Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận

Mạnh Mường |

Ông Đặng Đình Kỷ, ở xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, tuổi đã già, thường xuyên đau ốm nhưng vẫn cần mẫn kiếm từng đồng, chắt bóp từng miếng cơm bụi để lo cho em gái đang suy thận nặng.

10 tuổi mồ côi phải lo cho 3 em gái, đến nay gần 70 vẫn nhường từng miếng cơm bụi cho em

Những người lớn tuổi đang nằm điều trị tại phòng 505, Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Hà Đông thời gian này đều rất cảm động khi chứng kiến hình ảnh hai anh em lớn tuổi chia nhau suất cơm bụi. Điều ấn tượng ở đây là, trong mọi khó khăn, cả lúc ốm đau, kinh tế kiệt quệ nhất thì người anh vẫn luôn đùm bọc người em.

Ông Đặng Đình Kỷ (SN 1959) ở thôn 1, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội được biết đến là một công dân gương mẫu và được nhiều người quý mến. Ở quê, bà con tín nhiệm ông vào chức Phó thôn. "Cái chức việc không tên thì rất nhiều, cái gì cũng đến tay nhưng thù lao hỗ trợ thì chỉ được mấy chục cân gạo" như chính ông Kỷ tự nói.

Nhiều người dân ở thôn 1 của xã Quảng Bị này biết rành rọt về gia cảnh của ông Kỷ. Ai cũng nói rằng, ở vùng này, từ trước đến nay ông là người chịu nhiều thiệt thòi nhất, nhưng cũng là tấm gương cho nhiều người.

Từ năm lên 10, ông Kỷ đã mồ côi cha, mẹ của ông lại kém minh mẫn. Không ai biết được, dựa vào sức mạnh nào mà khi đó ông có thể chăm sóc tốt cho cả 3 em gái ăn học.

Người đàn ông này một lúc sắm nhiều vai, vừa làm anh, vừa làm cha, vừa làm mẹ cho các em của mình. Lớn khôn, họ đều đã có gia đình riêng, duy có người em gái út là Đặng Thị Tuyết (SN 1966) bị bệnh, lại không được khôn nên sống cảnh đơn thân, và ông Kỷ lại là người cưu mang, bao bọc.

Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 1.

Ông Đặng Đình Kỷ (SN 1959) đã nhiều năm nay trở thành người giám hộ của người em gái lớn tuổi, khờ khạo, suy thận nặng.

Bà Tuyết được phát hiện viêm cầu thận từ năm 2013, nhưng không có điều kiện chạy chữa, để bệnh kéo dài, biến chứng sang suy thận mạn. Đã hơn 10 năm nay, kể từ ngày vào nam đón em gái về quê chữa bệnh, ông Kỷ đã quen với nhiều bệnh viện.

Theo kết luận từ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện đa khoa Hà Đông, bệnh nhân Đặng Thị Tuyết bị suy thận mạn giai đoạn 5.

Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 2.
Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 3.
Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 4.
Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 5.

Nhiều năm nay, thời gian bà Tuyết nằm viện nhiều hơn ở nhà.

Cách đây ít hôm, không hẹn trước, chúng tôi đến phòng 505, Khoa Ngoại, Bệnh viện đa khoa Hà Đông nơi bà Tuyết đang nằm điều trị thì gặp đúng giờ ăn tối của các bệnh nhân và người nhà của họ.

Ông Kỷ không ăn, cứ ngồi chăm chút cho bà Tuyết. Ở phòng 505 này, mọi người đã rất quen với hình ảnh này. Bữa ăn nào cũng vậy, ông Kỷ chỉ mua 1 suất cơm 30 nghìn đồng cho bà Tuyết, chờ cho em gái ăn xong, còn lại bao nhiêu ông sẽ ăn.

"Đói thì ăn thêm mì tôm, chú mua sẵn mấy gói để trong tủ", ông Kỷ nói, lựa chọn này cũng giúp ông tiết kiệm phần chi phí, vì thời gian điều trị bệnh cho em gái ông kéo dài, rất tốn kém mà hiện tại ông quá khó khăn không biết xoay sở ra sao.

Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 6.

"Từ năm 2023 đến nay, tháng nào cũng hơn 10 triệu để lo viện phí, thuốc thang. Cô Tuyết không có thu nhập, chi phí chữa bệnh lại lớn, nên bây giờ chú khó khăn quá, phải vay mượn rất nhiều để lo cho cô. Bệnh này diễn biến thất thường lắm, lúc thì sút cân trầm trọng, chỉ còn khoảng 30kg nhưng có lúc lại tích nước, phù nề, tăng lên gần 60kg", ông Kỷ bộc bạch.

Ông Kỷ làm nghề cắt tóc đã hơn 30 năm. Trước kia, đây là công việc mang lại thu nhập cho bản thân ông và gia đình. Thời điểm đông khách nhất thì một ngày ông có thể kiếm được trên dưới 100 nghìn đồng. Tuy nhiên, khách của ông giờ ít dần đi, chủ yếu phục vụ những người lớn tuổi trong làng. Chòi cắt tóc nhỏ ông dựng ở gốc cây đa giữa làng cũng thưa thớt khách.

Sức khỏe của ông Kỷ bây giờ không được tốt, bản thân lại bị cao huyết áp. Từ khi vợ ông mất do đột quỵ năm 2019, ông bị sốc nặng và sức khỏe cũng vì vậy mà suy giảm nghiêm trọng. Dẫu vậy, ông vẫn đều đặn lạch cạch xe máy chở bà Tuyết từ quê ra Hà Nội chạy thận. Có đợt, 28 Tết hai anh em ông vẫn vạ vật ở Bệnh viện Bạch Mai.

Trong lời chia sẻ ngắt quãng, chầm chầm và thiếu rành mạch, bà Bà Tuyết nói rằng: "từ bé cho đến bây giờ anh chưa bao giờ nặng lời với các em gái. Anh ít nói, ít chia sẻ nhưng luôn luôn rất tình cảm với các em và các con, cháu. Anh lớn tuổi rồi vẫn phải đi hầu em suốt, các con của anh cũng phải đi hầu cô suốt."

Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 7.

Lúc bà Tuyết uống thuốc cũng là lúc ông Kỷ lấy trong túi của mình mấy thứ thuốc để uống.

Con gái rời bục giảng đi làm công nhân để gánh vác cùng bố

Ông Kỷ sinh được ba người con gái. Cô chị cả đang sống tại Bình Dương, cô út sống cùng xã Quảng Bị. Hiện cả ông Kỷ và bà Tuyết sống cùng nhà với vợ chồng người con gái thứ hai tên là Đặng Thị Xuân (SN 1987).

Vợ chồng chị Xuân và vợ chồng người em gái út ở gần ông Kỷ nhất nên cũng luôn cố gắng đỡ đần mọi việc. Chị Xuân vốn là giáo viên dạy Sử, nhưng khi mẹ và cô ruột cùng ngã bệnh thì chị buộc lòng lựa chọn chia tay nghề dạy học để tiện chăm lo cho họ.

Hơn 4 năm qua, từ một giáo viên chỉ quen với những việc nhẹ nhàng, chị Xuân đã trở thành một công nhân, tất bật hơn, tóc bạc trắng đầu, mắt yếu dần, da sạm đen. Em gái út của chị hiện tại cũng đang ở trong hoàn cảnh hết sức ngặt nghèo nên về mặt kinh tế cũng không phụ được nhiều.

"Em gái em nó ngoan nhưng cũng khổ lắm. Vừa rồi vừa bị cho nghỉ việc do nghỉ làm nhiều quá. Hết nghỉ chăm mẹ đẻ đến chăm cô. Chồng nó thì đi lợp mái tôn bị rơi từ trên cao xuống gãy xương sườn, gãy vai và chấn thương cột sống đã mấy năm, giờ mới vận động nhẹ được nhưng chưa làm được gì. Bây giờ mẹ chồng còn đang ốm nặng nữa", chị Xuân chia sẻ về tình cảnh của người em gái, dù đang khó khăn nhưng cũng hết lòng cùng chị lo cho bà Tuyết..

