Mới đây, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Gavin Williamson tuyên bố, London đang lên kế hoạch xây dựng căn cứ ở khu vực Đông Nam Á.
"Đây là thời điểm để chúng tôi trở thành quốc gia có tầm hưởng trên toàn cầu một lần nữa sau khi Thế chiến thứ II kết thúc và tôi cho rằng lực lượng vũ trang là một phần đóng vai trò quan trọng trong kế hoạch này", ông Williamson nhấn mạnh.
Theo giới quan sát, động thái này của Anh có thể được coi như một tuyên bố thách thức sự bành trướng của Trung Quốc trong khu vực.
Tướng Trung Quốc mắng Mỹ
Trước tuyên bố này, chuyên gia quân sự - Thiếu tướng hải quân Trung Quốc Trương Thiệu Trung trong bài viết "Anh muốn xây dựng căn cứ quân sự ở biển Đông?... Trước tiên cần phải lượng sức mình!" đã lên tiếng chỉ trích mạnh mẽ London, thậm chí cả đồng minh Mỹ. Tướng Trung Quốc cáo buộc, Mỹ và Anh đã "cố tình khuấy đảo cục diện biển Đông".
"Trong năm 2018 vừa qua, Mỹ không chỉ nhiều lần sử dụng quân bài Đài Loan mà còn đưa ra một loạt các quyết định liên quan đến trao đổi, hợp tác chính trị và quân sự liên quan đến Đài Loan, tần suất các hoạt động quân sự ở Biển Đông cũng tăng lên", Trương Thiệu Trung quả quyết rằng, những hành động triển khai tàu chiến, máy bay tuần tra, máy bay ném bom của Mỹ tới biển Đông tăng mạnh cả về tần suất và mức độ, chứng tỏ "ý đồ quân sự hóa và khiêu khích công khai" của Lầu Năm Góc.
Tàu chiến Anh HMS Albion. Ảnh: Hải quân Hoàng gia Anh
Ông này dự đoán, sang năm 2019, Mỹ sẽ còn triển khai nhiều hành động hơn ở khu vực biển Đông, bởi theo Báo cáo khảo sát thường niên được công bố ngày 17/12 của Viện nghiên cứu hội đồng quan hệ đối ngoại Mỹ dự báo, vấn đề biển Đông được coi là nguy cơ xung đột hàng đầu cần được theo dõi trong năm 2019.
Trương Thiệu Trung cho rằng, mâu thuẫn về vấn đề biển Đông sẽ trở thành nhân tố quan trọng trong mối quan hệ quân sự Trung-Mỹ bởi không chỉ cựu Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis luôn thể hiện quan điểm cứng rắn với Trung Quốc về vấn đề biển Đông mà người kế nhiệm ông, Quyền Bộ trưởng Quốc Phòng Patrick Shanahan thậm chí còn hô vang 3 tiếng Trung Quốc trong một cuộc họp ngày 2/1 với mục đích kêu gọi quân đội Mỹ tập trung vào Bắc Kinh.
Vào tháng 1/2018, Bộ Quốc phòng Mỹ đã ban hành báo cáo "Chiến lược quốc phòng" đầu tiên của chính phủ Trump, trong đó tuyên bố rằng các đối thủ cạnh tranh chính của Mỹ là Nga và Trung Quốc. Lầu Năm Góc tiết lộ rằng, Shanahan đóng một vai trò quan trọng trong việc phát triển báo cáo chiến lược này.
Cảnh cáo Anh
Bên cạnh đó, tướng Trung Quốc cho rằng, Anh - một đồng minh trung thành và luôn sát cánh bên Mỹ cũng đã có hành động ở biển Đông - cử một tàu chiến "cũ" tới khu vực này với lý do bảo vệ tự do hàng hải và tuyên bố sẽ đưa tàu sân bay tới biển Đông.
Năm ngoái, một tàu chiến Anh đã đi qua đảo Hoàng Sa - thuộc chủ quyền Việt Nam, đang bị Bắc Kinh chiếm đóng trái phép - và đã bị 16 tàu hải quân Trung Quốc ngăn chặn, theo Trương Thiệu Trung.
Tại cuộc họp báo thường kỳ ngày 20/9, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc tàu chiến Anh hoạt động gần một số đảo, đá ở Biển Đông, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: "Việt Nam có đầy đủ căn cứ pháp lý và bằng chứng lịch sử để khẳng định chủ quyền của Việt Nam với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế."
Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không của các quốc gia ở Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS). Đồng thời đề nghị các quốc gia đóng góp thiết thực có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông, bà Hằng nhấn mạnh.
Theo Reuters, quân đội Anh khi đó tuyên bố họ không công nhận các yêu sách của Bắc Kinh đối với quần đảo Hoàng Sa.
Bên cạnh đó, Daily Star (Anh) dẫn lời một quan chức cấp cao của Hải quân Hoàng gia Anh khẳng định, Vương Quốc Anh sẽ tuyên bố bình thường hóa sự hiện diện quân sự ở biển Đông trong tương lai. Vì thế, tàu khu trực HMS Montrose sẽ được phái tới Singapore trong kế hoạch 4 năm.
"Vào ngày 28/12, quan chức hàng đầu của Lầu Năm Góc phụ trách các vấn đề châu Á kêu gọi Úc và các đồng minh khác của Mỹ tăng cường sự hiện diện quân sự ở Biển Đông để gửi tín hiệu cảnh báo tới Trung Quốc. Và người Anh đã ủng hộ ngay sau đó", Trương Thiệu Trung cho rằng, tuyên bố Anh có thể xây dựng một căn cứ quân sự mới ở Biển Đông, Caribbean là minh chứng cụ thể cho sự hiệp đồng của London và Washington.
Trước tuyên bố, "đây là thời điểm để chúng tôi trở thành quốc gia có tầm hưởng trên toàn cầu một lần nữa sau khi thế chiến thứ II kết thúc" của Bộ trưởng Anh, Thiếu tướng Trung Quốc cho rằng, câu nói này giống như "tiếng thét cuối cùng trước khi sụp đổ của Đế quốc Anh".
"Sau khi rời EU, mất đi sự ủng hộ quan trọng của khối này, Vương Quốc Anh lo sợ sẽ dần mất vũ đài quốc tế, không được ai quân tâm nên mới chạy tới địa bàn của người khác để chứng minh sự hiện diện, coi hiện diện quân sự là bàn đạp, để rồi sau đó can thiệp vào các sự vụ của khu vực châu Á Thái Bình Dương, dần dần chiếm lấy vị trí nhất định ở khu vực này", tướng Trương Thiệu Trung cáo buộc.
Tuy nhiên, tướng Trương cho rằng, thời đại ngày nay đã khác và Vương quốc Anh không còn hùng mạnh như xưa.
"Việc quân sự hóa của Mỹ và các đồng minh đã dẫn đến căng thẳng ở Biển Đông. Họ đã cố gắng can thiệp vào hòa bình và ổn định của tình hình Biển Đông thông qua tuyên bố và hành động nhưng tất cả đều vô ích", Trương Thiệu Trung bình luận.
"Muốn gây rắc rối ở biển Đông thì cần phải lượng sức mình trước đã", tướng Trung Quốc cảnh báo.