Truyền thông quốc tế cho biết, "người bạn của Nga" - Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong chuyến thăm Ukraine đã đưa ra một tuyên bố khiến Moskva cảm thấy rất không hài lòng.
Cụ thể ông Erdogan gọi bán đảo Crimea là lãnh thổ của Ukraine và nhấn mạnh rằng Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập Crimea vào Liên bang Nga.
"Ankara sẽ không bao giờ công nhận việc sáp nhập Crimea bất hợp pháp. Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ nhà nước Ukraine trên tất cả các nền tảng và sẽ tiếp tục duy trì toàn vẹn mối quan hệ này", ông Tayyiv Erdogan nói rõ.
Lời phát biểu nói trên của ông Erdogan cùng với những diễn biến gần đây trên chiến trường Syria khi Thổ Nhĩ Kỳ đưa quân tham chiến trực tiếp tại tỉnh Idlib đã khiến giới chuyên môn tỏ ra rất ngạc nhiên.
Đây được xem như dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy mối quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ vốn rất nồng ấm trong suốt thời gian qua đang bước vào thời kỳ đầy sóng gió.
Truyền thông Nga nhận định rằng "Yêu cầu trả lại bán đảo Crimea của ông Erdogan đã nhấn mạnh rằng nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ hoàn toàn đối lập với Nga, điều này sẽ bị Moskva đánh giá là hành động phản bội".
"Tổng thống Erdogan có thể đóng hoàn toàn lối đi qua eo biển Bosphorus đối với các tàu Nga với lý do ngăn chặn hoạt động quân sự ở Idlib, hoặc Ankara sẽ bắt đầu hỗ trợ việc chuyển vũ khí sang Ukraine để tấn công cư dân Donbass", truyền thông Nga lưu ý.
Ông Dmitry Peskov - phát ngôn viên của Tổng thống Nga đã cho biết "Về vấn đề này, chúng tôi hoàn toàn không đồng ý với đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, chúng tôi bác bỏ ngôn ngữ được sử dụng trong bối cảnh này".
Phản ứng trên của Nga được xem là mềm mỏng hiếm có, đặc biệt so sánh với những tuyên bố đầy đanh thép mà chính quyền Moskva từng đưa ra trước đây, nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng trên?
Theo đánh giá từ giới chuyên môn, lý do chính nằm ở việc Nga đang rất phụ thuộc vào Thổ Nhĩ Kỳ trong dự án đường ống dẫn trung chuyển khí đốt tới châu Âu mang tên Turk Stream.
Để duy trì dự án "Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ" đầy tham vọng này, Nga đã đầu tư tới hàng tỷ USD, nếu làm phật lòng Ankara thì số tiền trên có nguy cơ sẽ mất trắng.
Sự việc còn quan trọng hơn khi dự án "Dòng chảy phương Bắc - North Stream" đã bị nhiều nước đình chỉ dưới sức ép của Mỹ, khiến cho Turk Stream gần như là canh bạc cuối cùng của Nga.
Bên cạnh đó, Nga còn đang rất cần Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ trong cuộc chiến tại Syria, điều này thể hiện qua việc Moskva phải im lặng khi tiêm kích Ankara tấn công dữ dội đồng minh Damascus.
Rõ ràng trong tình thế này Nga đang lâm vào cảnh tiến thoái lưỡng nan, họ không thể "làm rắn" với Thổ Nhĩ Kỳ và cũng khó lòng chấp nhận các bước đi mà Ankara đang tiến hành, giới chính trị Nga sẽ phải đau đầu để tìm cách giải quyết tình hình hiện tại.