Chị Nguyễn Thị Huyền (SN 1977), nằm cùng phòng 505 đã một thời gian, nên biết nhiều chuyện về những người cùng cảnh ngộ ở đây. Chị rất động cảm động khi thấy tình cảm thương yêu mà gia đình ông Kỷ dành cho nhau, đặc biệt là việc chăm sóc, đùm bọc bà Tuyết.

"Cô Tuyết có người anh và những người cháu rất tuyệt vời. Mình thấy quý trọng tình cảm gia đình, anh chị em như thế. Thấy thực sự xúc động. Mấy cô con gái đều có gia đình riêng, thấy vất vả lắm nhưng sẵn sàng đỡ đần bố, lo toan cho cô. Chứ xã hội đầy trường hợp con cái bạc đãi cha mẹ đẻ của mình; nhiều gia đình anh em, cha con tranh chấp sống mái với nhau", chị Huyền chia sẻ.

Ông Đặng Đình Kỷ (65 tuổi) đã luôn hết lòng chăm lo cho người em gái khờ khạo của mình. Tuy nhiên, hiện tại, ông đang trong tình cảnh rất khó khăn về kinh tế.

Ông Vũ Văn Mạnh – Chủ tịch UBND xã Quảng Bị cho biết: "Hoàn cảnh của gia đình này hết sức khó khăn, chị Tuyết bệnh tật nhiều. Ở địa phương, các đoàn thể cũng chỉ vận động được chút ít để thăm hỏi, động viên tinh thần thôi. Mong nhờ cộng đồng giúp đỡ thêm cho gia đình. Chúng tôi sẵn sàng phối hợp để mang lại những điều tốt nhất cho bà con nhân dân."

Nói về bố, về cô và gia đình mình, chị Đặng Thị Xuân đã thật sự nghẹn lời. Chị nói, dẫu biết còn nhiều người khổ hơn, nhưng hiện tại gia đình chị cùng lúc đối diện với quá nhiều khó khăn:

"Thương cô Tuyết em, đơn thân, đã suy thận 10 năm. Cô không được khôn, sức khỏe yếu nên không lập gia đình. Hiện cô sống cùng bố và vợ chồng em. Bố em rất thương cô nhưng có tuổi, có bệnh nên yếu lắm. Giờ mẹ em mất rồi, còn mỗi mình cô thôi, muốn cố gắng lo cho cô nhưng thực sự chúng em đang hết sức khó khăn.

Mấy tháng trước, bệnh của cô trở nặng, em vay người quen 25 triệu còn chưa trả được, gần tuần nay mà 3 bố con em lại đã tiêu hết 30 triệu nữa rồi. Nhiều lúc ngồi làm việc nhưng đầu óc cứ nghĩ về đơn thuốc ngày mai cho cô, nghĩ xem vay mượn tiền ở đâu ra."

Anh trai tuổi già sức yếu, chắt chiu từng miếng cơm bụi, chạy chữa cho em gái khờ khạo, suy thận- Ảnh 8.

Đúng như điều mà những bệnh nhân ở phòng 505 này chia sẻ, điều mà mọi người thấy được ở gia đình ông Kỷ không chỉ là những khó khăn, thử thách bủa vây mà ở đó còn có những ấm áp từ tình thân dành cho nhau.

Nếu Quý bạn đọc đồng cảm, muốn giúp đỡ gia đình này, có thể gửi về:

Ông Đặng Đình Kỷ, thôn 1, xã Quảng Bị, huyện Chương Mỹ, Hà Nội.

Số tài khoản: 0363012564. Ngân hàng MBBank, chi nhánh Chúc Sơn. Chủ tài khoản Đặng Đình Kỷ.

Mọi thắc mắc xin liên hệ hotline 0943.113.999

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Tags
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại