Anh Tây trầm trồ với món ăn có loại sợi đặc biệt: Tinh hoa hội tụ, dân sành ăn ai cũng biết

Minh Anh |

Đây là món ăn đặc sản của một địa phương nhưng được bán rộng rãi và là món khoái khẩu của nhiều người.

Brandon Hurley hay còn có tên tiếng Việt là Phúc, chủ các trang mạng xã hội với cái tên Phúc Mập Vlog, là một người Mỹ đã sinh sống và làm việc ở Việt Nam được gần 10 năm. Trong suốt khoảng thời gian ấy, anh đã đi những vùng đất dọc Việt Nam và nếm thử hàng loạt những món ăn Việt.

Trong một video được đăng tải trên trang cá nhân của mình, chủ kênh Phúc Mập đã dành lời khen cho một món ăn đặc sản của Hải Phòng. Anh miêu tả “món ăn này nhìn rất ngon". Ngoài ra, anh còn cho biết món ăn này có những sợi bánh đặc biệt. Chàng trai nhấn mạnh, nếu ai chưa từng nếm qua món ăn này thì nên thử một lần.

Trước đó, trang thông tin chuyên về ẩm thực nổi tiếng thế giới TasteAtlas vừa giới thiệu món bánh đa cua Hải Phòng là một trong những món súp ăn ngon nhất thế giới.

TasteAtlas gọi món bánh đa cua là “Red noodle soup” và mô tả món ăn đầy màu sắc này là một đặc sản địa phương của Hải Phòng. Nước dùng làm từ thịt lợn với nhiều loại nguyên liệu như thịt cua, rau sống, chả viên, giò lụa, chả lụa hoặc chả lá lốt.

Anh Tây trầm trồ với món ăn có loại sợi đặc biệt: Tinh hoa hội tụ, dân sành ăn ai cũng biết- Ảnh 1.

Ảnh cắt từ clip

Các nguyên liệu có thể khác nhau, nhưng mỗi bát cần phải có một phần bánh đa sản xuất tại địa phương có màu đỏ nhạt đặc trưng (bánh đa đỏ). Bánh đa cua ăn kèm rau thơm, chanh và ớt tươi.

Nguyên liệu chế biến bánh đa cua là những sản phẩm đồng quê như cua đồng, lá lốt, rau muống… nhưng qua bàn tay chế biến khéo léo, tỉ mỉ của người Hải Phòng dần trở thành đặc sản.

Dưới đây là công thức chi tiết nấu món bánh đa cua Hải Phòng, bạn có thể tham khảo để nấu ở nhà cho gia đình mình.

Nguyên liệu

- Bánh đa đỏ hoặc bánh đa trắng: 400 gram

- Cua đồng xay nhuyễn: 400 gram

- Sườn sụn: 300 gram

- Thịt lợn xay: 150 gram

- Chả cá: 100 gram

- Mỡ phần: 100 gram

- Tôm khô: 100 gram

- Rau muống: 300 gram

- Cà chua chín: 6 quả

- Rau sống theo sở thích (có thể là xà lách, húng quế, rau mầm,...)

- Mộc nhĩ: 20 gram

- Lá lốt: 10 gram

- Hành khô: 10 gram

- Hành lá, mùi tàu (ngò gai): 10 gram

- Gia vị bao gồm: nước mắm, muối, tiêu, hạt nêm

Các bước chế biến

Bước 1: Sơ chế nguyên liệu

- Mỡ được rửa sạch và thái hạt lựu.

- Tôm khô ngâm trong bát nước ấm cho đến khi nở mềm rồi rửa sạch.

- Mộc nhĩ ngâm nước ấm khoảng 15 phút, sau đó loại bỏ chân, rửa sạch và thái sợi.

- Rửa sạch lá lốt, chọn lá to để gói chả lá lốt và lá nhỏ thì thái nhỏ để trộn vào thịt xay.

- Cà chua rửa sạch và bổ múi cau.

- Hành khô bóc vỏ, thái lát mỏng.

- Hành lá và mùi tàu rửa sạch và thái nhỏ.

Anh Tây trầm trồ với món ăn có loại sợi đặc biệt: Tinh hoa hội tụ, dân sành ăn ai cũng biết- Ảnh 2.

Bước 2: Luộc sườn và làm riêu

- Rửa sạch sườn, cho vào nồi với nước lạnh, đun sôi khoảng 2-3 phút rồi rửa lại.

- Cho sườn sạch vào nồi, thêm 2 lít nước và đun nhỏ lửa khoảng 30-40 phút để sườn mềm.

- Đối với cua đã xay, cho vào bát nước lớn, khuấy đều và lọc lấy nước cua.

- Đun sôi nước cua. Khi thấy phần gạch cua nổi lên, dùng muôi vớt ra một chiếc bát.

Bước 3: Làm chả lá lốt

- Trộn thịt xay với mộc nhĩ và lá lốt đã thái nhỏ, thêm một ít hạt nêm và tiêu cho ngấm.

- Đặt từng lá lốt sạch ra mặt phẳng, đặt 1 thìa thịt lên lá rồi gói lại và cố định bằng tăm xuyên qua.

Bước 4: Trụng rau muống

- Rửa sạch rau muống, đun sôi nước và luộc từ 3-5 phút với chút muối. Sau đó, ngâm rau vào nước lạnh để giữ màu xanh và độ giòn.

Bước 5: Làm tóp mỡ và chả cá

- Chả cá cắt miếng vừa ăn, rán giòn vàng đều cả hai mặt.

- Rán mỡ hạt lựu cho đến khi vàng giòn, vớt ra và sau đó rán hành khô cho đến khi vàng thơm.

Bước 6: Chế biến nước dùng

- Lấy nước cua đã đun sôi, trộn cùng nước luộc sườn, thêm vào 2 lít nước, đun sôi lại.

- Nêm thêm nước mắm và hạt nêm cho vừa khẩu vị.

Bước 7: Hoàn thiện món ăn

- Sắp bánh đa đã trụng chín vào tô, thêm chả lá lốt, gạch cua, tôm luộc, rau muống, hành và mùi.

- Khi ăn, chan nước dùng nóng vào tô bánh đa.

Khi chế biến món bánh đa cua Hải Phòng cần lưu ý những điểm sau:

1. Lựa chọn cua: Chọn cua đồng tươi ngon, nên ưu tiên cua cái vì có gạch sẽ làm tăng hương vị cho món ăn.

2. Sơ chế cua đúng cách: Khi giã cua, thêm chút muối để protein trong cua kết dính, giúp riêu cua khi nấu không bị tanh và có kết cấu đẹp mắt.

3. Nước dùng: Nước dùng là yếu tố quan trọng quyết định hương vị của món ăn. Nên kết hợp nước cua và nước sườn để nước dùng có vị ngọt tự nhiên. Có thể thêm mắm tôm khô Hải Phòng để tăng hương vị đặc trưng.

4. Rau sống ăn kèm: Cần rửa sạch và tiệt trùng để tránh vi khuẩn và giữ cho món ăn an toàn vệ sinh.

Thành phẩm cuối cùng là một tô bánh đa cua Hải Phòng thơm ngon, đậm đà với vị ngọt tự nhiên từ cua và các nguyên liệu phong phú, hấp dẫn. Chúc các bạn thành công với món ăn này.

Tổng hợp

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại