Trưa ngày hôm qua (20/12), NSND Anh Tú, quyền Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam đã trút hơi thở cuối cùng tại bệnh viện sau thời gian dài chống chọi với bệnh tiểu đường.
"Vì sao sáng" của nền sân khấu nước nhà từ giã cõi đời ở tuổi 56 trong niềm tiếc thương vô hạn của gia đình, bạn bè, đồng nghiệp và người hâm mộ.
Chia sẻ về sự ra đi đột ngột của NSND Anh Tú, ca sĩ Long Nhật kể: "Anh em tôi biết nhau lâu năm lắm rồi. Hồi tôi còn công tác ở đoàn Hải Đăng Nha Trang, có lần Nhà hát Tuổi Trẻ đi lưu diễn chùm kịch Lưu Quang Vũ với các vở "Nhân danh công lý", "2000 ngày oan trái", "Tôi và chúng ta", "Bông cúc xanh trên đầm lầy"...
Đoàn của Nhà hát Tuổi Trẻ ở khách sạn Nha Trang, kế bên trụ sở đoàn Hải Đăng chúng tôi. Sáng sáng, tôi hay chạy ra chơi, anh em bắt chuyện và quen nhau từ đấy.
NSND Anh Tú cùng đồng nghiệp NSƯT Lê Đại Chức (ngoài cùng bên phải)
Mỗi lần đoàn Hải Đăng ra Hà Nội diễn, buổi chiều không có lịch, tôi hay chui vô Nhà hát Tuổi Trẻ ở Ngô Thì Nhậm xem anh Tú, chị Lan Hương, chị Lê Khanh, anh chí Trung, chị Minh Hằng diễn. Từ "Cuộc đời tôi", tới "Romeo và Juliet", "Ô The Lô" hay "Rừng trúc", "Một mối tình"...
Đoàn Hải Đăng diễn ở Hà Nội, sau sân khấu có phòng lớn cho anh em nghệ sĩ nghỉ lại. Phía sau Nhà hát Lớn là Nhà hát Kịch Việt Nam, kế bên là quán cà phê. Quán cà phê đó hội tụ hầu như tất cả các anh tài của nền sân khấu phía Bắc mỗi sáng.
Anh Tú, chị Lê Khanh dù ở Nhà hát Tuổi Trẻ nhưng cũng hay chạy ra đó uống cà phê cùng bác Trọng Khôi, NSND Lan Hương "Bông", chị Hoàng Cúc, anh Hoàng Dũng, chị Thu Hà... Trong tất cả những người đó, tôi đặc biệt mê anh Tú. Anh đẹp trai với chất giọng ấm huyền thoại.
Khi nổi tiếng, tôi cộng tác với Nhà hát Tuổi Trẻ nhiều và thường do vợ chồng anh Chí Trung - Ngọc Huyền mời. Nhưng mỗi lần có show ở Hà Nội, tôi đều tìm anh Tú. Gặp tôi, anh Tú hay hỏi "lại đi diễn à, đắt show thế". Anh cười hiền, đôi mắt nhân hậu với chất giọng đặc biệt ấm mà mọi người thường thấy.
Anh Tú có bệnh nhưng giấu hết mọi người. Thời điểm anh Tú về làm Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam, anh đã gầy đi nhiều lắm.
Vài tháng trước, tôi có thời gian khá dài tập vở "Dưới ánh đèn" cho Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam dự liên hoan sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc. Trong liên hoan này, anh Tú cũng đạo diễn một vở.
Một số vai diễn để đời của NSND Anh Tú trên sân khấu
Mấy lần diễn ở Nhà hát Lớn, anh em gặp nhau 1, 2 lần. Tôi hỏi thăm sức khỏe, anh chỉ cười. Tới lúc anh nhập viện thì anh em đồng nghiệp mới biết. Anh Tú là thế.
Anh Tú nghĩ, người nghệ sĩ là phải đẹp, không được để người khác thấy mình ốm đau, tiều tụy. Anh ấy có thể dàn dựng, hóa giải bao nhiêu số phận, bao nhiêu ngang trái trên sân khấu nhưng lại không thể làm được điều đó với chính mình.
Anh Tú không muốn ai biết sự đau khổ của mình, không muốn ai buồn lo về mình. Đó là tính bản thiện của một người nghệ sĩ.
Nhưng tôi vẫn nghĩ, giá như anh cho mọi người biết mình đang đau, đang ốm... thì anh em đồng nghiệp được chia sẻ với anh, để không phải quá đau như thế này, khi anh không còn nữa.
Nghe tin NSND Anh Tú mất, tôi bàng hoàng. Anh còn quá trẻ, 56 tuổi với một người nghệ sĩ, với một người đàn ông là đang độ chín, đang độ đỉnh cao nhất của nghề.
Sự ra đi của anh Tú là một tổn thất lớn cho nền sân khấu nước nhà và khán giả. Chúng ta đã mất đi một ngôi sao sân khấu tài hoa.
Ngay lúc này, mọi ký ức trong tôi đang ùa về. Tôi ngồi nhớ lại ngày xưa mà nước mắt chảy ròng ròng. Tôi vừa gọi điện cho NSND Trần Nhượng. Tôi chờ lịch phát tang và lễ viếng để về với anh. Tôi sẽ về thắp cho anh nén nhang, không vì gì khác ngoài sự kính trọng mà tôi dành cho anh.
Anh Tú khi còn sống rất thương những "em nhỏ" mới vào nghề. Với tôi, anh Tú là thần tượng. Tôi mê kịch nói Hà Nội mà Nhà hát Tuổi trẻ là cánh chim đầu đàn, còn anh Tú là vì sao sáng ở đó".
Ca sĩ Long Nhật sẽ bay ra Hà Nội để viếng đàn anh.