Theo tờ AP, dữ liệu radar từ vệ tinh được chuyển đổi thành hình ảnh, cho thấy núi lửa Anak Krakatau ở Indonesia đã nhỏ hơn nhiều kể từ sau vụ phun trào vào cuối tuần qua gây ra thảm họa sóng thần khiến cho hơn 400 người chết ở quốc gia này.
Những hình ảnh chụp trước và sau vụ phun trào được lấy từ dữ liệu vệ tinh của Cơ quan Thám hiểm Hàng không Vũ trụ Nhật Bản, cho thấy sườn núi ở phía tây nam của ngọn núi lửa này đã biến mất.
Quan sát ảnh chụp vệ tinh ngày 20/8 (trái) và ngày 24/12 (phải)có thể thấy phần sườn núi ở phía tây nam của ngọn núi lửa Anak Krakatau đã biến mất. Ảnh: AP
Theo Dave Petley, chuyên gia nghiên cứu tại ĐH Sheffield (Anh), đồng thời là người phân tích những hình ảnh tương tự từ vệ tinh của Cơ quan Vũ trụ châu Âu, họ ủng hộ giả thuyết rằng một mảng vật chất của núi lửa Anak Krakatau phần lớn trượt xuống đáy biển là nguyên nhân gây ra sóng thần ở Indonesia vào tối ngày 22/12 vừa qua khiến ít nhất 430 người chết.
Núi lửa Anak Krakatau phun trào dữ dội gây sóng thần ở Indonesia vào đêm ngày 22/12 vừa qua. Ảnh: CBC
Ông Petley viết trên blog cá nhân rằng: "Thách thức bây giờ là giải thích những gì đang và sẽ có thể xảy ra trong ngọn núi lửa".
Hiện tại, các nhà chức trách ở Indonesia đang cảnh báo người dân nên tránh xa khu vực xung quanh bờ eo biển Sunda ít nhất khoảng 1km vì lo sợ nguy cơ xảy ra một trận sóng thần khác.
Anak Krakatau được coi là "đứa con" của Krakatau, ngọn núi lửa dữ dội từng gây gián đoạn mô hình thời tiết trong nhiều năm với vụ phun trào lớn vào năm 1883. Ngọn núi Anak Krakatau bắt đầu nổi lên khỏi mặt biển từ năm 1928 và gia tăng kích cỡ kể từ đó.
Tham khảo nguồn: AP, Nypost