hiến tiểu cầu đúng lịch.
Tính đến tháng 11-2022, anh đã có 108 lần hiến máu, tiểu cầu. Ở Viện Huyết học - Truyền máu trung ương, có rất nhiều người trẻ như anh Thanh vẫn luôn âm thầm, lặng lẽ chọn cách sống tốt đẹp, làm việc tốt đẹp để giúp đỡ cho những người bệnh cần máu.
Giấy khen của viện trưởng Viện Huyết học - Truyền máu trung ương tặng Nguyễn Văn Thanh vì hiến tiểu cầu năm 2022 - Ảnh do nhân vật cung cấp
Đại diện Viện Huyết học - Truyền máu trung ương cho biết những năm gần đây anh Thanh thường xuyên đi hiến tiểu cầu. Năm ngoái, dù dịch COVID-19 căng thẳng nhưng anh vẫn tham gia đều đặn.
“Người hiến máu thường xuyên là những người an toàn nhất, vì họ luôn ý thức giữ gìn sức khỏe, có được nguồn máu an toàn, chất lượng cho người bệnh. Nếu mỗi người dân đủ điều kiện sức khỏe như anh Thanh duy trì việc hiến máu thường xuyên, tối thiểu mỗi năm khoảng 2 - 3 lần thì các bệnh viện luôn yên tâm vì được đảm bảo lượng máu ổn định cho người bệnh”, vị đại diện này cho hay.