Con trai anh chị cũng không may bị di truyền những căn bệnh nguy hiểm đáng sợ. Nhưng chị vẫn cứ hy vọng…
Căn gác nhỏ xíu ở địa chỉ 31/8 hẻm 50 Phan Văn Hớn, phường Tân Thới Nhất, quận 12, TP.HCM oi ả, ngột ngạt trong tiếng khóc ngằn ngặt của bé Nguyễn Hoài Ân 32 tháng tuổi. Bé bị viêm phế quản đã hai tháng nay chưa khỏi.
Nhưng bé cũng biết mắc cỡ, ngưng khóc núp sau lưng mẹ khi thấy khách đến thăm. Bé có một cái đầu to quá khổ so với thân mình ốm yếu và một mắt đã bị lệch hẳn sang một bên do di chứng của khối u.
Ngoài những bệnh lặt vặt, bé còn bị u não và bị hở van tim. Mẹ bé - chị Hồ Thị Mai Trinh (43 tuổi) kiên nhẫn dỗ dành để bé chịu ăn rồi nằm nghỉ.
Chị vẫn hy vọng sẽ có phép màu nào đó xảy đến với con trai của mình, dù có những lúc không khỏi đau khổ và lo lắng.
Khi chồng chị - anh Nguyễn Văn Tùng (45 tuổi) bước lên căn gác, chúng tôi không khỏi giật mình bởi vẻ ngoài của anh khá đáng sợ.
Gương mặt anh bị những khối u bướu kéo che hết mặt, làm hỏng cả một con mắt của anh. Chân tay anh cũng mang rất nhiều khối u lớn nhỏ.
“Tôi có thể làm chỗ dựa cho anh...”
Chị Mai Trinh quê Bến Tre, làm nghề bán khoai lang, khoai mì. Chị buôn bán lanh lẹ, cuộc sống cũng khá dễ thở. Có một lần chị nhận được một cuộc gọi điện thoại do nhầm số.
Chị cúp máy thì người gọi nhầm số lại gọi lại, rụt rè: “Cho tui làm quen với cô có được không?”. Chị cũng tò mò về người gọi nên đồng ý. Hai người cứ gọi, nhắn tin trò chuyện với nhau miết, càng nói càng thấy hợp nhau.
Nhưng chị thắc mắc là anh không bao giờ xin gặp chị, dù mỗi ngày anh đều nhắn tin, gọi điện thoại vì nhung nhớ giọng nói dịu dàng, hiền hậu của cô gái bán khoai.
Một hôm, chị hỏi thẳng: “Tại sao anh không muốn gặp em?”, anh rụt rè nói: “Sợ Trinh gặp rồi bỏ anh luôn”. Nghe vậy chị càng thương anh nên thu xếp lên quận 12 để gặp “người thương”.
Phút đầu tiên anh xuất hiện, chị cũng ngớ người vì anh… xấu quá. Anh nhỏ con, gầy ốm, gương mặt dị dạng. Sau phút ngỡ ngàng, chị bình thản ngồi xuống trò chuyện cùng anh.
Chị nhớ lại: “Anh xấu quá nên đâu có ai chịu quen anh đâu. Nhà anh lại nghèo nữa. Bởi vậy nên tôi là bạn gái đầu tiên của anh.
Tự dưng lúc đó tôi thương anh quá. Tôi quyết định nhận lời thương anh. Tôi khỏe mạnh, biết buôn bán, tôi có thể làm chỗ dựa cho anh được”.
Chị đã xác định sẽ giúp anh san sẻ, gánh vác gia đình. Gia đình anh có hoàn cảnh rất thương: mẹ anh bị cườm khô dẫn đến mù. Em trai anh cũng bị cườm khô, bị teo thận.
Một em trai khác bị ung thư máu, điều trị ở BV Chợ Rẫy, mắt cũng bị cườm khô dẫn đến mù. Còn chồng chị - anh Tùng thì sức khỏe yếu, hay bị đau ốm, chỉ có nghề làm thuê, phụ hồ, chạy xe ôm, thu nhập không được bao nhiêu.
Chị suy nghĩ: Nếu đây là số phận, chị sẽ cố gắng cải phận trong khả năng của mình.
Về chung nhà với anh Tùng, chị tần tảo buôn bán, dành dụm, mua sắm tivi, tủ lạnh, vật dụng trong nhà. Chị giúp anh chăm sóc gia đình lớn, chăm sóc anh những khi đau ốm, bệnh tật.
Cuộc sống của anh chị ổn định hơn kể từ khi về ở với nhau. Niềm vui càng tăng lên khi anh chị có con trai đầu lòng.
Lúc nào cũng vẫn không ngừng cố gắng
Bé Hoài Ân ra đời khôi ngô, khỏe mạnh trong niềm vui khôn xiết của gia đình. Nhưng chỉ sau ba ngày, bé bỏ bú, khóc ngằn ngặt, sốt cao. Bác sĩ khám và kết luận bé bị u não, hở van tim. Anh chị như chết lặng.
Kể từ đó anh chị phải thường xuyên đưa bé nhập viện điều trị ở bệnh viện quận rồi BV Nhi đồng.
Có những thời điểm bé phải điều trị nội trú trong bệnh viện dài ngày, chị ở lại chăm con, anh ra ngoài bệnh viện hỏi thăm ai cần thuê làm gì anh làm đó để kiếm tiền. Bà con lối xóm thương tình góp cho ít tiền.
Hành trình ba năm qua liên tục đi chạy chữa cho con khiến gia đình anh chị kiệt quệ.
Tuy vậy, chị vẫn lạc quan nói: “Mình ráng ăn ở tốt thì chắc là ông trời cũng ngó xuống. Chỉ hy vọng là con sẽ khỏe lên. Ở phường cũng cấp thẻ BHYT cho mẹ chồng và chồng tôi.
Bà con hàng xóm tốt bụng cũng hay qua thăm hỏi, giúp đỡ. Vậy thì mình cứ ráng thôi chứ buông xuôi thì được gì đâu”.
Cách đây vài tháng, em trai chồng chị qua đời sau một thời gian chống chọi với bệnh ung thư. Sức khỏe chồng chị cũng sa sút. Con trai chị bệnh nặng hơn. Dù hoảng hốt lo lắng nhưng chị vẫn luôn tỏ ra tươi tỉnh để anh yên lòng.
Hai tháng qua chị không thể ra chợ mua khoai đem bán bởi con chị không chịu buông mẹ ra phút giây nào. Thương con đau bệnh, chị cũng không nỡ bỏ mặc con. Việc kiếm tiền giờ mình anh Tùng gánh vác.
Anh Tùng ráng chạy xe ôm về nhà khuya hơn, kìm những cơn đau trong cơ thể để chắt chiu từng đồng tiền lẻ.
Bà nội bé Hoài Ân thở dài: “Tôi rầu quá, nghĩ tới con cháu mà đứt ruột. Giờ tôi mù lòa chẳng giúp coi cháu để tụi nó đi làm được. Nhưng tụi nó lúc nào cũng an ủi tôi thế nào rồi cũng đỡ khổ, mẹ ơi”.