Một chiến đấu cơ của Trung Quốc vừa vô tình bị chụp lại khi đang được vận chuyển trên đường. Chiếc máy bay này được bảo mật rất kỹ với phần thân bọc kín và được bảo vệ cẩn mật. Người ta tin rằng bên trong tấm bạt là nguyên mẫu thứ 2 của dòng chiến đấu cơ thế hệ 5 Shenyang J-31 sử dụng công nghệ tàng hình của Trung Quốc.
Chiến đấu cơ J-31 bị bắt gặp đang vận chuyển trên đường.
Theo dữ liệu từ phía Trung Quốc, J-31 có tốc độ lên đến 2.200km/giờ, bán kính tác chiến 1.250km và được trang bị 1 radar mảng pha chủ động.
Mẫu máy bay này được giới thiệu lần đầu tại triển lãm hàng không Trung Quốc vào năm 2014, Nhà phát triển tự tin rằng nó có thể ngang hàng với các chiến đấu cơ thế hệ 5 khác như F-35 của Mỹ và PAK FA của Nga.
Tuy nhiên, sau màn bay biểu diễn, chiến đấu cơ của Trung Quốc không được trưng bày dưới đất để người xem tham quan.
Tờ Gazeta chỉ ra rằng Shenyang J-31 vẫn thiếu nhiều điểm để được gọi là chiến đấu cơ thế hệ 5.
Dùng động cơ của máy bay thế hệ 4
Các nguồn tin trước đó cho biết động cơ trang bị trên J-31 là loại RD-93 của Nga, đây là phiên bản xuất khẩu của loại động cơ RD-33 trang bị trên MiG-29, với lực đẩy 8.300kg.
Tuy nhiên, RD-93 không phải là loại động cơ cho chiến đấu cơ thế hệ 5.
Động cơ F119 trên chiến đấu cơ thế hệ 5 F-35 của Mỹ (đây là loại động cơ được phát triển từ động cơ Pratt & Whitney F135 trang bị trên chiến đấu cơ thế hệ 5 F-22) có lực đẩy lên đến 19.500kg.
RD-93 và Pratt & Whitney F135 có sự khác biệt rõ rệt về lực đẩy - 8.300kg so với 19.500kg. Chỉ riêng điều này đã cho thấy Shenyang J-31 không thể so sánh với F-35 về mặt động cơ.
Do đó, Trung Quốc đã khá liều lĩnh khi tuyên bố rằng J-31 có thể sánh ngang F-35 về tầm bay và tải trọng chiến đấu. Còn mẫu PAK FA chỉ có thể bắt đầu hoạt động từ năm 2017.
Dữ liệu chính xác của hệ thống buồng lái cũng như vũ khí của J-31 không được tiết lộ nên để so sánh với các thiết bị tương tự của Nga hay Mỹ là điều không thể.
Người ta cho rằng J-31 được thiết kế với công nghệ tàng hình và điều này đã làm dấy lên nhiều câu hỏi với các chuyên gia.
Ai và làm thế nào đo lường được hiệu quả tán xạ bề mặt của chiến đấu cơ Trung Quốc?
Chiến đấu cơ "thế hệ 5" J-31 của Trung Quốc.
Bất cứ ai tìm cách so sánh J-31 và F-35 nên nhớ lại rằng, F-35 là mẫu máy bay thứ tư được Mỹ thiết kế tàng hình. Chiếc đầu tiên là F-117 đã bị loại bỏ khỏi biên chế. Và nhiều kinh nghiệm chỉ có các nhà thiết kế máy bay Mỹ mới biết được.
Tất nhiên, một số thứ Trung Quốc có thể đã ăn cắp được từ Mỹ, nhưng nhiều thứ khác thì không.
Chúng ta có thể kết luận rằng nỗ lực chế tạo chiến đấu cơ thế hệ 5 của Trung Quốc mới chỉ ở giai đoạn đầu nhưng tốc độ phát triển của các chuyên gia Trung Quốc trong lĩnh vực này khá đáng ngạc nhiên. Đó có thể là giải pháp cho nhiều nhiệm vụ kỹ thuật phức tạp.
Dựa trên tên chính thức tại triển lãm hàng không Chu Hải 2014, chiến đấu cơ thế hệ 5 FC-31 được dùng để xuất khẩu.
Tuy nhiên, danh tiếng của một nhà chế tạo máy bay có kinh nghiệm và chất lượng là rất khó để tạo ra.
Trên thực tế, Trung Quốc vẫn chưa thật sự chế tạo hoàn chỉnh chiến đấu cơ thế hệ 4. Vấn đề lớn nhất với nước này là chế tạo động cơ. Ngay cả khi chế tạo hàng loạt máy bay, họ vẫn phải mua số lượng lớn động cơ từ Nga.
Trung Quốc đã ăn cắp hàng terabyte dữ liệu từ công ty chế tạo F-35.
Nếu không có các thành phần bên trong, hình dáng của khung thân (phần cấu trúc của máy bay khi chưa lắp động cơ và thiết bị) thì việc ăn cắp và tạo ra một phiên bản của riêng mình là điều hoàn toàn khác biệt. Hiện tại, các chiến đấu cơ của Trung Quốc chỉ nhìn giống như một cỗ máy chiến tranh thế hệ 5 nhưng thực chất không phải thế.